Sáng đi làm nhận tin nhà máy đóng cửa, công nhân 'cầu cứu' khắp nơi

14/04/2023 14:15 PM | Xã hội

Khi các công nhân đến nhà máy để làm việc thì bảo vệ thông báo công ty đã ngưng hoạt động. Do chưa được trả lương, công nhân kéo đến trụ sở đòi quyền lợi nhưng chưa được giải quyết vì công ty không còn khả năng chi trả.

Ngày 14/4, khoảng 20 công nhân liên tục đến trụ sở Công ty TNHH Đại Lâm (chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu) địa chỉ tại phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để đòi tiền lương tháng 3/2023.

“Khi chúng tôi đến công ty làm việc thì nhận được thông báo của bảo vệ, cho biết nhà máy đã ngưng hoạt động. Chúng tôi đề nghị gặp lãnh đạo công ty để nghe giải thích lý do ngưng hoạt động đột xuất thì bảo vệ nói mọi người không còn ai ở công ty”, chị N.T.H công nhân làm việc tại Công ty TNHH Đại Lâm cho hay.

Theo lời chị T.T.D, công nhân làm việc tại công ty nói trên, toàn bộ công ty có khoảng 30 công nhân, đều chưa được trả lương tháng 3 (từ 5-10 triệu đồng/người tùy theo vị trí công việc).

Sáng đi làm nhận tin nhà máy đóng cửa, công nhân 'cầu cứu' khắp nơi - Ảnh 1.

Công nhân đến trụ sở công ty đòi quyền lợi.

Anh N.V.Đ công nhân làm việc tại công ty hơn 2 năm cho biết, trước đó ngày 7/4, công nhân nhận được thông báo của công ty phải nghỉ làm 4 ngày, đến 11/4 sẽ đi làm lại. Tuy nhiên, khi mọi người đến công ty làm việc theo lịch hẹn thì công ty đã đóng cổng, bảo vệ thông báo máy móc đã di dời đi chỗ khác và không cho công nhân vào.

“Chúng tôi liên hệ bộ phận nhân sự công ty thì được hứa sẽ nhận lương vào ngày 13/4. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến công ty để nhận lương thì công ty trong tình trạng khóa cổng, không liên hệ được với lãnh đạo”, anh Đ cho biết.

Được biết, Công ty TNHH Đại Lâm chuyên nhận hàng về để hoàn thiện sản phẩm đồ gỗ và đang nợ tiền của một đối tác cung cấp hàng hơn 600 triệu đồng.

Liên quan đến vụ việc, đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP Thủ Dầu Một cho biết, đơn vị đã nắm việc công nhân bị nợ lương. Cơ quan chức năng TP Thủ Dầu Một đang tiến hành làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Đại Lâm để giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Sáng đi làm nhận tin nhà máy đóng cửa, công nhân 'cầu cứu' khắp nơi - Ảnh 2.

Công nhân bức xúc khi công ty ngưng hoạt động nhưng chưa trả lương.

Đại diện UBND tỉnh Bình Dương thông tin, trong quý I vừa qua, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn do xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát ở các nền kinh tế, lãi suất vẫn còn cao trong khi nhu cầu tiêu dùng, sức mua còn yếu, tiếp tục ảnh hưởng trên hầu hết các ngành, lĩnh vực của tỉnh.

Tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, mặc dù doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Dương đã tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.200 người. Tuy nhiên, cũng có hơn 36.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Bình Dương dự báo nhu cầu tuyển dụng trong quý II chỉ cần khoảng 8.000 đến 10.000 lao động.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong quý II với nỗ lực, quyết tâm cao hơn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Hương Chi

Cùng chuyên mục
XEM