Sếp chẳng bao giờ chỉ đạo "làm cái này, cái kia" nhưng tôi lại học được rất nhiều bài học giá trị từ người lãnh đạo này!

19/12/2018 14:23 PM | Sống

Ở đời, bắt ép người khác phải thay đổi theo mong muốn của bản thân rất khó. Biết cách khiến người khác tự muốn thay đổi mới là người lãnh đạo thông minh.

Trong cuộc sống, dù bạn bao nhiêu tuổi hay đóng vai trò gì, bạn đều phải có lúc lắng nghe, lúc lại lãnh đạo người khác. Tôi không quan tâm đến việc bạn là lớp trưởng ở trường trung học hay là người lãnh đạo cả một công ty hơn 500 nhân viên nhưng trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần phải có khả năng lãnh đạo.

Khi gặp rắc rối với nhóm hay bạn bè ở trường, phải có một người đứng ra làm chủ và xin lỗi.

Khi công ty phải giải quyết một thất bại lớn, phải có người dẫn lối để tiếp tục phát triển.

Khi mối quan hệ của bạn với đối tác đang trong tình thế rạn nứt, một trong hai bên phải hứa sẽ cải thiện mối quan hệ.

Bạn thấy đấy, khi nói và viết về khả năng lãnh đạo, chúng ta thường quy chụp cần phải có một chức danh để trở thành một người lãnh đạo. "Một CEO hay chủ tịch mới là lãnh đạo" là điều mà hầu hết chúng ta đều hay ngộ nhận.

Trở thành một người lãnh đạo không liên quan gì đến công việc của bạn. Khả năng lãnh đạo là một đặc điểm tính cách mà tất cả chúng ta đều có thể tu dưỡng. Thực tế, tôi tin khả năng lãnh đạo là một trong những kỹ năng cần thiết mỗi người nên trang bị cho bản thân. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, tôi không nghĩ có những người sinh ra đã biết lãnh đạo.

Một số người tự nhiên sinh ra đã vượt trội và quyết đoán hơn người. Tuy nhiên, khả năng lãnh đạo cần nhiều hơn thế. Tôi biết có những người lãnh đạo khá nhút nhát và ăn nói nhỏ nhẹ. Nhưng họ vẫn lãnh đạo người khác. Bằng cách nào khiến người khác nghe theo họ? Bằng cách nào khiến người khác tin tưởng vào những sáng kiến của họ?

Có những độc giả đã gửi thư cho tôi với những câu hỏi kiểu như:

"Nhóm tôi tuy nhỏ nhưng có những thành viên vững lập trường và mạnh mẽ. Tôi là người điều hành nhóm trong các hoạt động hằng ngày. Mất rất nhiều thời gian nhưng tôi tin tưởng sẽ khiến cho mọi người trong team làm việc tốt. Tuy nhiên, thực sự công việc này khiến tinh thần rất mệt mỏi.

Tôi thích nghe bạn nói chuyện nhiều hơn về động lực làm việc theo nhóm và làm thế nào để luôn tích cực trong những tình huống tiêu cực. Làm thế nào để thực sự tác động đến sự thay đổi của người khác".

Những điều ấy đều thuộc về khả năng lãnh đạo. Tôi không nghĩ bạn có thể ép người khác làm bất kỳ điều gì. Bạn không thể bắt người khác phục tùng hay nghe lời bạn.

Tôi may mắn đã từng tiếp xúc với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Một trong những cố vấn của tôi là một người giàu có nhất nhì Hà Lan. Ông không bao giờ bảo tôi làm cái này cái kia. Tuy thế, tôi lại học được rất nhiều bài học có giá trị từ ông.

Chỉ có một chiến lược lãnh đạo duy nhất

Sếp chẳng bao giờ chỉ đạo làm cái này, cái kia nhưng tôi lại học được rất nhiều bài học giá trị từ người lãnh đạo này!  - Ảnh 1.

“Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời” nhưng một người lãnh đạo giỏi biết cách truyền cảm hứng cho người khác đổi mới tích cực hơn.

"Mọi người đều biết chiến lược này. Bạn chỉ có thể lãnh đạo khi biến mình thành một tấm gương sáng. Không có cách thức nào hiệu quả hơn để truyền cảm hứng cho người khác".

