Shark Liên chiêu mộ startup giáo dục, ý nghĩa nhân văn phía sau thương vụ càng gây chú ý

04/07/2022 15:15 PM | Kinh doanh

Là "bà trùm" trong lĩnh vực bảo hiểm, Shark Đỗ Liên đã có màn "chiêu mộ" startup nhanh chóng nhờ lợi thế của mình. Bà cũng hé lộ nhiều dự định ý nghĩa về thương vụ...

Dàn "cá mập" tranh đấu vì startup giáo dục

Xuất hiện trong tập 5 Shark Tank Việt Nam (phát sóng hôm 3/7), Bunny Boo - một trong những thương hiệu đồ chơi giáo dục theo phong cách Montessori dành cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi, của nhà sáng lập Trần Thanh Thảo đã nhận được không ít sự chú ý.

Thanh Thảo cho biết, Montessori sẽ giúp cho trẻ phát triển các kỹ năng vận động, phát triển sống, các hướng tự giải quyết vấn đề. USP (lợi điểm bán hàng) của sản phẩm là chất lượng cao nhất, chi phí thấp nhất, sản phẩm độc đáo nhất trên thị trường. Sản phẩm hướng đến trải nghiệm thực, giúp bé tương tác với gia đình và bạn bè, xa rời các thiết bị độc hại.

Bunny Boo tự thiết kế và R&D (nghiên cứu và phát triển), cũng như tự sản xuất sản phẩm. Hiện tại, dòng sản phẩm của thương hiệu này có giá từ 259.000 - 519.000 đồng. Doanh thu tăng trưởng liên tục 3 tháng là 150% so với tháng trước đó với 150 triệu đồng. Dự kiến lợi nhuận sẽ từ 25 – 30%.

Thanh Thảo đến với Shark Tank để kêu gọi số vốn 1 tỷ 5 cho 20% cổ phần công ty. Nhà sáng lập cam kết tối đa sau 3 năm, các Shark sẽ thu hồi vốn đầu tư.

Shark Liên chiêu mộ startup giáo dục, ý nghĩa nhân văn phía sau thương vụ càng gây chú ý - Ảnh 1.

Nhà sáng lập Bunny Boo Trần Thanh Thảo. (Nguồn ảnh: Shark Tank Việt Nam)

Quan tâm đến Bunny Boo, Shark Liên đặt vấn đề rằng bà lo lắng về sự an toàn. Trẻ có thể đứt tay hoặc những thứ này đứt ra và các bé nuốt vào bụng mà mình không biết.

Thanh Thảo cho biết Startup của mình đặc biệt nêu cao tính an toàn cho người sử dụng, có quy trình mài nhám các cái bo, ốc vít, và kiểm soát để sản phẩm luôn bám chắc vào trong bảng. Chị cho rằng những điều các Shark lo lắng chắc chắn không xảy ra.

Shark Bình không đồng tình: "Không có gì không thể!"

Trả lời câu hỏi về kênh phân phối, Startup cho biết hiện đang phân phối hàng tại các cửa hàng mẹ và bé, các nhà sách. Mức doanh thu trong 3 tháng là 100 triệu, 200 triệu và 300 triệu. Kế hoạch của Bunny Boo là sau 1 năm đánh thị trường nội địa thì sẽ xuất khẩu sang thị trường lớn.

Shark Hưng cho rằng những sản phẩm dạng như thế này nếu xuất khẩu sang nước ngoài là điều không dễ. Thứ nhất, các nước đó tiêu chuẩn cao. Thứ hai bản thân những nước đó cũng đã có kiểu đồ chơi như thế này nhưng phong phú và đa dạng hơn. Và trông có cảm giác an toàn hơn, ít nhất là cảm giác của người lớn khi nhìn nó. Nhưng tất nhiên là giá của nó cũng kinh khủng

Ông cho rằng để bùng nổ được thì vấn đề chính ở đây là kênh phân phối. "Bạn chỉ mới quan tâm đến kênh GT (Kênh phân phối bán hàng truyền thống). Mà kênh GT trong lĩnh vực mẹ và bé này thì chiết khấu kinh khủng, rất cao so với các sản phẩm tiêu dùng khác."

Thảo cho rằng mình mới chỉ có 3 tháng ra mắt nên chưa vào được kênh MT (Kênh phân phối bán hàng hiện đại). Nếu muốn vào được kênh MT thì chị cần số vốn khá là lớn để duy trì trong thời gian dài. Kênh GT là kênh chị có thể thu hồi doanh thu ngay và doanh thu không hề nhỏ. Nếu được các Shark đầu tư thì việc tất yếu là phải đánh vào kênh MT.

Về vấn đề xuất khẩu, Thảo cho biết, đã có bộ collection (bộ sưu tập) những sản phẩm đủ điều kiện xuất đi thị trường khó tính nhất là thị trường Mỹ. Giá của sản phẩm này hoàn toàn có thể tốt hơn.

Một ngày công nhân của Thảo làm được 13 – 15 bảng, cơ bản vẫn là thủ công. Giá gốc của sản phẩm của hiện là 35%, cam kết lợi nhuận năm là 25 - 30%. Sau 3 năm đầu tư, nhà sáng lập tin các Shark có thể thu hồi vốn.

Shark Phú quyết định không đầu tư vì sản phẩm mới và khả năng nâng quy mô lên rất khó. Nhưng ông tin là mô hình này sẽ thành công.

Shark Bình cho rằng khẩu vị đầu tư của ông phải là mở rộng nhanh. "Gặt nhanh ta gánh về, sẵn sàng trong vòng 2-3 năm có thể mất hết vốn, nhưng cũng có thể 2-3 năm có thể x10, x50. Tức là rủi ro cao, lợi nhuận cao. Startup của bạn bán hàng truyền thống, không có khả năng đem lại sự tăng trưởng đột biến, nên tôi quyết định không đầu tư."

Shark Hùng Anh đề nghị sẽ đầu tư cho Startup 1 tỷ 5 nhưng ông sẽ sở hữu 50% cổ phần của công ty. Thanh Thảo cám ơn ông và muốn nghe thêm ý kiến của các Shark còn lại.

"Anh không thấy em giỏi trong việc tổ chức bán hàng, phân phối, marketing, tiếp thị. Nếu anh đầu tư, thì em cần phải lưu ý tìm người thay em làm về vấn đề kinh doanh và phát triển cho kênh phân phối.

Anh ra deal tốt hơn anh Hùng Anh một chút là 1,5 tỷ cho 45%. Anh muốn em phải có phương án sử dụng vốn cụ thể chi tiết, và anh sẽ giải ngân theo nhu cầu thực tế, về nhu cầu vốn, chứ không giải ngân 1 lần rồi em muốn làm gì thì làm."

Shark Liên đề nghị 1,5 tỷ cho 36%. "Chị luôn luôn quan tâm đến vấn đề an toàn. Chị vào đây để cải thiện lại sản phẩm cho em làm sao để có tính an toàn cao nhất. Và đặc biệt nữa, chị sẽ bảo hiểm cho tất cả sản phẩm đưa ra thị trường. Nếu có chuyện gì chị sẽ chịu trách nhiệm. Bởi vì chị đang là chủ của một công ty bảo hiểm."

Shark Hùng Anh muốn lôi kéo Startup nên tuyên bố rằng, ông sẽ hỗ trợ cô về công nghệ để đổi mới hoàn toàn để chuyển thành D2C (Direct to customer - phân phối trực tiếp tới khách hàng), mục tiêu là để bán nhiều hàng hóa trên quy mô lớn hơn ở thị trường Việt Nam.

Đặc biệt nữa là lợi nhuận của ông, ông không lấy liền. Trong 5, 7, 10 năm, Startup có thể dùng lợi nhuận đó để đầu tư mở rộng. Đồng thời, ông chủ động chỉnh lại 1,5 tỷ cho 35%, thấp hơn của Shark Liên.

Shark Hưng cho Startup thêm phương án, là ông và Shark Liên sẽ cùng đầu tư, đổi lại lấy 40% để chia nhau. Ông cũng có sản phẩm là đồ chơi trẻ em nên nghiên cứu rất kỹ. Ý tưởng sản phẩm thì nhiều kinh khủng, nên Startup sẽ thoải mái trong việc hiện thực hóa nó ở Việt Nam và chuyện xuất khẩu là toàn toàn khả thi.

Shark Liên chiêu mộ startup giáo dục, ý nghĩa nhân văn phía sau thương vụ càng gây chú ý - Ảnh 2.

Startup Bunny Boo về với Shark Đỗ Liên và Shark Hưng. (Nguồn ảnh: Shark Tank Việt Nam)

Thanh Thảo thương lượng rằng cô muốn cả Shark Liên và Shark Hưng đầu tư cho mình với số vốn là 1 tỷ 5 nhưng 30%.

Shark Hưng cho rằng ông và Shark Liên cần ít nhất là quyền phủ quyết. Tuy nhiên Shark Liên cũng nhượng bộ rằng có thể đầu tư 1,5 tỷ lấy 36% cổ phần, hai Shark chia nhau cũng được. Shark Hưng đồng ý với Shark Liên và Thanh Thảo đồng ý với đề nghị của 2 Shark.

Thảo chia sẻ thêm rằng deal của Shark Hùng Anh rất hấp dẫn với tỷ lệ thấp hơn của Shark Liên và Shark Hưng. "Tuy nhiên chỉ để tăng thêm 1% mà tôi có sự đồng hành của 2 Shark thì tôi chấp nhận deal của 2 Shark Liên và Hưng."

"Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới"

Mượn lời của Nelson Mandela "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới", Shark Đỗ Liên đã có chia sẻ ngay sau thương vụ.

Bà cho rằng, với vai trò là một người phụ nữ, người bà, người mẹ, bà hiểu sâu sắc tầm quan trọng của giáo dục, đặc biệt là giáo dục con trẻ trong việc định hình tính cách, xây dựng nền tảng để các con phát triển trong tương lai. Một trong những cách giáo dục con trẻ hiệu quả nhất đó chính là thông qua những trò chơi khai mở tư duy, khai phóng trí tuệ. Chơi mà học, học mà chơi.

Shark Liên chiêu mộ startup giáo dục, ý nghĩa nhân văn phía sau thương vụ càng gây chú ý - Ảnh 3.

Shark Đỗ Liên tâm huyết với lĩnh vực giáo dục trẻ em. (Nguồn ảnh: Shark Tank Việt Nam)

"Nhận thấy những sản phẩm trò chơi tư duy của Bunny Boo mang đến với Shark Tank Việt Nam mùa 5 là những sản phẩm có ý nghĩa, giúp trẻ em có thể phát triển tốt tư duy một cách lành mạnh, ít "tác dụng phụ", hạn chế được việc các con quá chú tâm vào màn hình điện thoại/máy tính, tôi hứng thú và muốn đầu tư.

Cuối cùng, mong muốn đã trở thành sự thật. Tôi vui vì nữ founder đã lựa chọn tôi và Shark Hưng cùng đầu tư. Tôi tin với sự đồng hành của hai "cá mập", Bunny Boo sẽ phát triển xa hơn nữa trong tương lai gần và mang các sản phẩm ý nghĩa, thiết thực của mình đến cho hàng triệu trẻ em Việt Nam", bà Liên chia sẻ.

Không chỉ vậy, "cá mập" Shark Tank hứa toàn bộ lợi nhuận có được từ Bunny Boo (trong trường hợp thương vụ thành công sau quá trình thẩm định), sẽ được bà chuyển vào "Quỹ môi trường xanh Việt Nam" với mục đích tái hỗ trợ các bạn trẻ trong công tác bảo vệ môi trường, hoạt động thiện nguyện hoặc các hoạt động liên quan đến giáo dục.

Theo Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM