Sau 1 năm 'đại cải tổ', Bách Hóa Xanh chuẩn bị tăng tốc, tuyên bố mở hơn 300 cửa hàng năm 2019

27/02/2019 10:32 AM | Kinh doanh

Trong năm 2018, chuỗi Bách Hóa Xanh đã tập trung thay đổi mô hình kinh doanh và thu về kết quả tích cực. Báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, giá trị mỗi đơn hàng đã tăng mạnh từ mức 40.000 đồng/hóa đơn lên 80.000 đồng/hóa đơn vào cuối năm, doanh thu toàn chuỗi tăng trưởng 208%.

Chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh: Tận dụng dư địa còn lại

Nhận thấy thị trường điện máy vẫn còn dư địa tăng trưởng, Thế Giới Di Động vẫn tiếp tục mở rộng chuỗi Điện Máy Xanh, tiến tới nâng thị phần trong ngành hàng điện máy từ 35% cuối năm 2018 lên 40% trong năm 2019. Công ty đặt kế hoạch nâng tổng số cưa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh lên 1.900 cửa hàng vào cuối năm 2019 (so với 1.782 cửa hàng cuối năm 2018). Trong đó, sẽ có khoảng 150 cửa hàng Điện Máy Xanh tăng thêm từ mở mới/chuyển đổi từ cửa hàng Thế Giới Di Động.

Theo Rồng Việt, sẽ có từ 30-40 cửa hàng Thế Giới Di Động được nới rộng và chuyển đổi lên thành Điện Máy Xanh mini (năm 2018, đã có 39 cửa hàng Thế Giới Di Động được chuyển đổi, các cửa hàng này ghi nhận doanh thu trung bình tăng 50%).

Bên cạnh đó, các cửa hàng Điện Máy Xanh mini (diện tích 300-500m2) có doanh thu cao sẽ được xem xét mở rộng để nâng cấp lên Điện Máy Xanh lớn (1.000 m2). Các cửa hàng không thể mở rộng (dự kiến khoảng 200 cửa hàng) sẽ được thay đổi cách sắp xếp tại cửa hàng, mục tiêu để tăng 60% diện tích trưng bày sản phẩm, đạt 80% số SKU của Điện Máy Xanh lớn (tăng trưởng doanh thu trung bình sau khi thay đổi cách trưng bày là 30%).

Điện Máy Xanh cũng sẽ kinh doanh thêm các sản phẩm mới như hàng gia dụng, đồng hồ điện tử… Đây là các mặt hàng tuy có giá trị không cao nhưng sẽ giúp làm tăng lưu lượng khách hàng đến cửa hàng Điện Máy Xanh, gián tiếp làm tăng doanh thu hàng điện máy.

Rồng Việt nhận định, doanh thu của mảng hàng điện tử sẽ tăng trưởng khoảng 15% trong năm 2019, trong đó Điện Máy Xanh tăng khoảng 30% còn Thế Giới Di Động sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ do nhiều cửa hàng có doanh thu cao được chuyển đổi sang Điện Máy Xanh. Mảng này sẽ đóng góp gần 70% tăng trưởng doanh thu và 100% tăng trưởng lợi nhuận cho Thế Giới Di Động trong năm nay, trước khi nhường vị trí đầu tàu tăng trưởng cho chuỗi Bách Hóa Xanh vào các năm sau.

Chuỗi Bách Hóa Xanh: Chuẩn bị tăng tốc

Trong năm 2018, Bách Hóa Xanh đã chấp nhận từ bỏ mục tiêu về số lượng cửa hàng đặt ra hồi đầu năm để tập trung vào cải thiện hiệu quả và mô hình. Kết quả là Bách Hóa Xanh đạt được mức tăng trưởng doanh thu 208%, lên 4.272 tỷ (đóng góp 5% doanh thu toàn công ty), doanh thu trung bình/cửa hàng tăng gấp đôi, biên lợi nhuận gộp tăng từ 12% lên 18% và hoàn thành kế hoạch hòa vốn EBITDA tại cửa hàng vào cuối năm 2018.

Sau 1 năm đại cải tổ, Bách Hóa Xanh chuẩn bị tăng tốc, tuyên bố mở hơn 300 cửa hàng năm 2019 - Ảnh 1.

Tuy tổng số cửa hàng không thay đổi nhiều, trên thực tế, hoạt động mở mới và chuyển đổi các cửa hàng nhỏ lên mô hình tiêu chuẩn/lớn cũng như đóng các cửa hàng nhỏ hoạt động không hiệu quả đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ. Từ 283 cửa hàng nhỏ cuối năm 2017, tới cuối năm 2018, con số này chỉ còn 40, bên cạnh 365 cửa hàng tiêu chuẩn/lớn.

Mô hình mới được xúc tiến từ quý 2/2018 với các cửa hàng tiêu chuẩn (khoảng 200 m2) và cửa hàng lớn (khoảng 300 m2) có số lượng mặt hàng tươi sống cao hơn từ 3-5 lần và hàng FMCG cao hơn từ 1.5-2 lần so với mô hình cũ gồm các cửa hàng nhỏ có diện tích dưới 150 m2.

Bên cạnh cải thiện về số lượng khách, theo ước tính của Rồng Việt, giá trị mỗi đơn hàng đã tăng mạnh từ hơn 40.000 đồng/hóa đơn vào đầu năm 2018 lên khoảng 80.000 đồng/hóa đơn vào cuối năm. Hai yếu tố này đã tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ của Bách Hóa Xanh trong năm qua.

Sau 1 năm đại cải tổ, Bách Hóa Xanh chuẩn bị tăng tốc, tuyên bố mở hơn 300 cửa hàng năm 2019 - Ảnh 2.

Về mặt hiệu quả, biên lợi nhuận gộp 18% và doanh thu trung bình 1,2 tỷ/cửa hàng mỗi tháng cho phép Bách Hóa Xanh hoàn thành mục tiêu hòa vốn EBITDA tại cửa hàng (biên EBITDA vào cuối năm 2018 vào khoảng 1%). Nếu tính cả khấu hao, chi phí tại trung tâm phân phối và cấp độ công ty, chuỗi này vẫn đang lỗ ròng. Để có thể hoà vốn toàn bộ và tạo ra lợi nhuận, Bách Hóa Xanh sẽ cần làm 2 việc:

Thứ nhất, tăng biên lợi nhuận gộp, đến từ hàng tươi sống và hàng FMCG. Trong đó, với hàng tươi sống là tăng tỷ lệ đóng góp doanh thu và giảm tỷ lệ mất mát từ lưu trữ/vận chuyển và bán không hết cũng như tăng hiệu quả trong chuỗi cung ứng hàng tươi sống. Với hàng FMCG, Bách Hóa Xanh cần đàm phán với nhà cung cấp để tăng chiết khấu, ngoài ra các mặt hàng thương hiệu riêng của Bách Hóa Xanh cũng là 1 giải pháp trong dài hạn.

Thứ hai, tối ưu hóa hoạt động tại các trung tâm phân phối, như vậy mỗi trung tâm phân phối có thể cung ứng cho nhiều cửa hàng hơn và giảm tỷ lệ chi phí cho trung tâm phân phối từ 2-2,5%/doanh thu xuống còn 1,5% như kỳ vọng của công ty.

Về kế hoạch mở cửa hàng, Thế Giới Di Động dự định mở thêm hơn 300 cửa hàng Bách Hóa Xanh trong năm nay. Rồng Việt cho rằng con số này có thể lớn hơn trong kịch bản khả quan vì dư địa tại TPHCM còn nhiều và chuỗi này cũng đang đẩy mạnh mở rộng sang các tỉnh thành Đông và Tây Nam Bộ.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM