Sẽ là vô nghĩa khi thế hệ mai sau tinh thông kiến thức nhưng có trái tim vô cảm và độc ác

19/04/2023 09:10 AM | Sống

Trái tim của học trò chúng ta càng ngày càng băng giá, nguội lạnh. Trái tim học trò chúng ta cần được sưởi ấm, cần được làm mềm lại.

"Tôi đọc câu chuyện về cô bé học sinh lớp 10 chuyên Anh, trường THPT chuyên thuộc Đại học Vinh, mà cảm thấy đau lòng khủng khiếp. Với tư cách một người thầy và một người cha của một đứa con gái lớp 10, tôi nghĩ mình có trách nhiệm góp tiếng nói của mình để lay động xã hội, lay động nhà trường, lay động người thầy", thầy giáo Võ Anh Triết (TP.HCM) chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình về vụ nữ sinh trường chuyên tự tử nghi do bạo lực học đường những ngày gần đây.

Theo thầy Triết, chúng ta đã mải mê vào cuộc đua thành tích, cuộc đua hơn thua, cuộc đua đổi màu huy chương mà bỏ rơi con cháu, học trò giữa lúc bọn trẻ cần chúng ta nhiều nhất.

"Tôi đọc nhiều bài viết về cô học trò bằng tuổi con gái tôi và thấy thương con quá. Gần như chắc chắn đã xảy ra chuyện con bị tẩy chay trong lớp học của mình. Gần như chắc chắn là con đã trao đổi với ba mẹ con và họ đã đến trường xin được giúp đỡ. Gần như chắc chắn là giáo viên chủ nhiệm biết chuyện có học sinh của mình bị tẩy chay. Câu chuyện của con cả lớp biết, cha mẹ biết, giáo viên chủ nhiệm biết, nhà trường biết, mà con vẫn đau đớn chấm dứt cuộc sống của mình. Tôi bàng hoàng hỏi tại sao?", thầy nói.

"Cha mẹ biết, giáo viên biết, nhà trường biết, mà con vẫn đau đớn chấm dứt cuộc sống. Tôi bàng hoàng hỏi tại sao?" - Ảnh 1.

Thầy giáo Võ Anh Triết cũng đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm của người lớn, trong bối cảnh "học đường của chúng ta hiện tại không hề lý tưởng và yên bình cho trẻ".

Có bao nhiêu nhà trường có những buổi sinh hoạt thường xuyên dưới cờ về vấn nạn bạo lực học đường?

Trong cuộc họp báo, cô giáo chủ nhiệm bảo con học giỏi, ngoan hiền, xác nhận việc con chơi cùng một nhóm bạn và bây giờ không chơi nữa không biết lý do. Cô bảo mới một học kỳ nên cô chưa nắm được tâm lý học sinh, thật ra thì gần hết học kỳ 2 rồi.

Câu hỏi tôi muốn đặt ra là, với tư cách giáo viên chủ nhiệm cô đã thực hiện các biện pháp sư phạm gì trước tình hình lớp học như thế? Trách nhiệm của nhà trường như thế nào? Câu chuyện của con đã được báo với nhà trường, và chưa có hành động nào phù hợp từ phía nhà trường được đưa ra trước khi tai họa xảy ra.

Trên thực tế, học đường của chúng ta hiện tại không hề lý tưởng và yên bình cho trẻ. Internet đầy phim ảnh bạo lực, các mạng xã hội ngập ngụa những nội dung xấu, rác, câu view bằng mọi giá. Học sinh tiếp xúc và lây nhiễm những thứ xấu trên mạng và bắt chước, khi ở đó người ta chửi bới nhau, người ta bêu xấu nhau, người ta lôi đời tư và quyền riêng tư của người khác ra để kiếm tiền. Và học trò cứ thế, mỗi ngày một ít tiêm nhiễm cái xấu, ngày càng nghiêm trọng.

Tình trạng lớp học có một nhóm "đại bàng" khuynh đảo trấn áp các bạn cùng lớp, tự đặt ra các quy định này nọ không hiếm, nhưng không phải bao giờ giáo viên và nhà trường cũng có thể kiểm soát. Trong lớp chắc chắn có một số học sinh hiền lành, nhút nhát, sống khép kín, ít giao tiếp... dễ trở thành nạn nhân của hiếp đáp, hoạnh hoẹ.

Trong bối cảnh đáng báo động như vậy, có bao nhiêu nhà trường có những buổi sinh hoạt thường xuyên dưới cờ về vấn nạn này? Tôi nghĩ có rất ít và không thường xuyên, chưa đủ để thay đổi thái độ của học sinh. Thành tích, thi đua khiến trong nhiều ngôi trường, thành phần quan trọng nhất, quý báu nhất, cần được quan tâm nhất là học sinh đã bị bỏ rơi. Tôi nghĩ đã đến lúc phải khác, và nó phải đến từ tư duy các nhà lãnh đạo giáo dục.

Chỉ cần các thầy cô yêu thương và công tâm, mọi thứ sẽ ổn

Tôi đem câu chuyện nói với con gái mình, tôi hỏi con biết không, con nói con biết. Con bảo con hiểu tâm trạng của người bạn tội nghiệp kia, con bảo con biết cảm giác đó khủng khiếp thế nào. Tôi bảo con gái mình mạng sống là điều quý giá nhất, của con, của ba mẹ, của tất cả những ai yêu thương con. Con bảo con biết cuộc sống quý giá, nhưng con bảo có những lúc người trong cuộc mới hiểu thấu cảm giác đau khổ khi bị tra tấn trong học đường như thế nào.

Tôi hiểu con gái mình và những gì con đã và đang trải qua. Tôi dặn con gái mình con phải luôn mạnh mẽ, không có bất kỳ ai trên đời này có quyền hiếp đáp con, và con phải luôn sẵn sàng để đối đầu với nhưng ai muốn làm điều đó trong đời, bây giờ và sau này lớn lên. Và trong mọi trường hợp luôn có giải pháp tốt hơn tự chấm dứt cuộc sống của mình. Cuộc sống là một món quà từ trời đất, từ mẹ cha, nên phải luôn nâng niu và bảo vệ nó bằng mọi giá.

Các bậc cha mẹ, mong mọi người nói chuyện nhiều hơn với con. Mong mọi người luôn đứng về phía con khi con làm đúng. Mong mọi người hãy xin lỗi con khi mình làm sai. Bản thân tôi khi nuôi con đến giờ sai lầm cũng chẳng ít, và học làm cha mẹ là câu chuyện cả đời, thậm chí đến khi chúng ta rời cõi tạm.

Mong mọi người mạnh mẽ để con cái thấy chúng ta là chỗ dựa những lúc chúng sụp đổ. Những lúc chúng bế tắc, chúng luôn nghĩ đến chúng ta đầu tiên. Chúng cần chúng ta, và đôi lúc chúng ta không có thời gian để đến bên, thật tội nghiệp.

Làm người thầy chẳng dễ, làm người thầy là chỗ dựa tin cậy của học trò càng vạn lần khó hơn. Xin các thầy cô hãy thương học trò như con cái của mình, và chỉ khi các thầy cô thương chúng như con, các thầy cô mới làm những điều tốt nhất cho chúng được. Các thầy cô phải thật sự công bằng, các thầy cô phải ngay lập tức điều chỉnh các hành vi chưa đúng mực và tiêu cực của chúng theo một cách thuyết phục nhất.

Khi học trò đặt niềm tin vào thầy cô, chúng sẽ chia sẻ nhiều hơn, chúng sẽ gần gũi hơn, thầy cô càng có thêm cơ hội để hiểu rõ và gắn bó với chúng. Đừng vì lợi ích cá nhân, đừng vì sự bạc đãi của nghề nghiệp, đừng vì áp lực của cấp trên yêu cầu thành tích. Chỉ cần các thầy cô yêu thương và công tâm, mọi thứ sẽ ổn.

Xin quý thầy cô lãnh đạo nhà trường dành ra mỗi tuần hoặc mỗi hai tuần một chút thời gian dưới cờ. Trong khoảng thời gian ít ỏi đó, xin đừng nói về thành tích, về nhiệm vụ, về nội quy, về vi phạm. Xin hãy nói về một câu chuyện cuộc đời gần gũi nào đó, xin hãy kể về một câu chuyện mất mát nào đó, xin hãy nói về một câu chuyện yêu thương cảm động nào đó với học trò mình.

Thầy cô nào cũng nói được, một học sinh nào cũng có thể kể được, hãy tự nhiên, đừng viết kịch bản làm gì. Học trò sẽ muốn nghe những điều như thế hơn những thứ giáo điều. Trái tim của học trò chúng ta càng ngày càng băng giá, nguội lạnh. Trái tim học trò chúng ta cần được sưởi ấm, cần được làm mềm lại. Khi các con có một trái tim ấm, khi trong các con có những hạt giống yêu thương được nhà trường và thầy cô âm thầm và kiên trì gieo vào, các con sẽ dần rời xa cái xấu một chút, và các con sẽ tránh được những hành vi gây tổn hại cho bản thân, cho gia đình, cho bè bạn…

Chúng ta chỉ cần vài mươi phút, một tấm lòng yêu thương và một lý tưởng dạy học trong sáng, một không gian ấm cúng và gần gũi và một mục tiêu hướng thiện cho con cái và học trò mình. Yêu thương mà, có tốn kém gì đâu…

Cầu mong sao những câu chuyện đau lòng thế này bớt đi thật nhiều trong nhà trường của chúng ta. Mọi nỗ lực giảng dạy, gieo trồng kiến thức sẽ trở nên vô nghĩa khi chúng ta đào tạo ra những thế hệ mai sau tinh thông kiến thức nhưng lại oằn nặng trong lồng ngực một trái tim băng giá, vô cảm và độc ác!

Theo Hiểu Đan

Cùng chuyên mục
XEM