Sau hơn 50 năm tưởng đã tuyệt chủng, loài chuột voi được tìm thấy trở lại ở Châu Phi

28/08/2020 11:32 AM | Khoa học

Chúng thậm chí còn đang sinh trưởng mạnh và bứt phá ra khỏi các thang đo tuyệt chủng.

Nửa thế kỷ trở lại đây, các nhà khoa học lo ngại rằng loài chuột chù voi Somali đã biến mất vĩnh viễn khỏi Trái Đất. Không ai còn nhìn thấy những con thú có vú nhỏ như chuột và mũi dài như vòi voi này nữa.

Nhưng trong một nghiên cứu mới xuất bản, các nhà khoa học đã vui mừng công bố hàng chục video cho thấy ít nhất vẫn còn 12 cá thể chuột chù voi còn sống. Những con thú có vú nhỏ bé này vẫn âm thầm phát triển bên ngoài lãnh thổ Somali, trên một khung cảnh khô cằn, đầy sỏi đá ở quốc gia Djibouti, miền đông Châu Phi.

Loài thú nhỏ bé độc đáo: Có họ gần với voi hơn cả chuột

Cần phải nói rõ rằng chuột chù voi không phải là chuột chù mà cũng chẳng phải voi. Nó là một loài thú có vú ăn côn trùng tên là sengi. Chuột chù voi thuộc họ Macroscelididae bộ Macroscelidea. Người ta gọi nó với cái tên đó vì ngoại hình giống với chuột chù (họ Soricidae) trong khi mũi nó dài như vòi voi.

Trên thực tế, sengi còn họ gần với voi hơn cả chuột chù. Sở hữu một đôi chân rất khỏe, những con thú nhỏ bé này có thể chạy ở tốc độ gần 30 km/h, thuộc top những loài động vật có vú nhỏ chạy nhanh nhất thế giới.

Chuột chù voi có nguồn gốc Châu Phi và sinh sống chủ yếu ở Somali. Từ năm 1970, loài động vật này được cho là đã biến mất. 39 mẫu vật xác của chúng được bảo tồn trong các bảo tàng lịch sử tự nhiên là bằng chứng duy nhất cho thấy chuột chù voi từng tồn tại trên hành tinh này.

Nhóm Bảo tồn Động vật Hoang dã Toàn cầu thậm chí còn đưa nó vào danh sách "25 loài bị mất tích được truy nã gắt gao nhất". Và cuộc tìm kiếm kéo dài chính xác 52 năm cuối cùng cũng có kết quả.

Vào năm ngoái, các nhà thám hiểm ở Djibouti đã phát hiện ra những cá thể chuột chù voi còn sống trong tự nhiên.

Một thước phim về loài chuột chù voi mới được phát hiện trở lại  

Một cuộc đi săn lớn

Đó thực sự là một cuộc đi săn lớn khi các nhà khoa học đã phải đặt hơn 1.250 camera và mồi bơ đậu phộng, bột yến mạch cũng như chiết xuất nấm men tại 12 khu vực ở Djibouti. Họ xác định các khu vực này bằng cách phỏng vấn người dân địa phương, những người có thể đã từng nhìn thấy chuột chù voi xuất hiện trước đây.

"Các cuộc phỏng vấn của chúng tôi với những người du mục và chăn nuôi địa phương cho thấy họ thường xuyên nhìn thấy chuột chù voi", nhà nghiên cứu Houssein Rayaleh đến từ Hiệp hội Tự nhiên Djibouti cho biết.

Những con chuột chù voi chỉ biến mất vì mọi người nghĩ rằng nó chỉ sống ở Somali. Nhưng Rayaleh cho biết trong suốt 21 năm làm việc ở Djibouti, ông cũng đã nhìn thấy những con thú có vú nhỏ này còn sống.

Để hồi sinh loài chuột chù voi trong sách đỏ, điều cần làm bây giờ chỉ là xác định những cá thể ở Djibouti cũng chính là loài chuột chù voi ở Somali đã mất tích từ lâu.

Những con sengi ở Djibouti chưa từng được ghi nhận chính thức, không ai biết đến chúng, Rayaleh nói với AFP. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã mời Galen Rathburn, một chuyên gia chuột chù voi toàn cầu, người đã liên tục săn lùng chúng trong hàng thập kỷ nhưng chưa từng nhìn thấy chuột chù voi ngoài đời thật tham gia.

Sau hơn 50 năm tưởng đã tuyệt chủng, loài chuột voi được tìm thấy trở lại ở Châu Phi - Ảnh 2.

Steven Heritage một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Lemur của Đại học Duke đã mô tả khoảnh khắc mà Rathburn nhìn vào những thước phim đầu tiên họ thu thập được: "Khi anh ấy mở chiếc bẫy camera và nhìn thấy cái đuôi lông xù dễ thương của con vật, anh ấy đã nhìn sang tôi và nói ‘Tôi không thể tin được, tôi chưa từng thấy nó bao giờ".

Rathbun sau đó đã chết vì bệnh ung thư, và có lẽ những thước phim này đã trở thành niềm an ủi cho ông ấy, giống như một tâm nguyện cuối đời.

Cú bứt phá ngoạn mục trên thang đo tuyệt chủng

Trong 1.250 chiếc bẫy camera được đặt tại Djibouti, các nhà nghiên cứu bắt được 12 thước phim về những con chuột chù voi. Họ đã công bố chúng trên tạp chí PeerJ, khẳng định loài chuột chù voi Somali "hiện vẫn đang tồn tại" và sống vượt xa khỏi ranh giới của Somali.

Nhóm nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch cho một chuyến thám hiểm mới để tìm hiểu thêm về loài sinh vật này. Họ tin rằng chuột chù voi còn có thể sống ở cả Ethiopia, thậm chí quay trở lại Somali.

Và trong khi chưa thể ước tính quy mô của quần thể, các nhà khoa học có căn cứ để tin rằng chuột chù voi đang phát triển mạnh trở lại. "Tất cả người dân địa phương đều từng gặp chuột chù voi, vì vậy có thể nó không hiếm", Heritage cho biết.

Tại Djibouti, một đất nước Đông Phi chưa phát triển, môi trường sống của chuột chù voi cũng chưa bị đe dọa bởi đô thị hóa, thậm chí là nông nghiệp. Chúng sống cách xa con người, nơi các vùng đất khô cằn không thể trồng trọt được.

Sau hơn 50 năm tưởng đã tuyệt chủng, loài chuột voi được tìm thấy trở lại ở Châu Phi - Ảnh 3.

Bây giờ, các nhà nghiên cứu đang khuyến nghị Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xem xét lại để đưa chuột chù voi Somali ra khỏi danh sách các sinh vật dễ bị tổn thương. Đó là một tin mừng cho thấy một loài thú có vú độc đáo đã sinh trưởng mạnh trở lại.

Robin Moore thuộc Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã Toàn cầu cho biết: "Thông thường khi tìm lại được một loài sinh vật từng biến mất, chúng tôi chỉ tìm thấy một hoặc hai cá thể và phải nhanh chóng hành động để ngăn chặn sự tuyệt chủng của chúng".

Nhưng chuột chù voi Somali có thể đã tiến xa trên các thang đo tuyệt chủng. Với sự đa dạng này, nó có thể được đưa ra khỏi danh sách nguy cơ tuyệt chủng và xếp vào nhóm "ít lo ngại".

Sau hơn 50 năm tưởng đã tuyệt chủng, loài chuột voi được tìm thấy trở lại ở Châu Phi - Ảnh 4.

Trong một vài năm gần đây, thế giới liên tục ghi nhận sự trở lại của một số loài sinh vật đã biến mất trong nhiều thập kỷ, bao gồm kỳ nhông Jackson ở Guatemala, ong khổng lồ Wallace ở Indonesia và loài cheo cheo lưng bạc - một loài giống hươu, có kích thước bằng thỏ ở Việt Nam .

Đó thực sự là những tín hiệu tốt, nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan. Trên thế giới còn rất nhiều loài sinh vật vẫn đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Để có thể bảo vệ được chúng, thực sự đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ tất cả chúng ta.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM