Sinh viên 'cày' Tết

17/01/2023 09:02 AM | Xã hội

Thay vì về quê ăn Tết sớm, nhiều sinh viên đã nán lại Hà Nội làm shipper (nhân viên giao hàng) kiếm thêm thu nhập. Với họ, việc “cày” Tết là một trải nghiệm quý giá trước khi bước vào đời...

Đặt sự an toàn bản thân lên hàng đầu

Lê Khánh Hòa (SN 2001, sinh viên trường Đại học Điện lực Hà Nội) vừa học vừa làm shipper 4 tháng nay. Được nghỉ Tết, cậu không về quê ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), mà quyết định ở lại làm shipper kiếm tiền tiêu Tết. Hòa tiết lộ, chạy xe những ngày này kiếm được từ 200 đến 400 nghìn đồng mỗi ngày.

“Năm nay em được nghỉ Tết sớm nên đã tranh thủ làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Đây là một công việc giúp em tiết kiệm thời gian và chỉ cần có phương tiện di chuyển là được. Em chọn vùng (vị trí) chạy gần trường, quanh khu phố Tô Hiệu, Cầu Giấy, Xuân Thủy để nhận và nhanh hoàn thành đơn hàng. Giao thông dịp Tết luôn trong tình trạng đông đúc, vì vậy em ưu tiên, đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu”, Hòa chia sẻ.

Sinh viên 'cày' Tết - Ảnh 1.

Nguyễn Mạnh Dũng (sinh viên trường Đại học Điện lực Hà Nội) háo hức làm nhân viên giao hàng

Hòa đang là sinh viên năm cuối, mong muốn có những trải nghiệm công việc trước khi đi xin việc. Cậu dự định làm shipper đến hết ngày 27 Tết, tích cóp được một khoản rồi về quê hỗ trợ gia đình dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết.

Dễ làm, tự do, thu nhập khá là những ưu điểm khi nói về công việc shipper (nhân viên giao hàng). Vì vậy, các bạn sinh viên thường lựa chọn làm theo kiểu thời vụ để chủ động sắp xếp thời gian linh hoạt, cân đối giữa việc học và làm, thu nhập ổn định hơn một số nghề lao động chân tay khác như bồi bàn, bán hàng.

Chỉ nên dừng lại... trải nghiệm làm shipper

Hiện nhiều sinh viên, cử nhân đã tốt nghiệp chọn làm nhân viên giao hàng thời vụ như một nghề “tay trái” để cải thiện thu nhập. “Sinh viên chỉ nên dừng lại ở việc trải nghiệm làm shipper chứ không nên chạy theo thu nhập. Bởi giao hàng là một việc làm không thiên về tư duy, phụ thuộc vào chính sách của công ty, hao tổn sức khỏe, tương lai không chắc chắn. Hơn nữa, chạy xe công nghệ “ăn xổi”, lo cái ngắn trước mắt là chính. Riêng với người có chí tiến thủ, đây là bàn đạp để họ tích lũy kinh nghiệm sống hay là khoản vốn để đầu tư cho việc học, lao động trí óc sau này”, anh Nguyễn Đình Duy (quê ở Hải Dương, từng làm shipper 10 năm) nói.

Sinh ra trong thời đại số, các bạn trẻ Gen Z cũng thành thạo sử dụng các app công nghệ, biến nó thành công cụ để mưu sinh. Chỉ cần đăng ký một tài khoản trên app Grab hoặc Be, GrabFood… sinh viên có thể chọn khung giờ mình rảnh để bật app, nhận đơn hàng từ hệ thống.

Nguyên tắc “3 không”

“Mang tiền về cho mẹ” vốn là một câu nói viral (lan truyền rộng rãi) từ ca khúc nổi tiếng của rapper Đen Vâu, một ca sĩ được nhiều bạn trẻ mến mộ. Chính thông điệp “mang tiền về cho mẹ” đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới nhiều bạn trẻ dịp cuối năm, rằng nếu chưa kiếm được tiền thì cũng nên có quà về tặng mẹ.

Sinh viên 'cày' Tết - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Đình Duy (ở giữa), quê ở Hải Dương xem lại lịch sử đơn hàng. Ảnh: Châu Linh

Với chàng sinh viên Nguyễn Mạnh Dũng (SN 2002, trường Đại học Điện lực Hà Nội), cậu quyết định ở lại làm shipper kiếm tiền để “mang quà về cho mẹ”. Dũng quê Quảng Ninh và cậu muốn tặng mẹ một món đồ trang sức dịp Tết này.

Dũng mới làm shipper được nửa tháng, qua sự giới thiệu của bạn bè. “Em đang cần một khoản tiền mua quà tặng mẹ nên đã tham gia với nhóm bạn 4 người. Cả nhóm chúng em đều là sinh viên, miệt mài trên khắp các cung đường mấy ngày qua”, Dũng nói.

Để cân bằng thời gian giữa việc học và làm thêm, Dũng tự đặt ra nguyên tắc “3 không” để rèn luyện mình: Không nghỉ học - Không thiếu bài - Không ham việc. Trước đây, Dũng từng đi làm thêm công việc bồi bàn, phục vụ quán cà phê nhưng lương thấp, thời gian lại cố định.

“Khi chuyển sang làm shipper, em không tự tạo áp lực là phải kiếm được bao nhiêu tiền một ngày. Đơn giản, em chỉ chạy đến khi đủ tiền mua quà cho bố mẹ bằng chính công sức của mình. Còn sinh hoạt phí hay tiền học em vẫn được bố mẹ chu cấp đầy đủ”, Dũng chia sẻ.

Dũng chọn công việc này không đặt là “đích đến” hay công việc lâu dài, chỉ coi đây là công việc thời vụ. Qua công việc này, cậu muốn được trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp, sự nhẫn nại trước khi bước ra thị trường lao động đầy khó tính.

Theo Châu Linh

Cùng chuyên mục
XEM