Smartphone Trung Quốc đã đạt đến giới hạn của sự sáng tạo?

02/02/2022 19:20 PM | Xã hội

Vài năm trở lại đây, các mẫu smartphone cao cấp đến từ Trung Quốc không còn mang đến nhiều đột phá so với thế hệ trước. Phải chăng điện thoại Trung Quốc đã đạt đến giới hạn của sự sáng tạo?

Xiaomi và OnePlus là những cái tên điển hình cho việc cải tiến nhỏ giọt của smartphone Trung Quốc hiện nay. Xiaomi 12 và OnePlus 10 Pro vừa ra mắt đầu năm được đánh giá là thiếu đột phá và khá an toàn khi chỉ thay đổi về cụm camera và chip xử lý.

OnePlus 11 Pro: nước đi khó hiểu từ OnePlus

 Smartphone Trung Quốc đã đạt đến giới hạn của sự sáng tạo?  - Ảnh 1.

Về OnePlus, có thể nói đây là thương hiệu điện thoại Trung Quốc phổ biến nhất thị trường quốc tế. Vừa qua, OnePlus 10 Pro đã được ra mắt với một vài cải tiến so với OnePlus 9 Pro. Song, đây lại được xem như một bước cải lùi của nhà sản xuất Trung Quốc khi xét về những nâng cấp trên cụm camera, OnePlus 10 Pro có phần thua thiệt hơn thế hệ tiền nhiệm.

Đầu tiên, camera chính và camera tele trên OnePlus 10 Pro vẫn được giữ nguyên từ 9 Pro. Kích thước cảm biến chính 1/1.43 inch trên OnePlus 10 Pro giờ đây đã trở nên lỗi thời, được xếp vào hàng nhỏ nhất trong số các flagship hiện nay, bao gồm iPhone 13 Pro Max hay Google Pixel 6 Pro.

Tương tự, camera tele 8 MP với zoom quang 3.3x trên OnePlus 10 Pro tương đối cũ và thua thiệt so với các đối thủ. Để dễ so sánh, Pixel 6 Pro được trang bị cảm biến tele kích thước 1/2.0 inch, kết hợp cùng độ phân giải 48 MP để cho ra những bức ảnh zoom sắc nét. Trong khi đó, iPhone 13 Pro của Apple được trang bị camera tele có cảm biến kích thước lớn 1/3.4 và độ phân giải cũng cao hơn OnePlus 10 Pro.

Với camera góc siêu rộng, OnePlus đã thay cảm biến 50 MP, 1/1.56 inch trên OnePlus 9 Pro bằng một cảm biến 50 MP khác có kích thước nhỏ hơn, giảm xuống còn 1/2.76 inch cho 10 Pro. Về lý thuyết, điều này khiến hiệu suất chụp góc rộng trong điều kiện thiếu sáng hoặc ánh sáng phức tạp của OnePlus 10 Pro kém hơn phiên bản tiền nhiệm.

Bên cạnh sự tụt hậu về phần cứng camera, OnePlus 10 Pro chỉ có khả năng quay video bằng camera selfie 32 MP ở độ phân giải 1080p. Trong khi đó, các đối thủ khác đã đạt đến ngưỡng 4K 30/60 fps.

Năm nay, OnePlus đã có một quyết định khá khó hiểu khi không ra mắt OnePlus 10, phiên bản thấp hơn của 10 Pro. Cộng thêm việc không ra mắt mẫu máy nào thuộc dòng T vào năm 2021, OnePlus cho thấy họ đang muốn đơn giản hóa phân khúc sản phẩm của mình. Thương hiệu này chỉ muốn tập trung vào phân khúc cao cấp và tầm trung, thay vì phân ra thành hai đợt ra mắt điện thoại đầu bảng thuộc phân khúc cao cấp và cận cao cấp như trước.

Ngoài ra, việc tập trung vào thị trường nội địa Trung Quốc cho thời điểm Tết Nguyên đán 2022 cũng được xem là một lý do cho sự vắng mặt của OnePlus 10. Như chúng ta đã biết, BBK Electronics, tập đoàn sở hữu OnePlus, Oppo, Vivo và Realme, đã quyết định hợp nhất OxygenOS của OnePlus và ColorOS của Oppo để có một phiên bản thống nhất cho cả hai ở thị trường Trung Quốc.

Điều này khiến cho những người dùng lâu năm của OnePlus cảm thấy không hài lòng khi giờ đây, giao diện trên máy đã chuyển sang dùng ColorOS. Mặc dù ColorOS của Oppo đã trở nên tối giản và không còn màu mè như trước, OxygenOS vẫn mang nét đặc trưng riêng của OnePlus khi nó đơn giản và thuần Google.

Xiaomi 12 series: một Xiaomi nằm trong vùng an toàn

 Smartphone Trung Quốc đã đạt đến giới hạn của sự sáng tạo?  - Ảnh 2.

Quay sang Xiaomi, nhà sản xuất này cũng vừa cho ra mắt dòng Xiaomi 12 vào đầu năm nay, bao gồm ba phiên bản Xiaomi 12X, Xiaomi 12 và Xiaomi 12 Pro. Giờ đây, dòng smartphone cao cấp của Xiaomi đã lược bỏ tên gọi Mi cho đơn giản.

Năm nay, Xiaomi đã có sự hạ cấp về phần cứng camera cho Xiaomi 12 khi chỉ trang bị cảm biến ảnh kích thước 1/1.56 inch, nhỏ hơn đáng kể so với 1/1.33 inch trên chiếc Xiaomi Mi 11. Trước đó, mẫu flagship năm 2021 gây ấn tượng nhờ camera độ phân giải đến 108 MP, trong khi Xiaomi 12 giảm xuống còn 50 MP.

Cảm biến camera góc rộng vẫn giữ như cũ, kích thước 1/3.4 inch và góc chụp 123 độ. Đáng chú ý, Xiaomi 12 có camera tele 5 MP mới, cố định ở tiêu cự 50 mm giúp cho việc chụp macro và lấy nét cận cảnh tốt hơn. Ở mặt trước, sản phẩm của Xiaomi chỉ được trang bị cảm biến 32 MP có khả năng quay video 1080p tương tự OnePlus 10 Pro.

Tiếp đến là phần màn hình. Xiaomi Mi 11 được đánh giá cao về chất lượng hiển thị khi sở hữu màn hình AMOLED 6,8 inch, tần số quét 120 Hz, độ sáng tối đa đạt 1500 nit và độ phân giải 2K+ cho mật độ điểm ảnh 515 dpi. Trong khi đó, Xiaomi 12 lại nhỏ hơn đáng kể với màn hình 6,28 inch, 120 Hz có độ sáng tối đa chỉ 1100 nit và chỉ dừng lại ở Full HD + (mật độ điểm ảnh 419 dpi). Qua đó có thể thấy, khả năng hiển thị trên Xiaomi 12 không cho chất lượng tốt bằng Mi 11 của năm trước.

Bên cạnh Xiaomi 12, phiên bản cao cấp Xiaomi 12 Pro cũng chịu chung số phận khi có thông số thấp hơn Mi 11 Pro. Cụ thể, Xiaomi Mi 11 Pro đạt tiêu chuẩn kháng bụi kháng nước IP68, trong khi với Xiaomi 12 Pro, nhà sản xuất không đề cập đến thông số này. Còn lại, phần cứng camera trên 12 Pro cũng thấp hơn Mi 11 Pro như phiên bản thường.

Không giống với OnePlus 10, chưa có tin tức nào cho thấy Xiaomi có ý định không ra mắt Xiaomi 12 Ultra. Theo truyền thống các năm, nhà sản xuất Trung Quốc thường ra mắt bản Ultra muộn hơn vài tháng. Song, cũng có tin đồn cho rằng Xiaomi 12 Ultra sẽ là Xiaomi Mix 5 vì thế chúng ta vẫn chưa thể xác nhận được gì.

Các flagship Trung Quốc có thực sự đạt đến giới hạn của sự đổi mới?

 Smartphone Trung Quốc đã đạt đến giới hạn của sự sáng tạo?  - Ảnh 3.

Nhắc đến các thương hiệu smartphone Trung Quốc, không thể không kể đến Huawei. Nhà sản xuất này đã liên tiếp 3 năm liền ra mắt những mẫu flagship chứa đầy đổi mới sáng tạo, từ P20 Pro, Mate 20 Pro cho đến P40 Pro và Mate 40 Pro. Tuy nhiên, sang đến P50 Pro, sự sáng tạo và đổi mới của Huawei đã bị chững lại do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Đây được xem là một ví dụ cho thấy đằng sau những cải tiến nhỏ giọt là vì các yếu tố bên ngoài tác động. Trong khi đó, với OnePlus hay Xiaomi, lý do họ trở nên ít thay đổi có thể được cho là do đạt đến giới hạn sự sáng tạo. Trước đây, OnePlus được biết đến và nổi lên nhờ những sản phẩm “flagship killer”, cấu hình mạnh ngang máy cao cấp nhưng lại có giá thành phải chăng. Nhưng giờ đây, OnePlus lại muốn chuyển sang một hướng đi khác, không còn tập trung vào việc chạy đua thông số phần cứng hay đổi mới quá mạnh mẽ như trước.

Có lẽ là vì sự vắng mặt của cựu nhà sáng lập Carl Pei, người giúp OnePlus đi lên nhờ chiến lược tung ra những mẫu “flagship killer”. Hay sự lột xác sắp tới sau khi OnePlus về chung nhà với Oppo do tập đoàn BBK đứng đằng sau.

Trong khi đó, Xiaomi dường như nhận ra rằng mặc cho họ có thể bán được nhiều chiếc máy giá tầm trung cấu hình ngang flagship đi chăng nữa, doanh thu họ đạt được vẫn không nhiều như Samsung, chứ chưa nói đến Apple. Đây có thể là lời giải cho việc vì sao Xiaomi giảm thông số kỹ thuật của các thiết bị đầu bảng, như dòng Xiaomi 12 và Mi 11.

Dù muốn hay không, Xiaomi vẫn được biết đến như một thương hiệu giá rẻ ở các thị trường lớn như Châu Âu hay Vương quốc Anh. Và không có gì ngạc nhiên khi Xiaomi chiếm lĩnh phân khúc điện thoại giá rẻ, giúp hãng vươn lên dẫn đầu thị trường smartphone toàn cầu khi nói đến doanh số bán.

Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chiến lược của Xiaomi hiện nay là định vị mình như một thương hiệu cao cấp. Nhà sản xuất Trung Quốc cố gắng tập trung những thiết bị giá rẻ cấu hình cao vào hai thương hiệu con là Redmi và Poco, trong khi thương hiệu Xiaomi là dành cho những mẫu máy flagship giá thành cao.

Nhìn chung, sự đổi mới và những cải tiến về thông số phần cứng trên một số smartphone Trung Quốc đang dần bị bỏ lại phía sau. Trong khi các đại diện sừng sỏ đến từ Samsung hay Apple đều luôn mang đến những nâng cấp ổn định và đáng để người dùng mong đợi. Quy mô và tầm ảnh hưởng của Samsung, Apple cũng quyết định phần nào đến sự mong đợi này khi mà họ có khối lượng lớn khách hàng.

Thái Âu

Cùng chuyên mục
XEM