Sau cuộc đua lãi suất huy động, các ngân hàng đang phải “gồng mình” trả lãi tiền gửi

17/05/2023 13:55 PM | Kinh doanh

Nhiều nhà băng đang trả lãi tiền gửi cao hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sau cuộc đua lãi suất huy động, các ngân hàng đang phải “gồng mình” trả lãi tiền gửi - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng vào khoảng 129,5 nghìn tỷ đồng, tăng 83,43% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, có 27/28 ngân hàng trên sàn chứng khoán có chi phí này tăng trên 50%. Trong đó, có 9 nhà băng ghi nhận chỉ tiêu này tăng trên 100%.

Như tại Techcombank , chi phí lãi tiền gửi quý I/2023 ở mức gần 5.020 tỷ đồng, tăng 3.264 tỷ (~ 186%) so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là yếu tố chính đẩy chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng lên, góp phần làm thu nhập lãi thuần của nhà băng này bị thu hẹp ngay trong quý đầu năm.

Hay ở MSB, chi phí trả lãi tiền gửi gần 1.850 tỷ đồng, tăng 1.115 tỷ đồng (~152%) so với cùng kỳ năm trước. Khoản này đang chiếm tỷ trọng hơn 77% trong tổng cơ cấu chi phí lãi và các chi phí tương tự. Đồng thời, đây cũng là nhân tố chính khiến cho thu nhập lãi thuần tại ngân hàng tăng trưởng thấp.

Với TPBank , trong quý I/2023, chi phí lãi tiền gửi ở mức 3.197 tỷ, tăng 1.870 tỷ (~130%) so với cùng kỳ năm trước. Chi phí này tăng mạnh làm bào mòn các nỗ lực của ngân hàng trong việc trong việc tăng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự. Thu nhập lãi thuần theo đó cũng tăng trưởng lùi (giảm -3,3%).

Theo sau là MB với chi phí lãi tiền gửi là 5.186 tỷ, tăng 2.896 tỷ (126%) so với cùng kỳ năm trước. Chi phí này chiếm tỷ trọng lớn nhất (~72,5%) trong khoản mục chi phí lãi và các chi phí tương tự của MB.

Một số ngân hàng ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng trên 100% còn có ABBank (112%); VPBank (112%); VIB (110%); HDBank (101%); KienLongBank (100,4%)

Chỉ có duy nhất một ngân hàng ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng dưới 50% trong quý vừa qua là BacABank (tăng 33%).

Không chỉ chi phí cho lãi tiền gửi tăng lên, nhiều loại chi phí khác như trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá, hoạt động tín dụng khác cũng tăng lên ở đại đa số các ngân hàng.

Sau cuộc đua lãi suất huy động, các ngân hàng đang phải “gồng mình” trả lãi tiền gửi - Ảnh 2.

Mặc dù chi trả nhiều hơn song các ngân hàng lại không thực sự thu hút được nhiều nguồn vốn. Cụ thể, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội của tổng cục thống kê, quý I/2023 huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,77%, trong khi cùng kỳ năm trước, con số này là 2,15%.

Theo các chuyên gia, việc chi phí trả lãi tiền gửi tại các ngân hàng tăng lên chủ yếu là hệ quả của việc huy động với lãi suất cao. Thời gian tới, khi tình hình tích cực hơn, dòng tiền vẫn sẽ quay lại với kênh tiết kiệm vì các nhà băng vẫn đang cung cấp một mức lãi suất thực dương cho người gửi tiền.

Theo Văn Tuệ

Cùng chuyên mục
XEM