Nếu bạn muốn team mình luôn có tinh thần tích cực, trước hết bạn phải tích cực. Điều đó đúng trong mọi hoàn cảnh dù là gia đình, đối tác hay bạn bè. Khả năng lãnh đạo cũng là khả năng làm chủ hay khả năng chịu trách nhiệm. Tôi thích cách cựu thành viên của Navy Seals, Jocko Willink và Leif Babin, đưa ra trong cuốn sách nói về khả năng lãnh đạo "Extreme Ownership" (Trách nhiệm tuyệt đối):

"Chân lý cơ bản và quan trọng nhất của Trách nhiệm tuyệt đối: Không có nhóm nào tệ, chỉ có những lãnh đạo tồi".

Nếu bạn nghĩ rằng team bạn dở thì chính bạn mới là người dở. "Nhưng tôi không phải là một người lãnh đạo hay một người quản lý". Đó là điều mà người ta thường dựa vào để che đậy khuyết điểm. Vậy thì sao? Nhớ chúng ta đã nói như thế nào về việc lãnh đạo không phải chỉ dựa vào chức danh chứ?

Đó chính xác là những gì tôi muốn nhắc tới. Vì vậy, về mặt kỹ thuật, bạn có thể không phải là một lãnh đạo ở cơ quan, trong gia đình hay trong nhóm bạn bè, bạn vẫn có thể trở thành tấm gương sáng.

Làm thế nào để trở thành một tấm gương sáng?

Đây là cách cá nhân tôi đã thực hiện để trở thành một tấm gương cho người khác muốn học theo:

Tôi chỉ kỳ vọng người khác những điều tôi kỳ vọng ở bản thân tôi. Tôi không bao giờ yêu cầu ai làm gì mà tôi không làm. Tất cả những bài báo và khóa học đều căn cứ vào các hoạt động và kết quả thực tiễn của tôi. Nhưng vì tôi đặt kỳ vọng quá cao vào bản thân nên tôi cũng kỳ vọng cao vào những người làm việc cùng tôi.

Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, tôi cố gắng giữ bình tĩnh. Cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa nếu không có những chuyện rắc rối cần phải giải quyết. Điều đó có nghĩa chúng ta phải đương đầu với thách thức, các rắc rối và các tình huống tồi tệ mọi lúc. Quan trọng bạn phải giữ được bình tĩnh và dành thời gian để suy nghĩ. Nếu có thể, tôi không đưa ra quyết định chóng vánh. Khi tôi giữ bình tĩnh, người khác cũng sẽ vậy.

Khi tôi sai, tôi thừa nhận. Tôi là người cuối cùng tin có người hoàn hảo. Mặc dù tôi luôn cố giữ bình tĩnh và tích cực nhưng đôi khi tôi cũng không kiềm chế được. Tôi thừa nhận và sau đó tự làm dịu sự việc lại. Nhưng tôi luôn chắc chắn mình học được từ việc thừa nhận và không bao giờ giữ sự ác cảm. Không có chỗ cho cái tôi của bạn.

Tôi nhận thức rõ ràng về giá trị và quy tắc của bản thân. Có những thứ khiến tôi không chịu đựng được. Ví dụ, người lười biếng không khiến tôi tôn trọng. Tôi không thấy có lỗi vì làm vậy. Tôi cũng không sợ bị nói xấu sau lưng. Mọi người phải dè chừng bạn.

Tôi tôn trọng người khác và không muốn cố thay đổi họ hay bảo họ phải làm gì. Không thể thay đổi người khác. Bạn chỉ có thể thay đổi bản thân. Những chuyện mà một người trưởng thành làm thì đều không cần bạn phải xen vào. Tôi có thể là một tấm gương nhưng đôi khi nó cũng vô tác dụng hoặc mất rất nhiều thời gian. Tôi chấp nhận.

Đó là những bài học tôi đúc kết được khi suy ngẫm về các nhà lãnh đạo tôi có dịp gặp gỡ trong cuộc đời: Từ lãnh đạo doanh nghiệp đến lãnh đạo tôn giáo. Chân thành mà nói, khi ai đó hỏi về "Tác động thay đổi" thì sự thật là có thể làm thế.

Điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi bản thân trước. Khi chúng ta thay đổi, người khác thường cảm thấy có cảm hứng làm việc tương tự.

Khi tôi nhận thư từ học trò và độc giả về cách họ đã tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc đời, tôi thấy rất vui mừng cho họ. Tôi thương trả lời thư rằng người họ cần cảm ơn là chính bản thân họ.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người ta không thay đổi? Có lẽ đó là tin tốt hơn bạn nghĩ.

Bạn không muốn tiếp xúc với những người như thế. Vì vậy, khả năng lãnh đạo cũng là khả năng tự tuyển chọn. Trên đời này không chỉ những người mạnh mẽ mới tồn tại được mà còn có những người lãnh đạo.

Theo Nguyễn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM