Sinh ra nghèo khó nhưng mãi chưa giàu là do bạn kém cỏi, còn tỷ phú này khẳng định, sản nghiệp của ông từ túp lều tranh mà ra

14/03/2021 15:01 PM | Sống

Ông đã sử dụng những bài học từ công việc kinh doanh nhỏ của gia đình để xây dựng đế chế phần mềm trị giá hàng tỷ đô la.

Khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên mới được phát hiện ở Hoa Kỳ hơn một năm trước, một sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Johns Hopkins là Ensheng Dong đã sáng tạo ra một công cụ để theo dõi tình hình dịch bệnh. Phát minh đó đã thực sự "bùng nổ", hiện đã thu hút 2 nghìn tỷ lượt quan tâm.

Anh xuất phát là một kỹ sư hệ thống. Để tạo ra bộ công cụ này, Dong đã sử dụng công nghệ lập bản đồ và quản lý dữ liệu do Esri xây dựng. Esri hiện là một trong những công ty tư nhân lớn nhất - nhưng ít được biết đến nhất của Hoa Kỳ. Ước chừng họ sử dụng 4.500 nhân viên trên khắp thế giới. Nó được thành lập bởi Jack Dangermond tại Redlands, California, vào năm 1969. Johns Hopkins chỉ là một trong số 350.000 tổ chức trên toàn cầu sử dụng phần mềm lập bản đồ và trực quan hóa dữ liệu sáng tạo do Esri tạo ra.

Dangermond đã thành lập Esri, công ty hàng đầu trong ngành công nghệ GIS. Ban đầu nó là Viện Nghiên cứu Hệ thống Môi trường, ông đã xuất phát với số tiền tiết kiệm được khoảng hơn 1.000 USD. Ông đã chia sẻ trên podcast What I Know của Inc rằng thành tích hiện tại có được không chỉ đơn giản là thành quả của niềm đam mê địa lý và máy tính đơn thuần.

 Sinh ra nghèo khó nhưng mãi chưa giàu là do bạn kém cỏi, còn tỷ phú này khẳng định, sản nghiệp của ông từ túp lều tranh mà ra  - Ảnh 1.

Jack Dangermond được coi là cha đỡ đầu của công nghệ bản đồ kỹ thuật số. Tính ở thời điểm hiện tại, Esri có khoảng 40% thị phần hệ thống thông tin địa lý toàn cầu.

Sự nghiệp của ông đồng thời được truyền cảm hứng từ những ngày tháng thơ ấu: Lớn lên với công việc kinh doanh nhà trẻ của bố mẹ - theo đúng nghĩa đen. Trong một thời gian, gia đình chuyển đến một căn lều ở phía sau khu nhà trẻ. Ông nói: "Tất cả chúng tôi khi lớn lên đều trồng cây và chăm sóc cây cối. Những cái cây ấy sẽ là nguồn thu nhập của gia đình khi chúng tôi già đi. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Bởi vì xung quanh bàn ăn tối, chúng tôi đã nói về tất cả những điều liên quan đến việc điều hành một doanh nghiệp như dòng tiền, thanh toán hóa đơn, mối quan hệ với khách hàng, những người sẽ không trả hóa đơn hoặc những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình vận hành".

Esri chưa bao giờ nhận tài trợ từ bên ngoài, chưa bao giờ sa thải nhân viên, công ty của ông đã phát triển chậm và ổn định trong 52 năm qua.

"Cha mẹ tôi không bao giờ vay tiền và điều đó thực sự đã tác động đến tôi rất nhiều. Chính nhờ vậy, cha mẹ tôi có trách nhiệm hơn với gia đình và chúng tôi đồng thời học được cách trân trọng đồng tiền", Dangermond nói. "Lớn lên trong gia đình là những người Hà Lan nhập cư và nghèo khó - họ rất, rất cẩn thận. Vì vậy, chúng tôi rất bảo thủ. Thành thật mà nói, cho đến nay tôi vẫn là một người bảo thủ".

 Sinh ra nghèo khó nhưng mãi chưa giàu là do bạn kém cỏi, còn tỷ phú này khẳng định, sản nghiệp của ông từ túp lều tranh mà ra  - Ảnh 2.

Bàn về thành công với những thành tích hiện tại, ông cho rằng bài học trồng cây từ những ngày thơ ấu đã cho ông nền tảng cho những gì cần làm nhưng ở quy mô rộng hơn nhiều. ESRI đã phát triển thành một đế chế hàng tỷ đô. Công ty tự hào có cơ sở khách hàng trên toàn thế giới bao gồm chính phủ liên bang và các cơ quan thực thi pháp luật, các nhà bán lẻ lớn và các công ty công nghệ.

Dangermond rút ra mối tương quan trực tiếp giữa kinh nghiệm dày dạn của công việc vườn ươm và cảnh quan và sự phát triển dần dần đối với kiến ​​trúc cảnh quan và cuối cùng là lập bản đồ địa lý kỹ thuật số.

Trong một bài phỏng vấn, vị tỷ phú đã chia sẻ: “Đừng bao giờ đi ngang qua một cái cây đang héo úa. Hãy lấy nước và tưới nó ngay lập tức”. Trong một vườn ươm, nếu bạn không chăm sóc những cái cây, lợi nhuận sẽ bị mất đi một cách nhanh chóng. Bạn phải làm cỏ. Bạn phải tưới nước. Bạn phải nuôi dưỡng. Bạn phải chăm sóc nhân viên của mình theo cách tương tự.

Khi được hỏi về sự nghiệp 50 năm của mình, Dangermond cho biết: Có ba điều cơ bản mà một CEO phải làm. Thứ nhất, phải lao động để tạo công việc, đó được gọi là bán hàng, tiếp thị. Thứ hai, phải hoàn thiện công việc của mình, nó tạo ra những ý tưởng và làm nên chất lượng của sản phẩm. Cuối cùng là luôn đảm bảo rằng công ty phải ổn định về mặt tài chính. Cho dù bạn là ông chủ của một công ty 10 người hay một tổ chức 10.000 người, ba nguyên tắc này đều quan trọng như vậy.

Khi bắt đầu, tôi đã tự mình thực hiện cả ba. Cho đến nay, tôi vẫn thực hiện tất cả chúng. Vì vậy, không có gì thay đổi, ngoại trừ việc có nhiều người đồng hành hơn mỗi ngày và nhiệm vụ của tôi là đảm bảo duy trì được ba nguyên tắc cơ bản đó.

Nguồn: Inc, Nytimes


Thuỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM