Sau 30 tuổi, xin đừng quên: Không khỏe thì chắc chắn nằm mơ cũng không có sự nghiệp, trầm cảm có thể không ngoại trừ ai
Nếu ở độ tuổi từ 30 đổ về trước mâu thuẫn chủ yếu sẽ là tình yêu, việc làm, quan hệ xã hội… thì khi đã bước vào độ tuổi sau 30 thì cái người ta quan tâm hơn cả đó chính là mâu thuẫn giữa sự nghiệp và sức khỏe.
Chúng ta thường nói rằng đến một độ tuổi nhất định thì sẽ phải làm chuyện nên làm ở độ tuổi đó. Chẳng hạn như đến tuổi đi học thì phải đi học, đến tuổi kết hôn thì phải lập gia đình, đến tuổi đi làm thì cũng không thể ngồi lì ở nhà được.
Tuy nhiên, song hành với những việc cần làm ở mỗi độ tuổi thì mâu thuẫn ở từng giai đoạn cũng theo đó mà xuất hiện. Nếu ở độ tuổi từ 30 đổ về trước mâu thuẫn chủ yếu sẽ là tình yêu, việc làm, quan hệ xã hội… thì khi đã bước vào độ tuổi sau 30 thì cái người ta quan tâm hơn cả đó chính là mâu thuẫn giữa sự nghiệp và sức khỏe. Lấy tuổi tác làm chuẩn, tôi rút ra được những điều sau:
1. Giai đoạn từ 30 đến 50 tuổi
Mâu thuẫn chủ yếu trong giai đoạn này là sự nghiệp và sức khỏe. Đồng thời con cái cũng trở thành một mâu thuẫn. Tuy nhiên thì cái nổi bật nhất vẫn là mâu thuẫn trong sự nghiệp. Bởi lúc này là giai đoạn bạn cảm giác có phần chênh vênh, trên là áp lực từ lãnh đạo, làm sao để thể hiện tốt hơn nữa, làm sao để mình không thể bị thay thế, dưới là một lớp các thế hệ người trẻ nhăm nhe thế chỗ bạn bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, giữa vợ chồng, con cái cũng bắt đầu xuất hiện sự tồn tại của trách nhiệm. Mâu thuẫn vợ chồng sẽ nhiều hơn trước. Rất nhiều người có thể cảm thấy cuộc sống trở nên tẻ nhạt, vô vị, cho rằng mình bây giờ đang sống là vì người khác. Vì vậy, ở giai đoạn này nảy sinh cảm giác khó khăn, không biết phải làm sao mà chúng ta vẫn hay gọi là "khủng hoảng tuổi trung niên".
Ở giai đoạn này, ngoại hình, sức khỏe cũng bắt đầu xuống dốc, có thể nói những người ở độ tuổi này có vui vẻ hay không, tất cả đều được viết hết ở trên mặt, nhìn là biết.
2. Giai đoạn từ 50-70 tuổi
Ở giai đoạn này, sức khỏe là mâu thuẫn chủ yếu nhất. Cơ thể trong độ tuổi này đã xuất hiện những dấu hiệu tuổi già. Ở giai đoạn này, nhiều người sẽ có cảm giác bị tuổi tác "bỏ rơi". Vì vậy, cảm giác cô đơn sẽ càng nhiều hơn. Đặc biệt trong giai đoạn này, mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình đặc biệt quan trọng. Nếu không được con cái hỏi han, chăm sóc thường xuyên, người già sẽ cảm thấy cô độc, trở nên khó tính, khó chiều.
3. Giai đoạn sau 70 tuổi
Giai đoạn này mâu thuẫn chủ yếu vẫn là sức khỏe. Thuốc trở thành vật bất ly thân, cơ thể thường xuyên mệt mỏi. Bắt đầu có những cảm giác và khủng hoảng khi nghĩ về cái viễn cảnh gần đất xa trời. Đơn cử như những người thân của tôi.
Bà nội và bà ngoại lúc nào cũng nói rằng không sợ chết, ấy vậy mà thường xuyên nói đã nhìn thấy cái này, nhìn thấy cái kia. Người già ở giai đoạn này, có rất nhiều người trở nên khá nhạy cảm, giống như trẻ con vây.
Thực ra bạn có thể thấy rằng việc phân chia giai đoạn như vậy chỉ mang tính tương đối, không thể chính xác hoàn toàn. Tuổi tác có thể chính xác nhưng tính cách và cảm xúc của con người theo từng giai đoạn là không ai giống ai, vì vậy, hi vọng bạn ở mỗi giai đoạn đều sẽ sống một cuộc sống thật vui vẻ và có ý nghĩa.
Cuối cùng, chia sẻ một chút một vài trạng thái cảm xúc mà con người của xã hội hiện đại ngày nay khi bước sang độ tuổi trung niên dường như rất hay gặp phải như lo âu, căng thẳng, bất an, phiền muộn, tự ti, vui vẻ, phấn khích, cởi mở… Rất nhiều người sẽ hỏi, chứng lo âu phát sinh ra sao?
Thực ra thì cũng không có cách nào phân định rõ ràng giữa lo âu và lo lắng, hay giữa lo âu và tức giận. Đôi khi ai đó trở nên lo âu bởi họ đang tức giận, hoặc ai đó tức giận bởi vì họ đang lo âu. Vì vậy, lo âu đã phát sinh ra sao, thực ra không thể có được câu trả lời chính xác.
Một số người lại sẽ hỏi, vậy trầm cảm xảy ra như thế nào? Thực ra rất đơn giản, đó là tất cả những năng lượng tinh thần tiêu cực khiến họ cảm thấy bất mãn và bất lực đối với chính bản thân mình và hiện thực cuộc sống. Trầm cảm xảy ra cũng chính là khi họ không tìm được thú vui trong cuộc sống đồng thời luôn cảm thấy khó chịu. Nhưng đó là việc của ai đó, có những người cũng ở trong hoàn cảnh của họ nhưng vẫn có thể sống rất tích cực, rất vui vẻ.
Việc xuất hiện chứng trầm cảm không phải là chuyện ngày một ngày hai. Giống như việc nếu giờ tôi tước đi giấc ngủ của bạn, nhưng chỉ là một tiếng đồng hồ, bạn sẽ chẳng cảm thấy gì cả, nhưng nếu bị mất ngủ suốt 3 ngày liền, bạn nhất định sẽ cảm thấy suy sụp.
Tương tự như vậy, một người phải mang trong mình những năng lượng tiêu cực quá lâu, ví dụ như lo âu, bất an, mất ngủ, nhạy cảm… thì cuối cùng sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến chứng trầm cảm. Bất cứ lúc nào, những lúc mà con người ta suy nghĩ phi lý tính nó sẽ giống như một cái "hố" vậy, chúng ta không thể nào thoát ra khỏi nó được.
Vì vậy, học cách làm sao để lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan là điều vô cùng quan trọng, dù biết rằng nó không dễ dàng, nhưng cũng không phải là không thể làm được.
Mỗi một người có một suy nghĩ riêng, có cách đối xử cũng như đối phó với cuộc sống khác nhau, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là nếu đến độ tuổi mà có nhiều mâu thuẫn và rắc rối đang muốn tìm đến bạn thì hãy tìm cách hạn chế nó, tìm lấy cho mình một phương pháp riêng, và gợi ý rằng chuẩn bị trước luôn là một ý tưởng không tồi, đừng để đến khi nó tìm đến bạn rồi mới hối hận rằng vì sao trước đó mình không thế này, không thế kia.
Tôi đã từng đọc qua khá nhiều bài báo nói về những nguy cơ tuổi trung niên như nghề nghiệp, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần…mọi thứ đều trở thành mối bận tâm, lo lắng, nhưng con người mà, ai mà không có lúc thế này thế kia, đến máy móc còn có lúc phải bảo trì, vì vậy, hãy biết lúc nào nên "bảo dưỡng" bản thân mình, tìm cho mình một phương pháp thích hợp với mình nhất để những cái gọi là mâu thuẫn không thể tìm đến bạn, hoặc là nếu nó có tìm đến bạn thì bạn cũng có thể dùng tâm thái bình thản để tiếp nhận và đối mặt với nó.
Chúc các bạn thành công!