Shark Bình ở Shark Tank mùa 5: Cam kết đầu tư hàng chục tỷ đồng vào 7 thương vụ, lùm xùm tố startup 'đào mỏ'

11/09/2022 09:30 AM | Kinh doanh

Shark Bình lần đầu rút thẻ vàng 200 triệu, chiến tới cùng với Shark Hùng Anh khi "tranh" startup thịt chua Phú Thọ.

Tham gia Shark Tank Việt Nam từ năm 2019 với vai trò là nhà đầu tư, Shark Bình tên đầy đủ là Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech gây ấn tượng trên sóng truyền hình bởi nhiều phát ngôn thẳng thắn, được ví như "gáo nước lạnh" đối với nhiều startup. Ông còn nổi tiếng ᴠới nhiều biệt danh thú ᴠị như shark "tri kỷ", "gió đông", "ngáo giá", "ngáo vốn"…

Khép lại Shark Tank Việt Nam mùa 5 vừa qua, Shark Bình là người cam kết đầu tư 7 thương vụ, xếp thứ 3 về tỉ lệ cam kết đầu tư mùa này sau Shark Liên và Shark Hùng Anh. Nhìn lại toàn mùa, bên cạnh các thương vụ thành công, Shark Bình cũng gây chú ý vì một số lùm xùm trong quá trình hợp tác với startup. Trong đó nổi bật nhất là các startup Trường Foods, Hộp Háo Hức, Nerman.

Lần đầu rút thẻ vàng 200 triệu, chiến tới cùng với Shark Hùng Anh

"Tạo sóng" mạnh mẽ tại mùa này là Trường Foods - startup bán thịt chua Phú Thọ đạt doanh thu 52 tỷ/năm. Startup này đặt mục tiêu đến 2025 doanh thu đạt 420 tỷ và trở thành doanh nghiệp thịt chua số 1 tại Việt Nam.

Thái độ cứng rắn, tự tin của Thu Hoa – nữ founder dân tộc Mường khiến Shark Bình lần đầu "phá lệ" muốn đầu tư vào ngành thực phẩm và lấy thẻ vàng để giành quyền đàm phán. Cuối cùng, Shark Bình đồng ý 15 tỷ cho 20% cổ phần kèm theo điều kiện là Startup sẽ phải đạt được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giống như đã nói.

Shark Bình ở Shark Tank mùa 5: Cam kết đầu tư hàng chục tỷ đồng vào 7 thương vụ, lùm xùm tố startup 'đào mỏ' - Ảnh 1.

"Anh muốn là tham gia sâu với Startup trong việc thúc đẩy sản phẩm này tiêu thụ trong nước và đồng thời là mong muốn tìm thêm những cái long mạch khác làm sao để biến công ty này thành thực phẩm có nhiều portfolio (danh mục) sản phẩm hơn nữa, đặc biệt nhắm đến thị trường dân nhậu mà anh cũng là 1 thành phần" – Shark Bình chia sẻ.

Cam kết đầu tư 8 tỷ đồng cho cựu MC VTV

Tiếp đến tập 7, startup Hộp Háo Hức của Founder Minh Trang, nữ MC-BTV truyền hình kiêm mẹ bỉm sữa nổi tiếng đã được Shark Bình cam kết rót vốn 8 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần, tương đương mức định giá là 40 tỷ đồng.

Theo Founder Minh Trang, đây không phải là con số quá cao so với nhiều startup đã lên sóng, nhưng điều này thể hiện sự đánh giá cao của nhà đầu tư về mô hình "subscription box" (chiếc hộp bí mật) trong lĩnh vực giáo dục - vốn là mô hình từng gặp rất nhiều rào cản ở Việt Nam, bởi thực tế là 100% các đơn vị từng triển khai mô hình này trước đây đều thất bại.

"Tôi lựa chọn đồng hành cùng Shark Bình vì tôi nghĩ mảng bán lẻ (B2C) và công nghệ trong hệ sinh thái hiện tại của quỹ Next100 mà Shark Bình có sẽ hỗ trợ hiệu quả nhất cho Hộp Háo Hức. Ngoài ra, Shark Bình cũng có con nhỏ. Ngoài vai trò một nhà đầu tư, doanh nhân, tôi tin rằng tâm huyết của người làm cha mẹ cũng sẽ là điểm kết nối bền chặt giữa chúng tôi", nữ startup chia sẻ trên báo chí.

Shark Bình ở Shark Tank mùa 5: Cam kết đầu tư hàng chục tỷ đồng vào 7 thương vụ, lùm xùm tố startup 'đào mỏ' - Ảnh 2.

Màn "bể kèo" với startup bị tố "đào mỏ"

Ở tập 3, Shark Bình cam kết giải ngân vào một startup tạo hiện tượng truyền thông là Nerman - startup mỹ phẩm cho nam giới tuyên bố mặc dù mới ra đời 15 tháng nhưng đã đạt doanh thu năm 2021 là 848.000 USD với lợi nhuận trước thuế là 10%. Đến năm 2022, doanh thu trước thuế toàn quý I đạt 1,3 triệu USD với LNST thuần là 23%. Dự kiến năm 2022 sẽ đạt doanh thu 10,2 triệu USD và tăng trưởng từ 50 – 100% trong các năm tiếp theo.

Số liệu tài chính ấn tượng của Nerman đã thuyết phục 2 shark là Nguyễn Hoà Bình và Nguyễn Xuân Phú đồng ý đầu tư 1 triệu USD lấy 27% cổ phần.

Tuy nhiên, lùm xùm xuất hiện khi Shark Bình tiết lộ với truyền thông và cho biết ngày 26/6, hơn một tuần sau khi thương vụ được phát sóng, Nerman đã từ chối nhận thẩm định từ Next100 với lý do "thay đổi định hướng gọi vốn nên tạm thời không nhận vốn đầu tư tại thời điểm này". Shark Bình cho rằng Nerman đã lợi dụng Shark Tank để "đào mỏ" từ hiệu ứng truyền thông lớn của chương trình chứ không có ý định gọi vốn.

Sau lùm xùm với Shark Bình, phía Nerman lên tiếng rằng: "Huỷ thương vụ với Shark Bình nhưng chúng tôi đang tiếp tục làm việc với người khác".

Shark Bình ở Shark Tank mùa 5: Cam kết đầu tư hàng chục tỷ đồng vào 7 thương vụ, lùm xùm tố startup 'đào mỏ' - Ảnh 3.

4 thương vụ còn lại gồm:

Thương vụ đầu tiên được Shark Bình chốt đầu tư trong mùa 5 là startup Melya. Shark Bình tuyên bố sẽ rót vào startup thời trang cao cấp này 500.000 USD cho 10% cổ phần; 500.000 USD còn lại cho khoản vay chuyển đổi với tỷ lệ lãi suất đàm phán sau.

Một màn bắt tay đặc biệt nữa ở Shark Tank mùa 5 của Shark Bình là thỏa thuận nhận 69% lợi nhuận với ông Nguyễn Vĩnh Sơn – Kỹ sư, nhà sáng chế, đồng thời là Ủy viên Ban sáng lập Hội Sáng Chế Việt Nam, cùng con trai là Nguyễn Vĩnh Hưng.

Shark Bình ở Shark Tank mùa 5: Cam kết đầu tư hàng chục tỷ đồng vào 7 thương vụ, lùm xùm tố startup 'đào mỏ' - Ảnh 4.

Hai sản phẩm chính mà ông Sơn mang đến để kêu gọi đầu tư ở Shark Tank là vòng bi cổ xe (có bằng sáng chế của Việt Nam và bằng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Wipo) và bộ điều khiển giảm xóc (cũng đã có bằng sáng chế và đã được khai thác hơn 10 năm nay). Startup Vĩnh Sơn mong muốn nhờ các Shark đưa sản phẩm ra xa khỏi biên giới Việt Nam với tâm nguyện là có 10 sản phẩm phụ tùng xe máy theo ý ông. Ông Sơn cũng cho biết mình đã ứng dụng sản phẩm này vào thực tế hơn 10 năm nay, lắp được cho trên 100.000 chiếc xe.

Theo cam kết, NextTech của Shark Bình sẽ đầu tư và phụ trách các công việc liên quan đến mass production, kinh doanh và thương mại hóa… và nhận 69% lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí. Đề nghị này sẽ áp dụng cho tất cả các sản phẩm sáng chế của startup, bao gồm cả sản phẩm áo giáp.

Ngoài ra, ở tập 4, Shark Bình cân nhắc và đưa ra mức đề nghị đầu tư là 10 tỷ đồng cho tối đa 40% cổ phần với Pathland - startup cho thuê căn hộ trải nghiệm với thương hiệu Langmandi, bên cạnh đó còn tư vấn thiết kế, bán nội thất thiết kế thủ công với thương hiệu A.M Home.

OHIO – "nền tảng Uber" trong ngành bất động sản cũng chốt thành công 100.000 USD cho 30% cổ phần từ Shark Bình. Chủ tịch NextTech sẽ tư vấn và bàn bạc thêm với đội ngũ sáng lập về việc thay đổi định hướng để "trở thành một nhà môi giới trên nền công nghệ thực sự khác biệt và có giá trị để tồn tại".

Theo Nhuận Hoa

Cùng chuyên mục
XEM