Sáng kiến từ thời Phục Hưng đang giúp các nhà hàng Ý chống dịch COVID-19

16/08/2020 10:01 AM | Xã hội

Cách phục vụ này sẽ đảm bảo an toàn trong tình trạng giãn cách xã hội ở Italia, khi mà dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Những nhân viên sẽ khử trùng tay trước và sau khi phục vụ thực khách của mình. Họ cũng không trao đổi hơi thở hay những bề mặt dễ dàng lây lan virus.

Giữa đại dịch COVID-19, các nhà hàng trên khắp thế giới đã phải sáng tạo ra đủ mọi cách để phục vụ thực khách của mình an toàn. Thế nhưng, một số cửa hàng ở thành phố Florence, thủ phù vùng Tuscany của Italia, không cần phải vắt công nghĩ ra ý tưởng mới.

Trên thực tế, họ chỉ cần sử dụng lại một phát minh có từ thế kỷ 16, hiện vẫn còn được lưu giữ trên những bức tường mang kiến trúc Phục Hưng trong thành phố này. Đó chính là những "cửa sổ rượu" – một ý tưởng tuyệt vời để phục vụ thực khách mà không cần phải tiếp xúc với họ.

Sáng kiến từ thời Phục Hưng đang giúp các nhà hàng Ý chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Theo Mary Forrest, một thành viên sáng lập Hiệp hội Văn hóa Buchette del vino, các kiến ​​trúc sư nổi tiếng ở Florence đã nghĩ ra những chiếc cửa sổ rượu từ đầu những năm 1500. Đúng như tên gọi của nó, những chiếc cửa sổ này được lắp đặt trên tường hoặc cửa của những nhà bán rượu.

Vào thời Trung cổ, rượu vang được mọi tầng lớp người dân Italia coi là thức uống thiết yếu. Họ tin đó là một loại đồ uống tinh khiết, ngang với nước giếng khơi hoặc nước của những dòng sông. Thế nhưng, những nhà sản xuất rượu vang lại thường chỉ là những gia đình giàu có, quý tộc.

Họ sống trong những cung điện rộng lớn và sang trọng và thường không muốn mở cửa cho những người sống ở tầng lớp thấp hơn vào nơi sản xuất rượu của mình. Dẫu vậy, những người này vẫn sẵn sàng bán rượu vang cho dân chúng, và họ đã nghĩ ra những chiếc cửa sổ rượu nhỏ để làm điều này.

Sáng kiến từ thời Phục Hưng đang giúp các nhà hàng Ý chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Những chiếc cửa sổ thường được kiến trúc sư lắp đặt ở tầm cao ngang ngực. Khi một người đến mua rượu, họ sẽ cầm theo một chiếc ly hoặc bình đựng và gõ cửa. Sau đó, một bàn tay sẽ thò ra ngoài, lấy chiếc bình rồi rót đầy rượu vào đó. Họ nhận lại tiền và sau đó đóng cửa sổ rượu lại.

Quá trình phục vụ không hề có những tiếp xúc vật lý như mặt chạm mặt. Vì vậy, những chiếc cửa sổ rượu này cũng đã được sử dụng trong đại dịch hạch năm 1630, hay còn gọi là Cái chết đen từng xóa sổ 60% dân số Châu Âu.

Thời kỳ đó, các thương gia cũng đã biết áp dụng quy tắc vệ sinh khử trùng khi bán hàng. Sau khi nhận lại tiền xu qua cửa sổ rượu, họ đã nhúng chúng vào giấm trước khi lau sạch rồi mới đút vào túi.

Sáng kiến từ thời Phục Hưng đang giúp các nhà hàng Ý chống dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Bẵng qua một thời gian, những chiếc cửa sổ rượu này dần dần biến mất dưới sự phát triển của thương mại. Người dân mua rượu lúc này đòi hỏi nhiều hơn là bản thân ly rượu mà họ nhận được. Họ muốn xem nhiều loại rượu vang cùng được trưng bày với nhau, hoặc cần cả một không gian để thưởng thức nó.

Những chiếc cửa sổ rượu và một bàn tay thò ra qua đó đã không đáp ứng được những nhu cầu này. Nên đến thế kỷ 20, chúng gần như đã được đóng lại vĩnh viễn không bao giờ mở ra nữa.

Năm 2015, Hiệp hội Văn hóa Buchette del vino được thành lập để bảo tồn những chiếc cửa sổ rượu còn lại ở Florence như một nét văn hóa lịch sử của thành phố. Họ đã sử dụng những cửa sổ này để thu hút khách du lịch.

Một bộ lọc trên Google Maps thậm chí còn chỉ cho khách tham quan địa điểm nơi họ có thể tìm thấy những bức tường có cửa sổ rượu ở Florence.

Sáng kiến từ thời Phục Hưng đang giúp các nhà hàng Ý chống dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Nhưng những chiếc cửa sổ chỉ còn mang tính trưng bày và chụp ảnh. Không ai nghĩ chúng có thể một lần nữa được mở ra đồng loạt, cho đến khi đại dịch COVID-19 tấn công Italia.

Forrest cho biết trong đại dịch, những chiếc cửa sổ rượu đã được một số nhà hàng sử dụng trở lại. Thay vì chỉ bán rượu, hàng loạt mặt hàng khác đã được phục vụ từ những bàn tay thò qua ô cửa sổ này, từ kem gelato cho đến Aperol spritz.

Cách phục vụ này sẽ đảm bảo an toàn trong tình trạng giãn cách xã hội ở Italia, khi mà dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Những nhân viên sẽ khử trùng tay trước và sau khi phục vụ thực khách của mình. Họ cũng không trao đổi hơi thở hay những bề mặt dễ dàng lây lan virus.

Sáng kiến từ thời Phục Hưng đang giúp các nhà hàng Ý chống dịch COVID-19 - Ảnh 5.

Theo ước tính của Forrest, hiện có ít nhất 150 chiếc cửa sổ rượu đã hoạt động trở lại trong toàn thành phố. Trong những năm qua, nhiều cửa sổ rượu ở Florence đã bị phá hủy, những bức tường có chúng cũng được sơn lại hoặc vẽ bậy làm ảnh hưởng tới kiến trúc lịch sử.

Tuy nhiên, Forrest hy vọng với sự mở cửa trở lại của chúng trong đại dịch COVID-19, sẽ có nhiều người hơn chú ý và đặt sự quan tâm của họ tới kiến trúc nhỏ bé nhưng độc đáo của vùng Tuscany.

Sáng kiến từ thời Phục Hưng đang giúp các nhà hàng Ý chống dịch COVID-19 - Ảnh 6.

"Các cửa sổ rượu chính là nét điểm xuyết tuyệt vời cho di sản kiến ​​trúc của Florence và vùng Tuscany", ông nói. "Phần lớn chúng đã không còn được sử dụng, nhưng chúng cần tồn tại để tất cả chúng ta có thể nhớ tới cuộc sống ngày xưa của người dân nơi đây".

Thật khó có thể tưởng tượng, bên cạnh những chết chóc và thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra, nó lại có thể cứu lấy một di sản tưởng chừng đang hấp hối.

Tham khảo Fastcompany

Zknight

Cùng chuyên mục
XEM