Shopee, Lazada và Tiki đều “ăn nên làm ra” bất chấp đại dịch

01/06/2021 17:01 PM | Kinh doanh

Theo số liệu công bố mới nhất của iPrice, cả Shopee, Tiki, Lazada và Sendo đều bị giảm truy cập trong quý I/2021, so với quý IV/2020. Tuy nhiên, thông tin từ Tiki và Lazada cho biết, họ vẫn tăng trưởng rất tốt trong suốt đại dịch: ở 2 ngày cuối tuần vừa qua, Tiki tăng trưởng 30%, còn Lazada ghi nhận tăng trưởng đơn hàng 3 chữ số trong kỳ 4/2020 đến 3/2021.

Lượng truy cập 4 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam trong quý I/2021 giảm nhẹ so với quý IV/2020

Về các sàn TMĐT lớn, thì Shopee đang dẫn đầu về lượng người truy cập trong Lazada lại đang dẫn đầu về độ phủ thương hiệu.

iPrice Group vừa công bố số liệu bản đồ thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam quý I/2021.

Lượng truy cập của Shopee vẫn tiếp tục đứng đầu và bỏ rất xa các đối thủ còn lại. Cụ thể, Shopee đạt 63,7 triệu lượt truy cập, trong khi Tiki và Lazada lần lượt là 19 và 18 triệu lượt truy cập. Như vậy, lượng truy cập của Shopee cao gấp hơn 3 lần so với Tiki và Lazada.

Đây là quý đứng đầu thứ 11 liên tiếp của Shopee, kể từ sau khi vượt qua Lazada hồi quý III/2018. Trong đó, từ quý IV/2019 đến nay, Shopee vẫn liên tục đi lên cho dù các đối thủ sa sút. Điều này đã tạo nên khoảng cách cực lớn về lượng truy cập giữa Shopee và các đối thủ. Về phía Sendo, lượng truy cập quý 1/2021 chỉ còn 8,1 triệu, thấp nhất kể từ giữa năm 2017 tới nay. Đây đã là quý thứ 6 liên tiếp lượng truy cập của Sendo đi xuống.

Tuy nhiên, cả 4 sàn thương mại điện tử lớn là Shopee, Tiki, Lazada và Sendo đều bị giảm truy cập trong quý I/2021, so với quý IV/2020.

Shopee, Lazada và Tiki đều “ăn nên làm ra” bất chấp đại dịch - Ảnh 1.

Thống kế lượng truy cập của các site TMĐT tại Việt Nam trong quý I/2021.

Shopee, Lazada và Tiki đều “ăn nên làm ra” bất chấp đại dịch - Ảnh 2.

Lượng truy cập của 4 sàn TMĐT Việt Nam giảm nhẹ ở quý I/2021 so với quý IV/2021.

Còn theo báo cáo "Ứng dụng di động 2021" của Appota phát hành vào tháng 5/2021, năm 2020 là năm Lazada có sự đầu tư rất mạnh trong hoạt động kinh doanh và marketing bằng việc hợp tác với các KOLs nổi tiếng nhằm cạnh tranh với đối thủ Shopee. Điều này đã giúp Lazada dẫn đầu về độ phủ của thương hiệu.

Nếu như Shopee dẫn đầu trong nền tảng website thì Lazada đã có bước tiến lớn trên nền tảng di động. Cụ thể, trong 3 quý đầu năm 2020, Shopee vượt trội về số lượt tải nhưng trong quý IV, Lazada đã có sự bứt phá, và vượt lên trên Shopee về lượt tải kể từ tháng 11/2020.

Cũng theo Appota, thì các chỉ số tăng trưởng của ngành TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong vài năm tới.

Năm 2020, thị trường TMĐT đang có mức tăng trưởng 18% với quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua của ngành do tác động từ đại dịch Covid-19, khiến cho mức chi tiêu của người dùng cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên, trừ các sàn TMĐT lớn.

Bên cạnh đó, JP Morgan cũng đã công bố số liệu về doanh thu TMĐT qua di động Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD vào năm 2020 với mức tăng trưởng bình quân 18,6% mỗi năm. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, doanh thu của các sàn lớn như Tiki, Shopee hoặc Lazada có thể tăng trưởng thấp nhất khoảng 50% trong năm 2020. Dự kiến năm 2021, doanh thu TMĐT trên di động sẽ đạt 7 tỷ USD và đến năm 2023 có khả năng sẽ chạm tới mức 10,2 tỷ USD.

Trong năm 2020, Việt Nam có 49 triệu người dùng (so với 46 triệu năm 2019), cao thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á chỉ sau Indonesia (137 triệu) và Philippines (57 triệu) người dùng.

Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 65% trong tổng số người từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam và còn khá khiêm tốn so với Malaysia (83%), Singapore (79%) và Philippines (74%). Điều này cho thấy cơ hội tăng trưởng của thị trường thanh toán và thương mại điện tử cả về số lượng người dùng lẫn giá trị mua hàng ở Việt Nam trong những năm tới vẫn còn tiềm năng.

Cả Tiki và Lazada đều đang ‘ăn nên làm ra’

Theo chia sẻ từ Tiki, chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, sàn TMĐT Tiki đã ghi nhận mức độ tăng trưởng trên toàn nền tảng lên đến 30%, đồng thời xu hướng tìm kiếm (search trend) của người tiêu dùng trên Tiki cũng có dấu hiệu tăng rõ rệt ở những nhóm ngành hàng, sản phẩm phục vụ cho công việc và hoạt động của bản thân và gia đình trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Cụ thể là những ngành hàng như: Hàng tiêu dùng nhanh, Thực phẩm, Hàng Tươi sống TikiNGON, Nhà cửa Đời sống, Mẹ - Bé, Dụng cụ Thể thao, Hàng Điện tử và Phụ kiện (Laptop, Máy tính, USB…).

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng một cách nhanh chóng, xuyên suốt và an toàn, Tiki cũng đã nhanh chóng chuẩn bị và thực hiện các phương án về nguồn cung hàng hóa và an toàn trong giao nhận.

Từ những ngày đầu xuất hiện các thông tin về dịch bệnh, sàn Tiki đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác Nhà bán hàng và thương hiệu đẩy mạnh nguồn cung hàng hóa ở hầu hết các ngành hàng, dự kiến tăng lên đến 50%, đặc biệt ở những ngành hàng Nhu yếu phẩm, ngành hàng Thực phẩm Tươi sống TikiNGON, cũng như ngành hàng Công nghệ với những mặt hàng hỗ trợ làm việc và giải trí tại nhà trong thời gian giãn cách…

Từ tháng 5/2021, TikiNGON triển khai thử nghiệm mô hình "Từ Nông trại đến Bàn ăn" (From Farm to Table), sử dụng nền tảng TikiLIVE để thực hiện livestream giới thiệu và bán nông sản, mở đầu với 2 đặc sản Sầu riêng Ri6 và Gạo ST25. Chỉ tính riêng trong ngày mở đầu dự án, đã có đến 2.5 tấn sầu riêng và 2 tấn gạo được bán ra, chiếm gần 75% tổng số đơn hàng của ngành hàng thực phẩm TikiNGON.

"Trong thời gian sắp tới, dự án ‘Từ Nông trại đến Bàn ăn’ sẽ được tiếp tục triển khai thông qua nền tảng TikiLIVE với đa dạng các danh mục sản phẩm, trải dài từ đặc sản trái cây Việt Nam như mít, dâu, bơ, vải.., các sản phẩm sữa và chế phẩm chế biến từ sữa đến các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt…, kỳ vọng đóng góp 40% vào tổng doanh thu của ngành thực phẩm tươi sống TikiNGON.

Tiếp theo, trong đầu tháng 6 này, chúng tôi cũng sẽ có chiến dịch phối hợp cùng Cục TMĐT và BigC để ủng hộ nông sản cho các vùng bị ảnh hưởng do dịch", bà Vũ Thị Nhật Linh - Phó Tổng Giám đốc Quản lý Sàn Thương mại tại Tiki chia sẻ.

Riêng nguồn cung đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng gấp 3 lần, đặc biệt sản phẩm nước rửa tay tăng gấp 25 lần.

Về phía Lazada, sàn này vừa ghi nhận tăng trưởng đơn hàng ở mức 3 chữ số so với với cùng kỳ năm ngoái đến và hơn 100 triệu người dùng thường xuyên hằng năm. Căn cứ trên số liệu từ Tập đoàn trong 12 tháng kể từ ngày 1/4/2020 đến 31/3/2021.

Mới đây, ngày 18/5/2021, Lazada Việt Nam đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với đại diện Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, trong "Chương trình đưa vải thiểu và nông sản Hải Dương lên sàn TMĐT.

Hoạt động này ghi nhận những thành công bước đầu khi gian hàng tỉnh Hải Dương trên Lazada Việt Nam đã bán ra gần nửa tấn vải u trứng trắng chỉ sau 4 giờ của ngày đầu tiên mở bán vào ngày 14/05. Toàn bộ số vải này được áp dụng hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng, đặc biệt thời gian giao hàng nhanh nhất của một đơn hàng là 53 phút.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM