Sân bay 'ma' ở Berlin: Màn hình hiển thị chuyến bay hoạt động, mỗi tháng ngốn 10 triệu euro phí bảo trì, quản lý nhưng suốt 7 năm không có một hành khách nào

11/02/2019 14:16 PM | Xã hội

Sân bay Brandenburg Willy Brandt (BER) của Berline trông giống hệt mọi sân bay hiện đại lớn khác ở châu Âu, ngoài trừ một vấn đề lớn: Hơn 7 năm sau thời điểm đáng ra phải mở cửa, nó vẫn trống không. Không có hành khách nào sử dụng.

Hàng chục cổng để sẵn sàng để máy bay tiếp cận. Các màn hình đã hiển thị thông tin chuyến bay theo thời gian thực. Trạm đưa đón hành khách đã lấp lánh ánh đèn chờ dòng người bước qua chúng.

Đức có thể nổi tiếng về tính hiệu quả và kỹ thuật siêu đẳng, nhưng sân bay ma ở Berlin dường như là bằng chứng chống lại danh tiếng đó. Sự trì hoãn kéo dài, liên tục quản lí kém và dự kiến sẽ tiêu tốn hơn 3,5 lần ngân sách ban đầu, BER đã trở thành trò cười của người dân Berlin, một sự thất vọng của chính trị gia thành phố, lãnh đạo doanh nghiệp và cư dân.

Sân bay này, được thành phố, tiểu bang và liên bang tài trợ, ban đầu dự kiến có chi phí 2 tỷ euro. Tuy nhiên, đầu năm 2018, chi phí ước tính sẽ đạt 7,3 tỷ euro. Con số này sẽ có thể tăng nữa tùy thuộc vào thời gian hoàn thành, do mỗi tháng khi sân bay chưa mở cửa, nó sẽ tiêu tốn hàng triệu euro cho chi phí bảo trì và bảo dưỡng.

Theo Jobst Fiedler, giáo sư danh dự tại trường Quản trị Hertie ở Berlin, sân bay BER đáng lẽ phải mở cửa vào tháng 6/2012, nhưng tại thời điểm đó, nó đã vượt mức cả về chi phí và thời gian, và câu chuyện này vẫn đang tiếp diễn.

Kế hoạch ra mắt một sân bay mới bắt đầu sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Vào thời điểm đó, rõ ràng một thủ đô thống nhất mới cần một sân bay hiện đại với sức chứa lớn hơn nhiều so với 2 sân bay từ thời Chiến tranh lạnh là Tegel và Schönefeld. Thành phố đã khởi công sân bay mới vào năm 2006, với dự định rằng 2 sân bay cũ sẽ đóng cửa khi sân bay mới bắt đầu đón khách.

Sân bay ma ở Berlin: Màn hình hiển thị chuyến bay hoạt động, mỗi tháng ngốn 10 triệu euro phí bảo trì, quản lý nhưng suốt 7 năm không có một hành khách nào - Ảnh 1.

Vấn đề đầu tiên nảy sinh vào mùa hè năm 2010, khi tập đoàn được nhà nước và liên bang kiểm soát, Flughafen Berlin-Brandenburg, đẩy lùi thời gian mở cửa từ tháng 10/2011 xuống tháng 6/2012. Vào năm 2012, sân bay này dường như có dấu hiệu sẽ mở cửa: Thành phố đã lên kế hoạch cho một buổi lễ với sự tham gia của Thủ tướng Angela Merkel. Nhưng chưa đầy 1 tháng trước khi sự kiện này diễn ra, các thanh tra đã tìm ra những vấn đề nghiêm trọng với hệ thống chống cháy và đẩy lùi thời gian mở cửa tới năm 2013.

Đó không chỉ là hệ thống chống cháy: Một loạt các vấn đề lớn khác sau đó đã xuất hiện. Hơn 90, cáp đã được lắp đặt không chính xác; 4.000 cửa đã bị đánh số sai; thang cuốn quá ngắn. Sân bay có rất ít bàn làm thủ tục check-in tới mức các nhà quy hoạch đề nghị một số hãng máy bay kiểm tra hành khách của họ tại các lều trước sân ga – một đề nghị mà tất nhiên các hàng hãng không đã phản đối.

Jörg Stroedter, phát ngôn viên của ủy ban sân bay tại quốc hội ở Berlin, cho rằng những lỗi như thế này và quyết định sửa chữa chúng, thay vì xây dựng lại, là lí do tại sao chi phí tăng vọt. Nếu Stroedter đúng, tại sao khi có quá nhiều vấn đề được phát hiện, tập đoàn sân bay của Berlin không quyết định bỏ dự án và bắt đầu lại?

Theo nhiều khía cạnh, đó là một ví dụ điển hình của ngụy biện cho chi phí chìm: Mọi người (hoặc các tổ chức) thường ngần ngại cắt lỗ khi họ đã đầu tư thời gian hoặc tài nguyên vào một thứ gì đó, ngay cả khi nó có thể là một quyết định logic. Đây là một hiện tượng không chỉ trong các dự án lớn, chi phí cao như dự án này, mà còn là một cách suy nghĩ có thể xuất hiện trong công việc hàng ngày.

Sự chậm trễ càng kéo dài, các thanh tra càng tìm ra nhiều vấn đề. Số lần tập đoàn xây dựng đổi lãnh đạo nhiều gần bằng số lần ngày mở cửa bị đẩy lùi. Ban đầu, thay vì chỉ định một tổng thầu điều hành dự án, tập đoàn này đã quyết định tự quản lí dù không có kinh nghiệm với quy mô lớn như vậy, một quyết định đã dẫn đến hàng loạt những sai lầm sau này.

Để làm cho những chậm trễ này trầm trọng hơn, sân bay chưa được sử dụng đang tiêu tốn những chi phí khổng lồ. Hàng tháng, chi phí bao gồm xây dựng, bảo trì kĩ thuật, quản lí cơ sở vật chất dịch vụ an ninh đạt từ 9 đến 10 triệu euro. Khoảng 300-500 người làm việc thường xuyên trong sân ga chính.

Sân bay ma ở Berlin: Màn hình hiển thị chuyến bay hoạt động, mỗi tháng ngốn 10 triệu euro phí bảo trì, quản lý nhưng suốt 7 năm không có một hành khách nào - Ảnh 2.

Chi phí vệ sinh, bảo trì, sửa chữa và năng lượng cho các nhà ga mà không có hành khách nào cao đến mức nực cười. Ví dụ, đầu năm 2018, tất cả 750 màn hình hiển thị thông tin chuyến bay phải bị thay thế với chi phí 500.000 euro, vì chúng đã hỏng sau nhiều năm. Các đoàn tàu trống phải chạy trong ga sân bay vào các ngày thường giữ cho nó được thông gió.

Kathrin Westhölter, phát ngôn viên của Flughafen Berlin-Brandenburg, cho biết họ cố gắng giảm thiểu chi phí bất cứ khi nào có thể, nhưng một số chi phí là cần thiết vì lí do an toàn.

Một số người đã gợi ý rằng Berlin nên từ bỏ và xây lại từ đầu. Đầu năm ngoái, Thorsten Dirks, người đứng đầu Eurowings, công ty con của Lufthansa, thậm chí còn dự đoán rằng sân bay này sẽ không bao giờ mở cửa.

Sân bay ma ở Berlin: Màn hình hiển thị chuyến bay hoạt động, mỗi tháng ngốn 10 triệu euro phí bảo trì, quản lý nhưng suốt 7 năm không có một hành khách nào - Ảnh 3.

Nếu mọi việc suôn sẻ, sân bay BER sẽ mở cửa vào tháng 10/2020, dù tập đoàn quy hoạch sân bay thừa nhận rằng vẫn còn một số vấn đề về hệ thống cáp điện và nguồn điện, chiếu sáng cho hệ thống an ninh. Sân bay này cũng phải trải qua các cuộc kiểm tra mở rộng, dự kiến bắt đầu vào năm 2019, trước khi nó có thể mở cửa.

Đây không phải là dự án cơ sở hạ tầng lớn duy nhất vượt quá thời hạn và ngân sách trong những năm gần đây. Ở Hamburg, phòng hòa nhạc Elbphilharmonie đã tốn 700 triệu euro nhiều hơn dự kiến (789 triệu euro thay vì chỉ 77 triệu euro); nhà ga chính mới ở Stuttgart đã được công bố vào năm 1995, nhưng sẽ ra mắt sớm nhất vào năm 2021.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM