Siêu đập Đại Phục hưng buộc dân sông Nile lựa chọn đau đớn: Sống trong sợ hãi hay dứt bỏ "máu thịt"

15/07/2020 19:13 PM | Xã hội

Đập Đại Phục hưng của Ethiopia gây ra nhiều lo ngại đối với các quốc gia nằm ở hạ lưu sông Nile do lưu lượng nước bị suy giảm.

Loạt nghề bị ảnh hưởng khi dòng nước sông Nile yếu đi

Tại một nhà máy bên bờ sông nơi Nile Xanh và Nile Trắng gặp nhau, Mohamed Ahmed al-Ameen và đồng nghiệp mỗi ngày đã đúc hàng ngàn viên gạch từ bùn do lũ lụt mùa hè để lại.

"Tôi coi dòng Nile là một phần máu thịt không thể tách rời từ lúc sinh ra," al-Ameen nói, "Dòng sông cho tôi thức ăn, tôi trồng trọt nhờ nó, và tôi cũng làm ra những viên gạch này nhờ nó."

 Siêu đập Đại Phục hưng buộc dân sông Nile lựa chọn đau đớn: Sống trong sợ hãi hay dứt bỏ máu thịt - Ảnh 1.

"Tôi coi Nile là máu thịt," al-Ameen. Ảnh: Reuters

Một số người khác sống trên đảo Tuti ở thủ đô Khartoum của Sudan bày tỏ nỗi lo ngại siêu đập Đại Phục hưng mà Ethiopia xây dựng sát biên giới giữa hai nước đem lại ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của họ.

Người dân lo ngại rằng việc xây dựng đập Đại Phục hưng ở thượng nguồn sẽ làm yếu dòng chảy của Nile Xanh, đặt ngành công nghiệp đúc gạch lâu đời của địa phương, ngành đã cung cấp những viên gạch đầu tiên cho các tòa nhà công hiện đại đầu tiên ở Khartoum cả thế kỷ trước, vào tình trạng nguy hiểm.

 Siêu đập Đại Phục hưng buộc dân sông Nile lựa chọn đau đớn: Sống trong sợ hãi hay dứt bỏ máu thịt - Ảnh 2.

Mohamed Ahmed al-Ameen cùng đồng nghiệp chuẩn bị đem gạch vào nung. Ảnh: Reuters

 Siêu đập Đại Phục hưng buộc dân sông Nile lựa chọn đau đớn: Sống trong sợ hãi hay dứt bỏ máu thịt - Ảnh 3.

Zaki el-Dine, 24 tuổi, làm gạch, đang đổ nước từ sông Nile để trộn bùn. Ảnh: Reuters

Các nhà sản xuất gốm, nông và ngư dân quanh dòng sông Nile cũng bày tỏ những quan ngại tương tự. Tuy nhiên, những người đã phải rời đi do ảnh hưởng của mùa lũ năm ngoái nhìn thấy những lợi ích trong việc điều tiết nước lũ mà con đập mang lại.

Con đập sẽ "ổn định dòng Nile và chúng ta sẽ phải chịu ít lũ lụt hơn," Mustasim al-Jeiry, 50 tuổi, thợ làm gốm tại một ngôi làng ngoại ô thành phố Omdurman, đối diện thủ đô Khartoum ở bên bờ kia sông, nói với tờ Aljazeera. Đây là làng gốm, nguyên liệu bùn đất được lấy từ lòng sông.

"Nhưng mặt khác, chúng ta sẽ nhận được ít đất sét và ít nước hơn. Nông dân và những người thợ làm gạch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng," ông al-Jeiry dự đoán.

 Siêu đập Đại Phục hưng buộc dân sông Nile lựa chọn đau đớn: Sống trong sợ hãi hay dứt bỏ máu thịt - Ảnh 4.

Mutasim al-Jeiry trong lò gốm của mình. Ảnh: Reuters

 Siêu đập Đại Phục hưng buộc dân sông Nile lựa chọn đau đớn: Sống trong sợ hãi hay dứt bỏ máu thịt - Ảnh 5.

Mazeen (bên phải), 12 tuổi, thu gom đất sét tại làng gốm. Ảnh: Reuters

Nỗi sợ hãi kéo dài cùng hy vọng

Siêu đập thủy điện Đại Phục hưng đã gây ra cuộc chiến ngoại giao cấp cao giữa Ethiopia và Ai Cập.

Ethiopia cho rằng nước này có quyền khai thác dòng nước Nile Xanh nhằm sản xuất năng lượng phục vụ kinh tế, hứa hẹn đổ đầy hồ chứa vào cuối tháng này.

Trong khi đó Ai Cập, nơi đang đối mặt với nguy cơ khan hiếm nước, đang cố gắng đạt được thỏa thuận đảm bảo dòng chảy tối thiểu từ sông Nile Xanh, nơi cung cấp 86% lượng nước cho sông Nile chảy vào Địa Trung Hải.

Chính phủ Sudan cho rằng con đập có thể đe dọa tới sự an toàn của khoảng 20 triệu người dân sống ở hạ lưu và phá hủy hệ thống nông nghiệp dựa vào nguồn nước lũ của đất nước nếu đập không được xây dựng và vận hành chính xác.

