Sài thành tuần qua có gì: Từ chuyện bà Lê Hoàng Diệp Thảo thắng kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ; đến mở rộng sân bay, đặc sản vùng miền hội tụ tại TP HCM

22/09/2018 08:49 AM | Kinh doanh

Tuần qua, bức tranh TP HCM có những điểm nhấn như kết quả vụ kiện tụng giữa vợ chồng ông chủ Trung Nguyên, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chi tiết mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo thắng kiện ông Đặng Lê Nguyễn Vũ

Cấp phúc thẩm bác kháng cáo của ông Vũ, giữ nguyên án sơ thẩm. Như vậy, bà Thảo được khôi phục quyền điều hành và quản lý tại Trung Nguyên.

Sài thành tuần qua có gì: Từ chuyện bà Lê Hoàng Diệp Thảo thắng kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ; đến mở rộng sân bay, đặc sản vùng miền hội tụ tại TP HCM - Ảnh 1.

Ngày 20/9, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên xét xử vụ "Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên do bà Lê Hoàng Diệp Thảo (45 tuổi) khởi kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ (47 tuổi).

Sau khi nghị án, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên. Do đó, bản án sơ thẩm được giữ nguyên, chấp nhận 1 phần yêu cầu của nguyên đơn, huỷ bỏ quyết định bãi nhiệm chức vụ chức danh của bà Thảo. Ngoài ra, ông Vũ không được ngăn cấm, cản trở quyền điều hành, quản lý của bà Thảo.

TP.HCM đề xuất đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ 5 tỷ USD

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về điều chỉnh quy hoạch đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Tuyến đường sắt này đi qua địa bàn TPHCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ với điểm đầu là ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TPHCM) và điểm cuối là ga Cái Răng (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

Theo đó, đối với địa phận TPHCM, UBND TP.HCM đề nghị giữ nguyên hướng tuyến từ ga lập tàu An Bình, tỉnh Bình Dương đến ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM; từ ga Tân Kiên, tuyến đi song song đường Tân Tạo - Chợ Đệm, tuyến vượt qua Rạch Tam, sông Chợ Đệm và nút giao Chợ Đệm của dự án đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến rẽ phải và đi song song với tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chi tiết mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Cũng liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng, ở một diễn tiến khác, Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng 2030.

Sài thành tuần qua có gì: Từ chuyện bà Lê Hoàng Diệp Thảo thắng kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ; đến mở rộng sân bay, đặc sản vùng miền hội tụ tại TP HCM - Ảnh 2.

Theo đó, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 791 ha (chưa bao gồm diện tích đất quốc phòng), trong đó diện tích cảng hiện hữu là 545 ha; diện tích đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ gần 20 ha; diện tích đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng hơn 18ha; diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam hơn 35 ha; diện tích đất bổ sung phía Bắc hơn 171 ha.

Theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4E (tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế -ICAO) và sân bay quận sự cấp I. Tính chất sử dụng chung dân dụng và quân sự với 160 vị trí đỗ. Sản lượng vận chuyển đạt 50 triệu khách/năm. Các loại máy bay khai thác là A320/321, B747, B777/B787, A350 và tương đương.

Bến xe Miền Đông mới kiểu Nhật Bản kiêm khu phức hợp mua sắm, giải trí sẽ hoạt động vào đầu năm 2019

Bến xe Miền Đông mới được đầu tư xây dựng tại khu vực rộng hơn 16 ha thuộc phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và phường Long Bình, Q.9, TP.HCM. Đây là khu vực nằm trên xa lộ Hà Nội, cạnh nhà ga của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), kết nối nhiều loại hình giao thông như: metro, BRT (xe buýt nhanh), xe buýt liên tỉnh liền kề Đồng Nai, Bình Dương.

Bến xe Miền Đông mới dự kiến sử dụng cài đặt tiện ích (App) trên điện thoại di động thông minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng tra cứu thông tin và sử dụng các dịch vụ của Bến xe (bao gồm tìm tuyến xe, giờ khởi hành, số chuyến, giá vé, đặt mua vé, đặt chỗ,…).

Ngoài chức năng chính là cung cấp dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh và vận chuyển hàng hóa, bến xe còn là trung tâm mua sắm, giải trí gồm khu vui chơi cho trẻ em, rạp chiếu phim, khu vực ẩm thực,…

Thêm 2 lãnh đạo người Việt gia nhập ban điều hành Sabeco

Sáng 20/9, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) đã chính thức công bố quyết định bổ nhiệm 2 nhân sự cấp cao người Việt vào ban điều hành công ty.

Theo đó, ông Hoàng Đạo Hiệp (45 tuổi) sẽ trở thành Phó tổng giám đốc phụ trách Marketing của Sabeco từ ngày 1/10 tới đây. Ông Hiệp sẽ chịu trách nhiệm xây dựng, điều hành, thực thi các chiến lược Marketing và Truyền thông của doanh nghiệp.

Nhân vật thứ 2 tham gia ban lãnh đạo cấp cao của Sabeco là ông Nguyễn Hoàng Giang (52 tuổi), sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TM Bia Sài Gòn (Satraco).

Đặc sản vùng miền quy tụ tại TP HCM

Sài thành tuần qua có gì: Từ chuyện bà Lê Hoàng Diệp Thảo thắng kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ; đến mở rộng sân bay, đặc sản vùng miền hội tụ tại TP HCM - Ảnh 3.

Ảnh: Thanh Niên

Nhiều hợp tác xã, viện nghiên cứu, hộ kinh doanh đã mang đặc sản vùng miền đến hội chợ tại quận Tân Bình, TP HCM trong triển lãm về nông sản ở thành phố từ ngày 19/9 đến 23/9.

Các đặc sản Tây Ninh, Bến Tre, Cần Thơ được trưng bày tại triển lãm.

Thế Trần (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM