Sinh viên quốc tế Nhật đang cạnh tranh khốc liệt để tìm việc?

26/12/2018 19:15 PM | Xã hội

Ngay cả khi sinh viên nước ngoài tìm được việc, văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản cũng đặt ra rất nhiều khó khăn cho họ.

Nhưng con đường tìm kiếm giấc mơ của mình là được làm việc cho một công ty lớn, kiếm được mức lương gấp 4 lần ở quê nhà, lại gặp một trở ngại lớn: Cô cảm thấy các công ty Nhật Bản chưa sẵn sàng để tuyển sinh viên nước ngoài.

Theo Chiến lược Tái sinh Nhật bản của chính phủ vào năm 2014, nước này dự định sẽ thu hút thêm nhiều sinh viên quốc tế xuất sắc để cải thiện tính cạnh tranh toàn cầu của Nhật Bản và để tái sinh nền kinh tế. Một cuộc khảo sát của Bộ Lao động thực hiện vào năm 2013 cho thấy 52% trong số 1.775 công ty vừa và nhỏ rất quan tâm đến các sinh viên quốc tế.

Tuy nhiên trái với chiến lược của chính phủ và nhu cầu có vẻ ngày càng tăng của các công ty, nhiều nhà tuyển dụng ở Nhật vẫn chưa thực sự mở rộng vòng tay chào đón người nước ngoài, có thể là do thiếu nguồn lực tuyển dụng hoặc họ có xu hướng tránh bất kỳ vấn đề gì nảy sinh từ sự khác biệt trong văn hóa công việc.

Theo một cuộc khảo sát năm 2013 của Tổ chức Sinh viên Nhật Bản, 65% sinh viên quốc tế đang tìm kiếm một công việc ở nước này. Tuy nhiên chỉ có 24% trong số 39.650 sinh viên tốt nghiệp từ một cơ sở giáo dục ở Nhật Bản tìm được việc.

Theo Hitomi Sasaki, giám đốc một trung tâm hỗ trợ việc làm ở Đại học Waseda (Tokyo) – nơi có nhiều sinh viên nước ngoài nhất với 4.985 người, thì yêu cầu cực cao về ngôn ngữ chính là rào cản lớn nhất. Theo báo cáo, 84,5% trong số 433 công ty Nhật yêu cầu các sinh viên quốc tế phải có trình độ J2 trong Bài kiểm tra Khả năng Sử dụng Tiếng Nhật – trình độ đủ để giao tiếp trong các tình huống công việc phổ biến.

Nhưng trên thực tế, nhà tuyển dụng có xu hướng đòi hỏi trình độ tiếng Nhật tương đương người bản xứ, đặc biệt là trong môi trường làm việc. "Người Nhật đòi hỏi các sinh viên phải có tiếng Nhật hoàn hảo ngay từ đầu", Sasaki cho biết, vì nhiều công ty lo rằng kể cả một lỗi nhỏ khi nói tiếng Nhật trong công việc cũng có thể làm tổn hại đến sự tin tưởng của khách hàng.

Các sinh viên quốc tế thường gặp khó khăn ngay từ khi viết hồ sơ xin việc, vì ngay trong đó họ đã phải thể hiện khả năng sử dụng tiếng Nhật thành thạo của mình. Ngay cả khi vượt qua được vòng này, họ lại tiếp tục phải vật lộn với bài thi năng khiếu, vốn được thiết kế dành cho những người bản xứ để thể hiện các kỹ năng học thuật cơ bản, gồm cả một bài thi ngôn ngữ đòi hỏi vốn từ cực rộng.

Theo một sinh viên 22 tuổi người Hàn Quốc thì quy trình sàng lọc ứng viên này không công bằng với sinh viên nước ngoài: "Bài kiểm tra có vẻ không nhằm đánh giá trình độ tiếng Nhật cần thiết cho công việc thực sự", cô còn nói rằng các công ty nên gặp mặt trực tiếp để có thể đánh giá khả năng ngôn ngữ cũng như tính cách ứng viên chính xác hơn.

Tuy nhiên hầu hết các công ty này đều không có nguồn lực tài chính và nhân sự để đáp ứng đòi hỏi đó của sinh viên quốc tế. Ngoài ra các công ty này cũng không có một con đường sự nghiệp cụ thể phù hợp với đòi hỏi của ứng viên cũng như một hệ thống để hỗ trợ phát triển sự nghiệp trong nội bộ công ty.

Ngay cả khi sinh viên nước ngoài tìm được việc, văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản cũng đặt ra rất nhiều khó khăn cho họ.

Một sinh viên 22 tuổi cho biết văn hóa doanh nghiệp mà cô chứng kiến trong quá trình tìm việc rất đáng thất vọng, vì nó buộc người ta phải đồng hóa hoặc bị coi là "hỗn xược".

Sinh viên quốc tế Nhật đang cạnh tranh khốc liệt để tìm việc? - Ảnh 1.

Bên cạnh rào cản về ngôn ngữ còn có không phù hợp về tầm nhìn sự nghiệp của sinh viên quốc tế khi họ làm cho các công ty của Nhật. Yukiko Watanabe – một tư vấn viên việc làm – cho biết: "Các công ty Nhật hay có một hệ thống đánh giá mơ hồ so với các công ty nước ngoài", và điều này làm nản lòng các sinh viên quốc tế vì họ muốn thành quả trong công việc của mình được đánh giá công bằng và rõ rệt.

Theo Watanabe, các công ty nên giúp các sinh viên quốc tế tạo dựng một tầm nhìn sự nghiệp rõ ràng, như cho họ cơ hội trở thành quản lý ở các chi nhánh tại quê hương của họ.

"Nếu các công ty muốn hướng tới toàn cầu hóa, tại sao họ không tuyển ít nhất một sinh viên quốc tế để khởi động sự thay đổi thay vì đòi hỏi quá nhiều ở các ứng viên ngay từ đầu? Một khi đã làm việc cùng nhau, các công ty sẽ nhận ra nhân lực nước ngoài có những ưu điểm gì".

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM