Sau đề xuất thu phí vào nội đô, mỗi ô tô phải đóng bao nhiêu khoản thuế và phí?

01/11/2021 19:12 PM | Xã hội

Hiện nay, một chiếc xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam đang phải chịu 8 loại thuế và phí khác nhau. Tuy nhiên, nếu đề án thu phí xe ô tô vào nội đô của Hà Nội và TP. HCM được phê duyệt, thì mỗi chiếc xe khi vào trung tâm hai thành phố lớn của cả nước sẽ phải chịu thêm một khoản phí nữa.

Ảnh: whatshot.in
Ảnh: whatshot.in

Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội khởi động kế hoạch đề án thu phí ô tô vào nội đô, trong đó đơn vị tư vấn đề xuất lập 87 trạm thu phí, hoạt động từ 5h đến 21h hằng ngày. Sở GTVT TP. HCM cũng vừa có văn bản gửi UBND TP, đề xuất thực hiện lập dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố.

Vậy mỗi chiếc ô tô đang lăn bánh ở Việt Nam phải chịu bao nhiêu loại thuế, phí sau khi Hà Nội và TP. HCM đề xuất thu phí vào nội đô?

Theo quy định hiện hành, một chiếc xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam đang phải chịu 8 loại thuế và phí khác nhau. Trong khi đó, xe ô tô lắp ráp trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng vẫn còn 7 loại thuế và phí khác.

Thuế nhập khẩu (Áp dụng cho xe ô tô nhập khẩu, không áp dụng xe lắp ráp trong nước)

Hiện nay, giá ô tô nhập khẩu ở Việt Nam đang cao hơn hẳn so với nhiều nước trên thế giới do chịu nhiều loại thuế và chi phí khác nhau. Trong đó, thuế ô tô nhập khẩu được hiểu là nhà nước có chính sách thu phí đối với các sản phẩm ô tô nguyên chiếc, có nguồn gốc từ các nước khác nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Các dòng xe đến từ Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang phải chịu mức thuế nhập khẩu rất cao từ 56% đến 74% giá trị xe. Điều này khiến giá thành của xe có thể tăng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Đây là loại thuế có mục đích điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng, tăng ngân sách nhà nước và hạn chế nhập siêu... Tại Việt Nam tất cả các mẫu xe dù được sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều phải nộp thuế này.

Tùy từng chủng loại, dung tích xi lanh và công nghệ sử dụng, mỗi loại xe có mức thuế tiêu thụ đặc biệt khác nhau. Trong đó mức thuế thấp nhất dành cho ô tô dưới 9 chỗ chạy bằng điện là 15% giá trị xe, ngược lại, mức thuế cao nhất mà xe ô tô dưới 9 chỗ phải chịu lên tới 130% giá trị xe đối với động cơ dung tích từ 5.000 đến 6.000 phân khối.

Tại Nghị quyết 115 ban hành tháng 8/2020, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Công thương xây dựng các phương án sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô trong nước để khuyến khích ngành sản xuất, chế tạo ô tô nâng cao giá trị và phát triển.

Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế áp dụng cho tất cả các loại hàng hoá tại Việt Nam, không chỉ riêng ô tô.

Theo điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng thì thuế suất GTGT là 10%. Do xe nhập khẩu không ở trong danh sách miễn thuế nên thuế GTGT vẫn duy trì 10% áp dụng cho tất cả các dòng xe.

Phí trước bạ

Phí trước bạ xe ô tô đăng ký lần đầu là 10% giá trị xe, tùy từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thể điều chỉnh tăng mức lệ phí trước bạ này. Hiện nay, Hà Nội có mức thu lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký lần đầu là 12%, TP. HCM là 10%.

Phí kiểm định

Kiểm định ô tô là quá trình kiểm tra chất lượng và độ an toàn của một chiếc xe xem có đáp ứng tiêu chí lưu thông an toàn trên đường hay không.

Một số tiêu chí kiểm định có thể kể đến như: số máy, số khung, kiểm tra nước làm mát, dầu nhớt, phanh xe, độ mòn bánh xe, hệ thống đèn trước sau, bảng đồng hồ, cần gạt nước, dây an toàn, chốt cửa, phanh tay, các yếu tố bảo vệ môi trường… Những chiếc xe vượt qua các yêu cầu trên sẽ được cấp hoặc gia hạn giấy phép lưu thông trên đường.

Theo quy định từ Thông tư 238/2016/TT-BTC, mức giá kiểm định chung đối với xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi là 240.000 đồng và lệ phí cấp chứng nhận là 50.000 đồng.

Phí bảo trì đường bộ

Phí bảo trì đường bộ là loại phí mà các chủ phương tiện giao thông phải nộp để góp phần bảo trì, nâng cấp đường bộ phục vụ các phương tiện chung tham gia lưu thông.

Theo nội dung Thông tư 133/2014/TT-BTC, mức phí bảo trì đường bộ cho xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân khoảng 130.000 đồng/tháng, trong khi đó đối với tên Công ty sẽ là 180.000 đồng/tháng.

Theo nội dung Thông tư 133/2014/TT-BTC, mức phí bảo trì đường bộ cho xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân khoảng 130.000 đồng/tháng trong khi đó đối với tên Công ty sẽ là 180.000 đồng/tháng. Người dùng có thể chọn đóng linh hoạt theo: 1, 6, 12, 18, 24, 30 (tháng).

Phí cấp biển ô tô

Đăng ký biển số mới là việc cần thiết nhằm bảo vệ tài sản cũng như quyền lợi cho chủ xe về sau, ví dụ như bảo dưỡng xe, làm bảo hiểm xe,…

Đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ, phí cấp mới biển số ô tô được áp dụng khác nhau theo từng địa phương, trong đó mức phí cao nhất là 20 triệu đồng áp dụng cho khu vực 1 của Hà Nội và TP. HCM, thấp nhất là 200.000 đồng.

Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc

Đối với xe dưới 6 chỗ không kinh doanh vận tải, mức phí là 437.000 đồng/năm. Còn đối với xe từ 6 - 11 chỗ không kinh doanh vận tải, mức phí bảo hiểm là 794.000 đồng/năm.

Như vậy, một chiếc xe ô tô nhập khẩu lăn bánh tại Việt Nam sẽ cần đến 8 loại thuế, phí là: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí cấp biển ô tô và bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Xe lắp ráp trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu.

Ngoài ra, mỗi chiếc xe lưu thông trên cầu đường có thu phí thì cũng phải trả phí theo quy định của chủ đầu tư.

Một loại thuế nữa mà chủ phương tiện phải đóng trực tiếp vào giá xăng, dầu là: thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và thuế giá trị gia tăng (10%), cùng với thuế bảo vệ môi trường là 3.800 - 4.000 đồng/lít.

Trong thời gian tới, nếu đề án thu phí xe ô tô vào nội đô của Hà Nội và TP. HCM được phê duyệt thì ngoài các loại thuế và phí trên, mỗi chiếc xe khi vào trung tâm hai thành phố lớn của cả nước sẽ phải chịu thêm một khoản phí nữa.

Cụ thể, theo như đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" của Sở GTVT Hà Nội. Xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) được đề nghị từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt, xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại được đề xuất mức thu từ 15.000 - 40.000 đồng/lượt.

Còn tại TP. HCM, Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD - nhà đầu tư) đề xuất hệ thống thu phí sẽ được xây dựng bao quanh quận 1, quận 3, theo công nghệ thu phí đa làn không dừng. Mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho xe hơi và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm ô tô biển xanh. Xe buýt và các loại xe ưu tiên như: xe cứu hỏa, xe cứu thương... sẽ được miễn phí. Xe taxi có đăng ký tại thành phố sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng/xe.

Theo Ánh Nguyệt

Từ khóa:  thu phí , ô tô
Cùng chuyên mục
XEM