Sợ bị trộm danh tính qua mạng khi thanh toán điện tử, đây là 5 cách phòng tránh

18/10/2016 15:15 PM | Công nghệ

Trộm danh tính là một tội phạm - và là một trò lừa đảo. Qua đó, tên tội phạm sử dụng thông tin cá nhân của người khác để tạo danh tính giả, hoặc dùng danh tính nạn nhân vào các hành động tội phạm.

Tuy nguy cơ trộm danh tính luôn hiện hữu, tần suất của rủi ro này lại tương đối thấp và có thể được ngăn chặn một cách dễ dàng.

Điều đáng ngạc nhiên là người tiêu dùng tại Đông Nam Á rất e sợ gặp phải rủi ro, vì thế họ chọn tiền mặt thay vì các phương thức thanh toán điện tử và tin rằng tiền mặt an toàn hơn.

Trên thực tế, tiền mặt không chỉ bất tiện và kém an toàn mà còn gây tốn kém cho sức khỏe của bạn. Một nghiên cứu năm 2002 của tạp chí Southern Medical Journal đã chứng minh các tờ đô-la Mỹ là mảnh đất màu mỡ cho các mầm bệnh, chẳng hạn loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi Klebsiella pneumoniae.

Kết quả khảo sát về Chỉ số an toàn và an ninh của MasterCard cho thấy mối quan ngại của người tiêu dùng đối với nguy cơ trộm danh tính vượt xa trải nghiệm thật của họ - trong khi có đến 35% người tiêu dùng lo sợ sẽ trở thành nạn nhân bị trộm danh tính, chỉ 6% đã thật sự có trải nghiệm về điều này.

Những mối lo ngại này bắt nguồn từ đâu? 43% người được hỏi cho biết các bài báo về các vụ trộm danh tính đã ảnh hưởng đến tâm lý của mình.

Để xua tan nỗi quan ngại của người tiêu dùng, dưới dây là 5 ngộ nhận thường gặp về trộm danh tính và cách để bạn giảm thiểu xác suất bị trộm danh tính.

"Các vụ trộm danh tính xảy ra một cách ngẫu nhiên, và tôi không có cách nào để ngăn chặn chúng!"

Sự thật: Bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi việc trộm danh tính bằng cách trang bị cho mình những thường thức cần thiết và kiến thức về thói quen mua sắm an toàn.

Bí quyết: Luôn chọn một password “mạnh” cho các tài khoản mạng xã hội và mua sắm trực tuyến, đồng thời không bao giờ chia sẻ thông tin cá nhân này với bất kì ai.

"Nếu tôi trở thành nạn nhân của một vụ trộm danh tính thì đó là lỗi của ngân hàng".

Sự thật: Đa số các vụ trộm danh tính thường bắt đầu trong đời thực và ngân hàng không phải là mục tiêu chính của bọn tội phạm. Thông tin cá nhân có thể bị rò rỉ từ những địa điểm vô thưởng vô phạt, chẳng hạn một chiếc ví bị thất lạc hoặc mất cắp hay một quyển nhật ký riêng tư.

Bí quyết: Thông báo ngay với ngân hàng và cơ quan chức năng ngay khi bạn phát hiện bị mất ví hoặc bất cứ công cụ thanh toán nào. Chia sẻ càng nhiều thông tin có liên quan càng tốt - điều này sẽ giúp ngân hàng của bạn theo dõi và ngăn chặn các hành vi lừa đảo. Bạn cũng nên lưu ý đến sao kê ngân hàng và thông báo kịp thời cho ngân hàng nếu phát hiện bất cứ điều gì khác thường trong sao kê.

"Tôi có thể cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại một cách an toàn nếu tính năng hiển thị thông tin nhận dạng cuộc gọi (caller ID) xác nhận rằng đó là ngân hàng của tôi".

Sự thật: Cung cấp thông tin cho một người gọi chưa được xác thực danh tính, dù họ có nói họ là ai, là hoàn toàn không an toàn. Thông tin nhận dạng cuộc gọi có thể bị làm giả và thường được sử dụng để đánh lừa những nạn nhân nhẹ dạ.

Bí quyết: Nếu bạn nghi ngờ về độ xác thực của điện thoại viên từ ngân hàng, hãy cúp máy và gọi lại cho ngân hàng theo số điện thoại chính thức.

"Các thông tin liên lạc cá nhân (địa chỉ thư tín, số điện thoại, địa chỉ e-mail, v.v.) không có giá trị gì đối với kẻ trộm danh tính".

Sự thật: Tất cả thông tin mà bạn đưa lên mạng - từ những bức ảnh bạn chia sẻ trên mạng xã hội đến số tuổi bạn ghi trên trang web mua sắm yêu thích - tất cả đều có thể được sử dụng để mạo danh bạn và vì thế cần được bảo mật cẩn thận.

Bí quyết: Nên cân nhắc chỉ cung cấp những thông tin cá nhân thật sự cần thiết. Các doanh nghiệp thường yêu cầu những thông tin cá nhân mà họ không thật sự cần đến. Trách nhiệm của bạn là giữ lại bất cứ thông tin nào mà bạn không sẵn sàng cung cấp.

"Mua sắm hoặc giao dịch ngân hàng trực tuyến là không an toàn"

Sự thật: Mua sắm và giao dịch ngân hàng trực tuyến là an toàn - miễn là bạn lựa chọn chính xác cách thức và nơi chốn thực hiện các giao dịch đó.

Bí quyết: Luôn kiểm tra tính xác thực của trang web trước khi sử dụng. Chỉ nên mua sắm tại những trang web có chứng chỉ bảo mật SSL (Secure Sockets Layer) với biểu tượng ổ khóa xuất hiện kế bên thanh địa chỉ (URL) khi mở trang. Đồng thời, cần đảm bảo rằng bạn sử dụng một kết nối Internet an toàn khi mua sắm hay giao dịch ngân hàng trực tuyến hoặc bằng thiết bị di động.

Người tiêu dùng thông minh luôn chủ động thay vì bị động. Ngân hàng và tổ chức thanh toán sẽ cung cấp những công cụ và giải pháp mới nhất để bảo vệ bạn khỏi các hành vi gian lận, còn trách nhiệm ngăn chặn trộm danh tính sẽ thuộc về bạn.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
XEM