 Siêu đập Đại Phục hưng buộc dân sông Nile lựa chọn đau đớn: Sống trong sợ hãi hay dứt bỏ máu thịt - Ảnh 6.

Con đập có thể đe dọa cuộc sống 20 triệu người, phá hủy nông nghiệp nếu không được vận hành chính xác - Chính phủ Sudan. Ảnh Reuters

Tuy nhiên, dự án thủy điện cũng mang lại lợi ích tiềm năng trong việc kiểm soát lũ lụt mùa mưa và cải thiện hiệu suất các đập khác tại đất nước Sudan.

Tại làng Wad Ramli, 60km về phía hạ lưu Khartoum, nơi đón trận lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng mùa hè năm ngoái, người dân cũng chia sẻ những suy nghĩ vô cùng mâu thuẫn về con đập.

 Siêu đập Đại Phục hưng buộc dân sông Nile lựa chọn đau đớn: Sống trong sợ hãi hay dứt bỏ máu thịt - Ảnh 7.

Khu lều của những người có nhà cửa cuốn trôi do mưa lũ năm ngoái tại Wad Ramli, Sudan. Ảnh: Reuters

Một số cư dân đã mất nhà cửa trong trận lũ được chuyển đến khu ở tập trung trong các lều bạt gần đó.

"Đúng là đập Đại Phục hưng sẽ giúp hạ thấp mực nước sông Nile và ngăn lũ lụt," Manal Abdelnaay, 23 tuổi, sống tại khu lều trại nói. "Tuy nhiên nó sẽ ảnh hưởng tới việc canh tác mà khu vực Wad Ramli lại là nơi sinh sống chủ yếu bằng nghề nông."

Trên đảo Tuti, nông dân lo lắng nếu con đập làm suy yếu sức nước sẽ ảnh hưởng tới việc tưới tiêu cho cây trồng cũng như quá trình bồi đắp đất nhờ phù sa.

 Siêu đập Đại Phục hưng buộc dân sông Nile lựa chọn đau đớn: Sống trong sợ hãi hay dứt bỏ máu thịt - Ảnh 8.

Tại đảo Tuti, người nông dân lo ngại việc giảm dòng chảy ảnh hưởng tưới tiêu và đất đai. Ảnh: Reuters

"Tôi tới Tuti vào năm 1988 bởi đất đai ở đây lý tưởng cho nông nghiệp, từ đây tới nơi bán sản phẩm cũng gần, tạo ra lợi nhuận kinh tế tốt," Mussa Adam Bakr, người nông dân cạnh khu nhà máy gạch chia sẻ.

"Đất ở Tuti có thể trồng nhiều loại rau quanh năm như khoai tây, hành, cà tím," Bakr nói.

 Siêu đập Đại Phục hưng buộc dân sông Nile lựa chọn đau đớn: Sống trong sợ hãi hay dứt bỏ máu thịt - Ảnh 9.

Mussa Adam Bakr (bên phải) tới đảo Tuti từ năm 1988 vì nhìn thấy lợi ích nông nghiệp. Ảnh: Reuters

 Siêu đập Đại Phục hưng buộc dân sông Nile lựa chọn đau đớn: Sống trong sợ hãi hay dứt bỏ máu thịt - Ảnh 10.

Người nông dân trải phân bón lên hoa màu trên đảo Tuti. Ảnh: Reuters

Tiếng nói của Sudan từ lâu đã bị lu mờ trong tranh chấp về con đập do hai nước láng giềng lớn hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây nước này đã đóng vai trò trung gian, đẩy mạnh đàm phán giữa ba nước.

Nhân dân Sudan cần theo dõi sát sao bất cứ thay đổi nào được thực hiện trên vùng nước mà họ đã quá phụ thuộc, tờ Aljazeera viết.

"Con cá nhấc khỏi nước sẽ chết," Ashraf Hassan, 45 tuổi, buôn bán ở Omdurman nói, "Chúng tôi cũng vậy, nước hoặc là chảy trong chúng tôi, hoặc là chảy quanh chúng tôi."

Sông Nile có chiều dài khoảng 6.650 km bắt nguồn từ Hồ Victoria chảy ra Địa Trung Hải là con sông dài nhất thế giới. Sông Nile chảy qua lãnh thổ mười một quốc gia gồm Tanzania, Uganda, Rwanda, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan, Cộng hòa Sudan và Ai Cập.

Với lưu lượng nước khoảng 300 triệu m³/ngày, sông Nile là nguồn sống của hơn 300 triệu người, chủ yếu ở vùng nông thôn, là nguồn cung cấp nước chính cho Ethiopia, Ai Cập và Sudan nên tranh chấp gay gắt nhất là giữa ba nước này.

Các cuộc đàm phán giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan về phân chia nguồn nước sông Nile kết thúc gần đây nhất vào ngày 12/7/2020 mà vẫn không đạt được thỏa thuận nào.

Việc không đạt được thỏa thuận do bất đồng xung quanh đập thủy điện Đại Phục hưng của Ethiopia đang được xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành đang làm cho căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa ba nước nằm dọc con sông dài nhất thế giới.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên trang MXH Lotus:

Thúy

Cùng chuyên mục
XEM