Sếp Nielsen Việt Nam: Các thói quen không ra ngoài ăn uống hoặc giảm thiểu du lịch sẽ chỉ xảy ra trong dịch bệnh và ngắn hạn, sức mua sẽ sớm trở lại!

26/03/2020 16:18 PM | Kinh doanh

Người dân khi có niềm tin vào chính phủ, niềm tin vào nền kinh tế, niềm tin vào sự phục hồi thì tôi nghĩ sức mua sẽ sớm quay trở lại. Câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp là chúng ta sẽ làm gì để chuẩn bị cho sự trở lại với sức mua như vậy.

Theo khảo sát mới đây về hành vi của người tiêu dùng của Nielsen trong mùa dịch 45% người được hỏi cho rằng họ đang tích trữ thức ăn tại nhà nhiều hơn. Hơn 50% người dân đã giảm tần suất mua sắm siêu thị hay những nơi mua sắm đông người. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp cần có những thay đổi trước mắt để nắm bắt được tốt hơn tâm lý người tiêu dùng.

Báo cáo của Nielsen cũng cho biết 25% người tiêu dùng được hỏi tăng cường mua sắm trực tuyến. Giải thích về điều này, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc miền Bắc công ty TNHH Nielsen Việt Nam cho biết có những thay đổi nhất định về thị phần của các ngành hàng trên thị trường.

"Nếu đi ra ngoài thì tôi sẽ có nhiều nguy cơ bị lây lan nên tôi sẽ mua sắm kênh online hoặc kênh mua sắm giao tận nhà. Tôi sẽ mua những sản phẩm dịch vụ giúp cho tôi bảo vệ được bản thân và gia đình trong thời gian dịch bệnh này. Một số sản phẩm về vệ sinh cá nhân đã được tăng lên", bà Hà trả lời phỏng vấn VTV 24.

Ngoài ra đại diện Nielsen Việt Nam cũng cho biết, người tiêu dùng có những quan ngại nếu dịch bệnh kéo dài hàng hóa sẽ không còn nữa dẫn đến tâm lý ở đây là mua sắm để dự trữ. Cho nên họ sẽ mua những sản phẩm có thể dự trữ được. Đây chính là tâm lý của người tiêu dùng trong mùa dịch. Vì vậy nếu không phải là mùa dịch nữa họ sẽ không cần mua tích trữ nhiều nữa.

"Một số thói quen khác như không đi ra ngoài ăn uống hoặc giảm thiểu đi du lịch thì sẽ chỉ xảy ra trong dịch bệnh và ngắn hạn thôi", bà Hà nhận định về thói quen cắt giảm chi tiêu tạm thời của người diêu dùng.

Theo chuyên gia này, khách hàng sẽ mua sắm trực tuyến vì tránh rủi ro trong giai đoạn dịch. Một mặt họ có được lợi ích là tiết kiệm được thời gian. Mặt khác hình thức mua trực tuyến đem lại cho họ những chương trình chăm sóc, khuyến mại đặc biệt. Đấy là lý do người dân đã chú ý hơn tới kênh trực tuyến.

"Nếu như câu chuyện không phải là dịch bệnh nữa thì những chi phí khác như tiết kiệm thời gian, có được giá hời hơn vẫn sẽ tiếp diễn kể cả dịch đã kết thúc", bà Đặng Thúy Hà phân tích.

Hiện nay nhìn chung trong thị trường thì sức mua của người tiêu dùng giảm nhưng một báo cáo tích cực mới đây của Nielsen đánh giá niềm tin của người tiêu dùng thì Việt Nam đứng thứ 3 thế giới. Chuyên gia này khẳng định sức mua sẽ sớm phục hồi trong thời gian tới sau khi hết dịch.

"Trong thời gian gần đây chúng ta nhìn thấy niềm tin còn cao hơn nữa với công tác phòng dịch của Chính phủ. Người dân khi có niềm tin vào chính phủ, niềm tin vào nền kinh tế, niềm tin vào sự phục hồi thì tôi nghĩ sức mua sẽ sớm quay trở lại. Câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp là chúng ta sẽ làm gì để chuẩn bị cho sự trở lại với sức mua như vậy", bà Hà lạc quan đánh giá.

Gần đây trước sự thay đổi của thói quen tiêu dùng, những nhà hàng lớn đã chuyển sang hình thức giao hàng tại nhà. Tuy nhiên, khi Covid-19 xuất hiện, lượng khách vãng lai tại các khu trung tâm thưa thớt, người dân cũng hạn chế đi lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà hàng như Pizza 4P’s. Sự cố hai du khách người Anh tại Đà Nẵng dương tính cũng khiến nhà hàng phải đóng cửa khử khuẩn vài ngày. Do đó Pizza 4P’s đã quyết định thay đổi. Đơn hàng được ship tận nhà cho các khách hàng miễn phí, kể cả các món ăn tươi như phomai burrata.

Hoặc mới đây chuỗi nhà hàng Golden Gate đã phải đóng 34 nhà hàng do doanh thu sụt giảm. Golden Gate hiện có hơn 300 nhà hàng thuộc hơn 20 thương hiệu phủ khắp 25 thành phố. Để giải quyết đầu ra, Golden Gate đã triển khai dịch vụ G-Delivery, phục vụ lẩu tại nhà, kể cả món nướng và khách hàng được mượn bếp miễn phí.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM