‘Sinh 10 thì chết đến 7’, DN Việt làm sao cán mốc 1 triệu trong 4 năm tới?

05/07/2016 08:10 AM | Kinh tế vĩ mô

Cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì có 7 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm. Cứ đà này, mục tiêu cán mốc 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020 sẽ khó khả thi, trong khi doanh nghiệp Việt ngày càng “li ti hóa”.

Trên thực tế, việc tổng số lượng doanh nghiệp có một ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế. Nếu chỉ số này tăng mạnh, nó cũng đồng nghĩa với việc môi trường kinh doanh đang ngày được cải thiện và thôi thúc mọi người tham gia làm kinh tế. Là người xây dựng cơ chế, tất nhiên Chính phủ rất mong muốn điều này thành hiện thực.

Tuy nhiên, thực tế hiện tại có vẻ không tốt như mong đợi.

Số doanh nghiệp cả nước đăng ký qua cơ quan thuế tính đến tháng 5 khoảng 525.000 doanh nghiệp. Trước mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 của cả nước, 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM đều đặt ra mục tiêu khủng để phấn đấu.

Trong 4 năm nữa, Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 200.000 doanh nghiệp, phấn đấu có 380.000 doanh nghiệp. TPHCM đặt mục tiêu cán mốc 500.000 doanh nghiệp.

Trong buổi làm việc mới đây của lãnh đạo Thành ủy và UBND TPHCM với doanh nghiệp, mục tiêu 500.000 doanh nghiệp của thành phố này khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn.

Chủ tịch Hiệp hội nhựa, cao su, Nguyễn Quốc Anh bày tỏ: Theo thống kê của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp Việt ngày càng trở lên “li ti” chứ không còn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi lẽ ra trong kinh doanh thì càng ngày doanh nghiệp càng phải lớn lên.


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên đặt vấn đề thành lập 500.000 doanh nghiệp mà chúng ta phải làm sao để tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động lớn mạnh lên. Có thể số lượng không tăng nhưng phải vươn tầm phủ” – ông Anh nói.

Số lượng doanh nghiệp hiện tại của TPHCM là 280.000 doanh nghiệp. Để cán được mốc 500.000 doanh nghiệp thì từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm TPHCM phải có 55.000 doanh nghiệp thành lập mới TIẾP TỤC HOẠT ĐỘNG.

Theo số liệu thống kê mới nhất, từ đầu năm 2016 đến 15/6, thành phố này có 16.800 doanh nghiệp thành lập mới. Nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng lên tới 11.700 doanh nghiệp. Tức, cứ 10 doanh nghiệp ra đời có 7 doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Đáng lưu ý, số doanh nghiệp ngừng hoạt động Cục Thống kê TPHCM chỉ công bố đến tháng 5, tức là nếu tính đến tháng 6, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động/doanh nghiệp thành lập mới còn cao hơn nhiều.

Với Hà Nội, lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tính đến 21/6 là 10.800 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không được công bố.

“Sinh 10 chết 7”, bao giờ mới đạt được mốc 1 triệu doanh nghiệp?

Tính trên bình diện cả nước, 6 tháng đầu năm, có hơn 54.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 20% về số doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê: Số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể và gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm cũng tăng mạnh không kém.

Tính trung bình, cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì có gần 7 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tương ứng với số doanh nghiệp ra đời/ngưng hoạt động của TPHCM.


Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Doanh nghiệp “chết” không đáng lo vì quy mô đều rất nhỏ?

Trong một buổi trao đổi với báo giới, nhận định về số lượng doanh nghiệp giải thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định: “Có thành lập mới thì có giải thể! Qua quan sát của chúng tôi, phần lớn doanh nghiệp giải thể có quy mô rất nhỏ”.

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh phần lớn là doanh nghiệp quy mô nhỏ, 93,1% là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

“Nền kinh tế thị trường có thành lập, có giải thể thì cộng đồng doanh nghiệp mới lành mạnh”, ông Lâm nhìn nhận.

Tuy nhiên, số vốn được cho là nhỏ kia (dưới 10 tỷ đồng) lớn hơn khá nhiều số vốn trung bình của các doanh nghiệp đang ký thành lập mới. 6 tháng đầu năm, số vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp chỉ ở mức 7,8 tỷ đồng.

Hơn nữa, thống kê chỉ đưa ra quy mô doanh nghiệp trên số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, mà không đưa ra thống kê số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tạm ngừng để chờ đóng mã số doanh nghiệp (thủ tục giải quyết phá sản của Việt Nam theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) mất trung bình 5 năm)...

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

“Doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được và đang bị “li ti hóa”, sẽ khó để bắt được nhịp công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay”, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành nhận định.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM