Sếp Unilever Việt Nam kể chuyện "biến nguy thành cơ" trong Covid: Thần tốc nâng cấp kênh bán hàng nội bộ thành kênh online cho khách, giao hàng trong 48h

22/12/2022 16:25 PM | Kinh doanh

Mặc dù các cửa hàng đồ tiêu dùng được mở cửa trong Covid-19, Unilever vẫn gặp khó khăn vì chuỗi cung ứng đứt gãy và quy định giãn cách xã hội. Nền tảng đặt hàng trực tuyến từ đó ra đời, cùng với những cửa hàng offline tại các chung cư.

Sếp Unilever Việt Nam kể chuyện "biến nguy thành cơ" trong Covid: Thần tốc nâng cấp kênh bán hàng nội bộ thành kênh online cho khách, giao hàng trong 48h - Ảnh 1.

Giám đốc Công nghệ Unilever Việt Nam Nguyễn Bảo Tri (trái) tại phiên thảo luận thuộc khuôn khổ FPT Techday 2022.

Tại phiên thảo luận “Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ và tiêu dùng Việt Nam” thuộc khuôn khổ FPT Techday 2022, ông Nguyễn Bảo Tri - Giám đốc Công nghệ Unilever Việt Nam cho biết tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới này cũng không tránh khỏi khó khăn trong thời kỳ đại dịch, bởi người dân bị hạn chế đi lại và chuỗi cung ứng đứt gãy.

"Nhiệm vụ của công ty là cung cấp đủ hàng hóa cho các nhà phân phối, bán lẻ để họ bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngay cả khi hàng hóa đến, chưa chắc người tiêu dùng đi mua được, bởi họ không đến được các cửa hàng", ông Tri cho hay.

Vì vậy, Unilever Việt Nam nghĩ đến phương án biến nền tảng bán hàng nội bộ thành kênh bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng. Trong vòng 3 tuần, công ty hoàn thành việc nâng cấp hệ thống, kết nối với các bên giao hàng chuyên nghiệp và cho ra mắt nền tảng Ushop.vn, cùng phiên bản ứng dụng trên điện thoại. Người tiêu dùng chỉ cần vào Ushop để đặt hàng và sẽ nhận được trong vòng 48 tiếng.

"Tới nay Ushop đã có hơn 100.000 thành viên, hơn 10 đối tác tham gia bán hàng trên kênh và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng", Giám đốc Công nghệ của Unilever Việt Nam cho biết.

Để tối ưu chi phí vận hành và giao hàng, công ty tiếp tục nghĩ tới việc phát triển theo cả hai hướng online và offline, sau đó quyết định mở thêm cửa hàng ở các chung cư.

"Vai trò của các cửa hàng này là giúp những người cần hàng hóa trong hôm nay có thể mua ngay, đồng thời là điểm chạm thu hút người tiêu dùng biết đến Ushop và đăng ký thành viên. Điều quan trọng nữa, cửa hàng chính là điểm giao nhận hàng. Khi mua trên nền tảng online, khách có thể chọn cách giao hàng: qua dịch vụ chuyên nghiệp hoặc mua online nhưng nhận offline tại cửa hàng gần nhất", ông Tri giải thích.

Với cam kết giao hàng trong vòng 48 giờ, khâu hậu cần và vận chuyển trở thành bài toán quan trọng. Ông Tri cho biết vấn đề được giải quyết bằng cách tận dụng tối đa dữ liệu đang có, kết hợp nguồn dữ liệu bên ngoài để xây dựng hệ thống quản trị giúp tối ưu tuyến đường đi giao hàng, đồng thời đảm bảo xe tải phải đầy.

"Trước đây, các nhà phân phối giao những chuyến xe cố định, xe hàng đầy hay không vẫn đi. Sau khi triển khai hệ thống này, nhà phân phối có thể giảm số đầu xe. Ví dụ một nhà phân phối từ 10 xe chỉ còn 6 xe, giúp giảm số tài xế và từ đó giảm chi phí vận hành".

"Việc làm đầy được các xe tải còn giúp giảm vận hành hậu cần. Khi tuyến đường được tối ưu, phí xăng dầu cũng giảm theo. Thống kê cho thấy các nhà phân phối có thể tiết kiệm khoảng 15% chi phí vận hành. Ngoài ra, hệ thống thông minh còn có những máy tính bảng để xác định đường đi, điểm giao hàng. Tất cả đều tự động hóa, có sự kết nối giữa các hệ thống, cuối ngày có bảng báo cáo đánh giá giao hàng thế nào", ông Tri chia sẻ.

Như vậy, những thay đổi nhằm thích nghi với Covid-19 không những giúp Unilever Việt Nam vượt qua khó khăn, mà sau đại dịch mô hình kinh doanh thậm chí được nâng tầm. Chất lượng tăng trong khi chi phí giảm không những giúp được các nhà phân phối, bán lẻ, mà bản thân Unilever cũng được hưởng lợi.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM