Sau 30 năm nghiên cứu người giàu, triệu phú này chỉ ra sai lầm lớn khiến “người nghèo mãi vẫn nghèo”

19/04/2017 08:01 AM | Sống

Một trong những sai lầm lớn nhất mà người nghèo mắc phải đó là bệnh phàn nàn. Họ luôn nói rằng “Tôi không thể làm được điều đó” và bắt đầu đổ lỗi cho hoàn cảnh…

Steve Siebold - triệu phú tự thân, đồng thời là tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Người giàu suy nghĩ như thế nào?". Sau 30 năm nghiên cứu 1.200 người giàu trên khắp thế giới, ông đã có những đúc kết thú vị về tầng lớp thượng lưu này.

Hầu hết mọi người đều có mong muốn cải thiện tình trạng tài chính của bản thân, nhưng họ không biết làm thế nào để thực hiện từng bước như mong muốn. Họ bị bế tắc trong lối mòn của tư duy về tiền bạc, vì thế kết quả mà họ nhận được là sự nghèo nàn, áp lực và luôn phải đấu tranh về tài chính.

Dưới đây là 5 cách thay đổi tư duy đơn giản bạn có thể thực hiện ngay bây giờ và cải thiện tình hình tài chính của bản thân trong năm tiếp theo.

1. Ngừng ngăn cản bản thân

Một trong những sai lầm lớn nhất mà người nghèo mắc phải đó là bệnh phàn nàn. Họ luôn nói rằng “Tôi không thể làm được điều đó”. Tất nhiên, trong cuộc sống sẽ có một số người giỏi hơn bạn và họ kiếm tiền dễ dàng hơn bạn. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn không thể kiếm được tiền. Người duy nhất có khả năng cản bước bạn là chính bản thân bạn.

Chúng ta thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh. Đó là lỗi của Chính phủ vì không tạo ra cơ chế phù hợp. Tôi không có đủ thời gian để bắt đầu một doanh nghiệp. Tôi sẽ thất bại… Trên thực tế, người giàu không thông minh hơn bạn. Họ chỉ tận dụng khả năng của bản thân để tập trung vào những việc giúp họ kiếm ra tiền mà thôi.

2. Tạo ra nhiều dòng thu nhập

Nếu nhìn vào cuộc sống của những người giàu trên thế giới, bạn sẽ thấy họ đều có ít nhất từ 2-3 dòng thu nhập trở lên. Trong khi đó, hầu hết chúng ta đi làm việc, tích cóp tiền lương theo tuần hoặc tháng và đứng nhìn từng ngày trôi qua. Bạn hãy bắt đầu nhìn ra xung quanh và tìm cách để kiếm nhiều tiền hơn. Hãy bắt đầu từ những việc nằm trong khả năng của bạn và xem bạn có thể làm gì để giúp người khác giải quyết vấn đề.

Bạn có thể bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp, dù nhỏ và part-time. Bạn cũng có thể nhận việc làm thêm vào thời gian rảnh rỗi. Hoặc bạn có thể lựa chọn vài khoản đầu tư phù hợp trên thị trường chứng khoán. Bạn cũng có thể kinh doanh, mua bán hàng hóa online để kiếm thêm tiền… Có thể nói, cơ hội kiếm tiền có ở khắp mọi nơi, chỉ là bạn có đủ quyết tâm để thực hiện hay không.

3. Luôn đặt câu hỏi “tại sao”

Có rất nhiều chiến lược tuyệt vời để bạn cải thiện tình hình tài chính của bản thân. Mặc dù điều quan trọng là bạn phải tập trung vào những chiến lược này, nhưng một bước đầu tiên không kém phần quan trọng là bạn hãy đặt câu hỏi “tại sao”. Nếu không có một động lực hay lý do thích đáng, bạn sẽ rất khó có thể đạt được mục tiêu.

Bạn hãy tự hỏi bản thân: Tại sao bạn muốn mục tiêu trở thành hiện thực? Tại sao bạn muốn kiếm nhiều tiền? Điều đó có thực sự ý nghĩa đối với gia đình và con cái bạn không? Bạn có muốn dành tiền để đi du lịch khắp thế giới không? Hay bạn muốn được tự do về tài chính?... Khi tập trung vào các câu hỏi “tại sao”, bạn sẽ sẵn sàng hành động để đạt mục tiêu về tài chính.

4. Tự lực

Bạn có 2 lựa chọn đối với việc quản lý tiền bạc. Một là, coi việc chăm sóc cho bản thân bạn là trách nhiệm của người khác. Hai là, bạn phải tin rằng mỗi người sinh ra đều có cơ hội ngang nhau để trở nên giàu có.

Các triệu phú tự thân thường tự tin vào bản thân và coi đó như kim chỉ nam dẫn đường. Khi bạn bỏ qua những ràng buộc về trách nhiệm với người khác hoặc đặt trách nhiệm của mình lên vai những người khác, bạn sẽ tự do kiếm bao nhiêu tiền mà mình thích.

5. Đặt mục tiêu và thời hạn rõ ràng

Trong khi phần đông chúng ta lãng phí thời gian và năng lượng vào quá nhiều mục tiêu, dự án và sở thích khác nhau thì các triệu phú thường làm điều ngược lại. Họ tập trung vào một mục tiêu chính ở mỗi thời điểm và thiết lập thời hạn đạt mục tiêu rõ ràng.

Chẳng hạn, nếu bạn muốn cải thiện tình trạng tài chính của mình trong năm 2017, bạn cần phải viết ra số tiền muốn kiếm được và các bước cụ thể giúp bạn đạt mục tiêu. Bên cạnh đó, bạn nên đánh giá lại mục tiêu mỗi ngày để điều chỉnh khi có vấn đề phát sinh.

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM