Sau chấp thuận nghiệm thu, đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần thêm gì để lăn bánh?

31/10/2021 10:39 AM | Xã hội

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đã chính thức được Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận việc nghiệm thu của chủ đầu tư. Để đoàn tàu lăn bánh thương mại, vẫn cần thêm vài thủ tục nữa mới đưa vào khai thác được .

Dự kiến, trong ít ngày tới Bộ GTVT sẽ ký bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho UBND TP.Hà Nội để vận hành khai thác.
Dự kiến, trong ít ngày tới Bộ GTVT sẽ ký bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho UBND TP.Hà Nội để vận hành khai thác.

Tại cuộc họp chiều 29/10, tất cả 9 thành viên Hội đồng kiểm tra nhà nước đã chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư (Bộ GTVT) Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Kết quả này là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội, Tổng thầu Trung Quốc hoàn tất thủ tục bàn giao dự án để đưa vào khai thác thương mại.

Để rút ngắn thời gian bàn giao đưa dự án vào khai thác, từ đầu tháng 4/2021, Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư, Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội (đơn vị vận hành tàu của Hà Nội) đã hoàn thành bàn giao hồ sơ tài liệu, kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường. Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đã thống nhất chủ trương về kế hoạch bàn giao, tiếp nhận dự án, gồm cả khoản nợ theo cơ chế tài chính của dự án (Hà Nội nhận nợ).

Theo Bộ GTVT, Tổng thầu EPC đang huy động nhân sự của nhà sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để thực hiện công tác bàn giao, bảo hành dự án và mua sắm các vật tư dự phòng.

"Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên được đưa vào khai thác sử dụng tại Việt Nam và Hà Nội, để khai thác hiệu quả và thu hút khách cần đồng bộ hệ thống giao thông công cộng kết nối để thuận lợi cho người dân đi lại. Về lâu dài, Hà Nội cần sớm triển khai các dự án đường sắt đô thị khác theo quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay mới có một số tuyến đường sắt đô thị khác đang trong giai đoạn nghiên cứu, thực hiện đầu tư dẫn đến trong giai đoạn khai thác ban đầu của dự án, hiệu quả và năng lực của dự án chưa thể phát huy tối đa theo thiết kế", Bộ GTVT đánh giá.

Vừa khai thác, vừa hoàn thiện các khuyến cáo

Dù cấp Chứng nhận an toàn hệ thống cho đường sắt Cát Linh – Hà Đông đảm bảo đủ điều kiện khai thác, nhưng tư vấn ACT (Pháp) vẫn "đính kèm" 16 khuyến cáo để đảm bảo an toàn hơn trong quá trình khai thác.

Trong các khuyến cáo của Tư vấn ACT, có 7/16 nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đường sắt), các nội dung này đã có bản hoàn thành; đơn vị nhận vận hành khai thác (UBND TP.Hà Nội) cần phối hợp thực hiện 9/16 nội dung, một số nội dung đã hoàn thành, và cam kết thực hiện 4 nội dung đầu tư thêm trong giai đoạn khai thác nằm ngoài thiết kế.

Sau chấp thuận nghiệm thu, đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần thêm gì để lăn bánh? - Ảnh 1.

Thực hiện khuyến cáo của Tư vấn ACT, trong quá trình khai thác, Hà Nội sẽ đầu tư bổ sung vách chắn giữa đoàn tàu và vị trí đứng chờ của hành khách.

Với các khuyến cáo phải tiếp tục hoàn thiện trong quá trình khai thác, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản cam kết thực hiện, gồm: Bổ sung giải pháp hỗ trợ người khuyết tật; đầu tư hệ thống rào chắn ke ga (khoảng giữa đoàn tàu và vị trí khách đứng chờ); Cải tiến hệ thống cửa riêng để cấp khí tươi cho hệ thống điều hòa thông gió; Cải tiến hệ thống cửa và tay cầm mở khẩn cấp…

Một số nội dung khuyến cáo của Tư vấn ACT đã hoàn thành như: Chứng nhận phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; đánh giá an toàn bước 2 với hệ thống tín hiệu; Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp và diễn tập tại hiện trường; Bổ sung chỉ dẫn cho người khuyết tật; Bổ sung biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp; Sự sẵn sàng vận hành như tăng nhân sự hướng dẫn khách, bổ sung quy trình vận hành, diễn tập ứng phó khẩn cấp…

Vẫn phải xử lý vướng mắc

Theo Bộ GTVT, hiện dự án vẫn gặp vướng mắc liên quan tới thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước (năm 2018, chủ yếu về xác định giá nhân công). Chủ đầu tư đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán; yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định…

Sau chấp thuận nghiệm thu, đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần thêm gì để lăn bánh? - Ảnh 2.

Để khai thác hết hiệu quả tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn phải chờ các tuyến đường sắt đô thị khác của Hà Nội được đầu tư hoàn thành trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, Bộ GTVT nhìn nhận, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là dự án đường sắt đô thị lần đầu thực hiện tại Việt Nam, theo hợp đồng trọn gói (EPC), nên việc thực hiện kết luận kiểm toán có khó khăn. Đặc biệt, Tổng thầu EPC cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, thiếu hợp tác và từ chối thực hiện, trong đó có nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của kiểm toán.

Cũng do dự án đầu tiên triển khai thí điểm, một số định mức đơn giá chưa được ban hành và không thể lập lại tại thời điểm dự án đã hoàn thành công tác thi công, xây dựng dẫn đến việc hoàn thiện theo kết luận của kiểm toán gặp nhiều khó khăn.

Bộ GTVT đang rà soát cụ thể khối lượng các hạng mục hoàn thành, tổ chức nghiệm thu, thanh toán theo quy định nhằm hạn chế các vướng mắc phát sinh, sớm bàn giao dự án cho Hà Nội khai thác.

Các lý do dự án chậm tiến độ, tăng vốn

Theo chủ đầu tư, từ khi khởi công tới nay, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn tới chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư, như: Giải phóng mặt bằng chậm; thiếu quy định; công nghệ mới lần đầu triển khai tại Việt Nam; Thủ tục vay bổ sung kéo dài; Ảnh hưởng dịch COVID-19; Tổng thầu còn hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và quản lý, phụ thuộc nhiều vào các đơn vị liên kết, thường xuyên chậm hoàn thành các hạng mục theo cam kết…

Do đó, dù quyết định phê duyệt dự án tháng 10/2008 xác định mốc hoàn thành xây dựng để đưa vào khai thác từ tháng 11/2013, nhưng kéo dài tới nay với nhiều lần gia hạn.

Tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD), đã phải điều chỉnh tăng lên 18.001 tỷ đồng (868 triệu USD, tăng 9.231 tỷ). Trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc hơn 13.867 tỷ đồng (669 triệu USD), vốn đối ứng của Việt Nam hơn 4.134 tỷ đồng (198 triệu USD).

Phần vốn tăng, theo Bộ GTVT, do: Thay đổi nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; bổ sung đường tránh Quốc lộ 6; Thay vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ; Tăng chi phí giải phóng mặt bằng; Biến động giá vật liệu, nhân công, tỷ giá; Bổ sung chi phí cho công tác nghiệm thu và chạy thử đoàn tàu…

Sau khi dự án được bàn giao, UBND TP.Hà Nội nhận nợ phần vốn vay, trả nợ, trong đó có trách nhiệm hoàn trả ngân sách trung ương số vốn đã được Bộ GTVT ứng để trả nợ tới hạn trước thời điểm bàn giao (Hà Nội không phải hoàn trả phần vốn đối ứng của Chính phủ cho dự án).

Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM