Sau Aeon, Lotte,... các “đại gia” bán lẻ Châu Âu, Trung Đông sắp đổ tiền vào Việt Nam

29/03/2016 08:36 AM | Kinh tế vĩ mô

150 thương hiêu bán lẻ lớn nhất thế giới đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt cho thị trường bán lẻ Việt Nam.

Nghiên cứu “Mức độ sôi động của các nhà bán lẻ toàn cầu” lần thứ 7 được Tổ chức Tư vấn bất động sản quốc tế CBRE khảo sát trên 150 thương hiệu quốc tế lớn có trụ sở tại Châu Mỹ, Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở nên đặc biệt hấp dẫn.

Theo đó, CBRE cho biết, tại thị trường bán lẻ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc tiếp tục giữ ngôi đầu và xếp thứ 4 trên toàn cầu với 27% nhà bán lẻ dự định mở rộng cửa hàng tại nước này.

Tiếp theo đó là Hồng Kông tại vị trí thứ 6 (24%), Nhật Bản thứ 7 (22%) và Singapore thứ 9 (21%) và Úc xếp thứ 11. Ba thị trường bán lẻ hàng đầu thế giới là Đức (35%), Pháp (33%) và Anh (29%).

So với năm 2015, tỷ lệ nhà bán lẻ quan tâm đến các thị trường tại Châu Á – Thái Bình Dương đang ở mức độ cao hơn trong năm 2016, ngoại trừ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đặc biệt, khu vực khu vực Đông Nam Á đã nhận được một tỷ lệ quan tâm gấp tới 2 lần so với năm 2015.

Cụ thể, Malaysia với tỷ lệ quan tâm 10%, Indonesia (9%), Thái Lan (8%), Việt Nam (8%) và Philippines (8%), tổng thể các thị trường còn lại nhận định sự quan tâm ổn định từ 1% đến 3%.

Theo ông Henry Chin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu CBRE châu Á – Thái Bình Dương, có nhiều lý do khiến thị trường bán lẻ Đông Nam Á và Việt Nam trở nên hấp dẫn. Trong khi thị trường Trung Quốc và Hồng Kông có xu hướng giảm nhiệt thì Đông Nam Á lại cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào những cơ hội khi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 83% các thương hiệu lớn đều cho biết, kế hoạch mở rộng trong năm 2016 của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của thương mại điện tử.

Trong khi đó, từ góc độ của nhà bán lẻ, chỉ 22% thương hiệu lo ngại việc cạnh tranh gay gắt với hình thức bán lẻ trực tuyến là mối đe dọa kinh doanh với họ.

Tuy nhiên, các nhà bán lẻ cũng tỏ ra khá thận trọng trong việc mở rộng hệ thống cửa hàng. Chỉ có 17% thương hiệu có mong muốn mở rộng quy mô lớn với dự định mở thêm hơn 40 cửa hàng trong năm 2016 (tăng so với 9% năm 2015). Phần lớn (67%) thương hiệu chỉ dự định mở thêm khoảng 20 cửa hàng.

Theo TUẤN VŨ

Cùng chuyên mục
XEM