Sau khi bán nhà cho ông chủ Amazon, tỷ phú David Geffen chi 30 triệu USD để mua một bức tranh

20/02/2020 14:11 PM | Kinh doanh

Tỷ phú Geffen chi 30 triệu USD cho bức tranh “The Splash” sau khi ông bán ngôi biệt thự ở Beverly Hills với giá 165 triệu USD cho người giàu nhất thế giới.

Tuần trước là một tuần bận rộn của David Geffen - doanh nhân được coi là thành công bậc nhất trong lĩnh vực giải trí và điện ảnh tại Mỹ.

Ông vừa bỏ ra rất nhiều tiền để mua bức tranh có giá trị cao nhất trong một phiên đấu giá tổ chức tại thủ đô London của nước Anh. Bức tranh mang tên “The Splash” của danh họa David Hockney đã khiến vị doanh nhân người Mỹ này phải “móc” đến 30 triệu USD ra khỏi hầu bao của mình, theo một nguồn tin thân cận.

Geffen, 76 tuổi, thật bất ngờ chính là vị chủ nhân đầu tiên của bức tranh này, ngay sau khi nó được hoàn thành vào năm 1966. Bức tranh nằm trong bộ sưu tập cá nhân của ông đến năm 1985, trước khi được chuyển giao cho chủ mới. “The Splash”, theo thông tin gần đây nhất, được sở hữu bởi tỷ phú Hong Kong Joseph Lau, người đã bỏ số tiền khoảng 3,78 triệu USD để mua lại nó vào năm 2006.

Geffen vừa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng ngôi biệt thự tại Beverly Hills của mình cho vị tỷ phú giàu nhất thế giới, đồng thời là ông chủ của đế chế thương mại điện tử Amazon - Jeff Bezos, với tổng giá trị của thương vụ này được ước tính lên đến 165 triệu USD.

Geffen chi 47,4 triệu USD để mua lại bất động sản này khoảng 30 năm về trước. Architectural Digest từng miêu tả ngôi biệt thự là một “phim trường nguyên bản” của vị doanh nhân, với địa hình cao thấp, chia thành nhiều tầng lớp và thậm chí có cả một sân golf 9 lỗ trong khuôn viên.

Người phát ngôn của Geffen từ chối đưa ra bình luận về thương vụ này.

Tác phẩm của Hockney chính là tâm điểm của phiên đấu giá được tổ chức tại London trong tuần trước. Bức tranh được coi là một bài “test” cho giới nghệ thuật, trong bối cảnh nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu EU và dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát dữ dội tại Trung Quốc - thị trường các tác phẩm nghệ thuật lớn thứ 3 trên thế giới.

Bức tranh “The Splash” được chứng thực bởi một bên thứ 3, và chỉ thu hút sự quan tâm của một nhà đấu giá duy nhất vào hôm 11/2 vừa rồi.

Doanh thu mà các đơn vị tổ chức đấu giá như Sotheby’s, Christine’s và Phillips thu về lên tới xấp xỉ 400 triệu bảng trong suốt 2 tuần diễn ra sự kiện trao đổi, mua bán các tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau như ấn tượng, đương đại, hậu chiến và hiện đại. Sự kiện này vừa mới kết thúc vào hôm 14/2. Một năm trước, số tiền thu về từ các phiên đấu giá cao tới hơn 26% so với năm nay.

“Với những diễn biến tương đối phức tạp diễn ra trong khoảng thời gian gần đây, tôi cho rằng sự kiện năm nay đã diễn ra hết sức thành công”, theo Brett Gorvy, nhà đồng sáng lập của trung tâm triển lãm Levy Gorvy, đơn vị tham gia đấu giá và mua được một vài tác phẩm trong sự kiện lần này.

Việc bán được những tác phẩm nghệ thuật trong sự kiện lần này là điều không hề dễ dàng. “Mọi người đều quan tâm đến Brexit”, Gorvy cho biết. “Không ai muốn bỏ ra một số tiền quá lớn khi mà triển vọng tài chính không mấy khả quan”.

Những tác phẩm được sáng tác bởi các danh họa nữ và da màu tiếp tục là “cục nam châm” thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nghệ thuật. Bức tranh mang tên “Portrait de Marjorie Ferry” của danh họa Tamara de Lempicka, chính là “ngôi sao” sáng nhất trong đêm đấu giá các tác phẩm theo trường phái ấn tượng và hiện đại của Christine’s, với mức giá cao nhất được đưa ra lên đến 16,3 triệu bảng.

Các nhà đầu cơ cũng đã rất thành công trong sự kiện lần này. Doanh nhân đến từ Los Angeles- Stefan Simchowitz đã bán bức “The Lemon Bathing Suit”, sáng tác bởi danh họa gốc Ga-bông Amoako Boafo, với giá 675.000 bảng, cao gấp 40 lần so với số tiền mà ông đã bỏ ra để sở hữu chỉ một năm trước đó.

Các nhà đấu giá đang có xu hướng chuyển dần sự quan tâm của mình sang những tác phẩm thuộc sở hữu của hai vợ chồng: Linda và Harry Macklowe, sau khi cặp đôi này đã chính thức “đường ai nấy đi”; và những bức họa thuộc bộ sưu tập của nhà tài phiệt Don Marron, người vừa mới qua đời hồi giữa năm 2019. Hai bộ sưu tập này có thể mang về khoản tiền lên đến 1 tỷ USD trong phiên đấu giá ấn định sẽ được tổ chức vào tháng 5 năm nay.

“Đã xuất hiện tính trạng bong bóng trên thị trường, nhưng nền tảng của thị trường nghệ thuật là tương đối vững chãi”, Gorvy chia sẻ. “Dựa trên những thống kê doanh thu lần này, tôi cho rằng đó sẽ là những tín hiệu tích cực để các nhà tổ chức đấu giá thu thập nhiều hơn những tác phẩm cũng như khuyến khích những người mộ nghệ thuật sẵn sàng móc hầu bao trong phiên đấu giá vào tháng 5 tới”.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM