Sau thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, một công ty tăng số giờ trở lại, nhân viên hiện 'phải' làm 36h/tuần, hưởng nguyên lương

15/10/2021 14:30 PM | Kinh doanh

Ban đầu, nhiều người không muốn tăng giờ làm việc dù con số đó vẫn thấp hơn so với khi làm 40 giờ/tuần.

Cách đây vài tháng, báo chí phương Tây đưa tin dự án thử nghiệm kéo dài 5 năm ở Iceland cho phép người lao động làm việc 4 ngày/tuần đã cho thấy làm việc ít hơn đem lại hiệu quả cao hơn.

Cụ thể, trong 2 thử nghiệm quy mô lớn do chính phủ Iceland và thành phố Reykjavik thực hiện từ năm 2015 đến 2019, các nhà nghiên cứu đã phân tích tác động của giảm thời gian làm việc trong tuần mà không giảm lương với 2.500 người lao động, tương đương 1% tổng số người trong độ tuổi lao động của nước này.

Kết quả mà những thử nghiệm này mang lại được đánh giá là thành công vượt trội và có thể trở thành bài học cho các quốc gia khác, theo người phụ trách thử nghiệm.

Sau thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, một công ty tăng số giờ trở lại, nhân viên hiện phải làm 36h/tuần, hưởng nguyên lương - Ảnh 1.

Tuy nhiên mới đây, giám đốc của một công ty tham gia thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày ở Iceland cho biết công ty của cô đã phải tăng giờ làm việc của nhân viên sau khi cắt giảm quá nhiều.

Sólveig Reynisdóttir, giám đốc tại Trung tâm dịch vụ Reykjavik, nói rằng cơ quan này đã thử nghiệm giảm giờ làm từ năm 2015. Ban đầu, họ rút ngắn tổng số giờ làm việc hàng tuần xuống còn 35 giờ nhưng sau đó tăng thêm 2 giờ nữa thành 37 giờ/tuần.

Một thời gian sau, con số này lại giảm 1 giờ, đồng nghĩa với tổng cộng họ làm việc ít hơn 4 giờ so với thông thường. Theo Reynisdóttir, nhân viên vẫn nhận được lương như làm việc như lúc 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần.

Insider đưa tin rằng ban đầu, nhiều người không muốn tăng giờ làm việc dù con số đó vẫn thấp hơn so với khi làm 40 giờ/tuần. Mặc dù vậy, Reynisdóttir cho biết thử nghiệm vẫn thành công. Số giờ làm việc ngắn hơn giúp cuộc sống của người lao động dễ dàng hơn.

"Họ hài lòng hơn, điều này có ý nghĩa rất quan trọng với tôi, với tư cách là một người quản lý", Reynisdóttir nói.

Trong 2 thử nghiệm diễn ra riêng biệt từ năm 2015 đến 2019, người lao động trong khu vực công và nhiều người khác ở Iceland đã được giảm 3-5 giờ làm việc/tuần mà vẫn hưởng nguyên lương. Một tổ chức nhận định thử nghiệm này có thể là hình mẫu quan trọng cho thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày ở các nước khác trong tương lai do thành công vượt trội của nó.

Các cơ quan, công ty khác nhau có số giờ làm việc khác nhau, trong đó, một số cơ quan cắt giảm 1 giờ mỗi ngày. Giám đốc dự án của một trường mầm non cho biết trường của cô được nghỉ nguyên ngày thứ 6. Nhờ đó, người lao động có nhiều thời gian hơn cho gia đình, làm việc cá nhân hay luyện tập, giải trí, thư giãn.

Sau thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, một công ty tăng số giờ trở lại, nhân viên hiện phải làm 36h/tuần, hưởng nguyên lương - Ảnh 2.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi và quyết định áp dụng chính sách làm việc 4 ngày/tuần hoặc giảm tổng số giờ làm tại một số quốc gia trên thế giới.

Ngoài Iceland, Tây Ban Nha và Scotland đều đã công bố kế hoạch tài trợ cho thử nghiệm tương tự. Một bộ phận người lao động ở New Zealand và Nhật Bản cũng đã thử nghiệm giảm một vài giờ làm việc mỗi tuần. Tháng 11/2019, Microsoft Nhật Bản cho biết chương trình 4 ngày làm việc/tuần của họ đã giúp tăng năng suất lên tới 40%. Trong khi đó, sau khi áp dụng chính sách trên trong 2 tháng và thu kết quả khả quan, một số công ty ở New Zealand gọi đây là sự thành công giúp người lao động cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Nguồn: Insider

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM