Sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ khó để tìm được việc làm ưng ý, nếu thiếu những kỹ năng quan trọng sau

27/05/2016 11:13 AM | Kinh doanh

Cho dù được đào tạo bài bản 4 năm ở trường học nhưng rất nhiều cử nhân sau khi ra trường thất nghiệp hoặc làm trái ngành mình học. Một trong những nguyên nhân cho tình trạng đó là do họ thiếu những kỹ năng quan trọng.

Các nhà quản lý và nhân viên của mình tuy chung công ty nhưng suy nghĩ và quan điểm thường không đồng nhất với nhau.

Trang FastCompany đã phát hiện ra khoảng cách rất lớn về văn hóa kinh doanh cũng như ý tưởng hoàn toàn khác nhau về việc cân bằng công việc-cuộc sống của 2 nhóm người trên đặc biệt là với lực lượng lao động tương lai – các sinh viên mới tốt nghiệp và các nhà tuyển dụng.

Theo báo cáo mới từ PayScale - nhà cung cấp các dữ liệu và phần mềm theo yêu cầu thì trong khi 87% số sinh viên tốt nghiệp gần đây cảm thấy họ đã sẵn sàng đi xin việc làm sau khi nhân bằng nhưng chỉ một nửa số nhà tuyển dụng cho rằng như vậy.

Báo cáo này không khiến nhiều người ngạc nhiên vì rất nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp lạc quan về tương lai và tự tin với vốn kiến thức và kỹ năng của mình. Nhưng thực tế các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng khoảng 51% các sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc không làm đúng chuyên ngành mình được đào tạo.

Lý giải cho thực trạng này là do các sinh viên hầu hết đều thiếu những kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Ví dụ những kỹ năng quan trọng như tư duy phê phán (phản biện), kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng tập trung, kỹ năng viết. Ngoài ra họ còn thiếu kỹ năng SEO trong marketing, ngoại ngữ và mã hóa kém.

Theo các nhà quản lý nhân sự các kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo, và làm việc nhóm đại đa số các sinh viên đều thiếu. Tỷ lệ phần trăm các kỹ năng mà sinh viên thiếu hoặc chưa hoàn thiện gồm có

Tư duy phê phán: 66%, tập trung: 56%, giao tiếp: 56%, làm việc nhóm: 36%, kỹ năng viết: 44%, thuyết trình trước đám đông 39%, toán học: 19% và thiết kế 14%. Đáng chú ý là có hai mục về tính bền bỉ và cả sự tò mò cũng được đưa vào danh sách các kỹ năng còn thiếu của sinh viên khi con số cho thấy tỉ lệ thiếu điều này ở sinh viên là 25% và 16%.

Đây đều là những kỹ năng vô cùng quan trọng, giúp ích cho sinh viên trong công việc và phát triển nghề nghiệp sau này.

"Sinh viên tốt nghiệp cần kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề tốt nếu họ muốn vượt qua vòng phỏng vấn và thành công tại nơi làm việc, bởi kỹ năng viết, nói, và tư duy phê phán cho phép bạn thực hiện mục tiêu kinh doanh và thăng tiến trong công việc", ông Dan Schawbel, giám đốc nghiên cứu nơi làm việc trong tương lai, cho biết trong một bài phát biểu.

"Không một ngày làm việc nào kết thúc mà không cần viết một email hoặc giải quyết một thách thức mới, phát triển những kỹ năng này càng sớm, thì bạn sẽ sớm được tuyển dụng hơn" Schawbel cho biết thêm.

Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là vấn đề tuổi tác trong báo cáo này. 55% các nhà quản lý là người thế hệ Y cho rằng sinh viên tốt nghiệp đã chuẩn bị tốt để gia nhập lực lượng lao động trong khi con số này của thế hệ (sinh trước năm 2000) chỉ là 47%.

Katie Bardaro, phó chủ tịch của dữ liệu Analytics tại PayScale, lý giải vấn đề này có thể là do thực tế là các nhà quản lý từ các thế hệ lớn tuổi thành thạo nhiều kĩ năng hơn và do đó có những kỳ vọng cao hơn so với các nhà quản lý thế hệ trẻ.

Bardaro cũng lưu ý rằng vì đây là lần đầu tiên nghiên cứu đã được thực hiện nên, không có bất kỳ dữ liệu so sánh nào với các thế hệ sinh viên tốt nghiệp đại học trước đây. "Chúng tôi có thể nói rằng sự gia tăng sự phụ thuộc vào công nghệ và cuộc Đại suy thoái gần đây đã nới rộng khoảng cách kỹ năng", bà nói.

"Phải mất thời gian để xây dựng một chương trình giảng dạy và có được một chuyên gia có thể dạy và phổ biến thông tin cho học sinh, trong khi công nghệ thì thay đổi quá nhanh chóng," Bardaro nói.

Cần viết những kỹ năng gì trong hồ sơ xin việc?

Thực tế cho thấy những kỹ năng như lập trình hoặc các ngành liên quan tới lĩnh vực công nghệ thông tin hay STEM thường có lương cao nhất.

Bardaro không cho rằng rằng khi đặt trọng tâm vào chương trình học STEM thì nên tách rời học các kĩ năng mềm thiết yếu khác. Bà cũng chỉ ra rằng nhiều chương trình STEM vẫn đòi hỏi một khóa học tiếng Anh tổng quát và bài vở thường đòi hỏi phải thuyết trình nhưng có lẽ chỉ tập trung đào tạo những kỹ năng này vào đầu khóa nên khi sinh viên tốt nghiệp đều quên hết.

STEM là cụm từ viết tắt của Khoa Học, Công Nghệ, Kỹ Thuật và Toán Học. Thông qua việc kết hợp các lĩnh vực trên, học sinh có khả năng ứng dụng một cách sáng tạo và phát huy cách học mới về những khái niệm được học thông qua việc thực hành lắp ráp robot.

Vì thế khi viết CV đừng quên những kĩ năng “nền” như kỹ năng về ngôn ngữ, giải quyết vấn đề, ,thuyết trình trước đám đông, tư duy phê phán hoặc logic, cũng như sự kiên trì trong công việc.

Thụy Dương

Cùng chuyên mục
XEM