[Sách] Sách mới ra 'How Google Works' của hai 'sếp' Google chán cỡ nào?

12/11/2014 10:46 AM |

'Độc giả đừng quá kỳ vọng' vì đọc xong bạn vẫn không hiểu Google làm việc ra sao như tựa đề đã hứa hẹn.

Câu trên là bình luận cuốn sách "How Google Works" được viết bởi nhà báo Brad Stone, cây viết nổi tiếng của báo Bloomberg, tác giả cuốn sách "Everything Store: Jeff Bezos and the Age of Amazon " ("Cửa hàng vạn món: Jezz Bezos và kỷ nguyên Amazon"). Đánh giá chung là "độc giả đừng quá kỳ vọng vì nội dung không đầy hứa hẹn như tựa đề".

Cuốn sách "How Google Works" (Tạm dịch: "Google làm việc ra sao?") của chủ tịch điều hành Google, Eric Schmidt, cùng cựu phó chủ tịch sản phẩm Jonathan Rosenberg vừa ra mắt độc giả được một thời gian.

Đọc xong lời chú thích trong trang 3, có lẽ độc giả nên phần nào bớt kỳ vọng về cuốn sách. Nhóm tác giả tái hiện lại những năm tháng đầu tiên làm CEO của Eric Schmidt trong giai đoạn ban giám đốc công ty đang phải đau đầu trước đối thủ đáng gờm nhất của mình: Microsoft.

Hồi đó, toàn bộ nhân viên trong Google hễ khi nhắc tới kình địch công ty đều dùng một tên mã riêng: "Finland". Nếu không giải thích gì thì tên mã này còn có vẻ thú vị, mới lạ, nhưng tiếc nỗi cuối trang lại có dòng chú thích: ""Finland" là tên mã cho cái tên mã mà chúng tôi dùng trong thực tế. Nếu cuốn sách này mà dùng tên mã thật, thì còn gọi gì là tên mã nữa?"

“How Google Works”, tựa sách nghe có vẻ hoành tráng nhưng nội dung chẳng có mấy thông tin thực sự đề cập đến cách thức Google vận hành, tỉ như các nhà đồng sáng lập Larry Page, Sergey Brin đã xây dựng nên dịch vụ trực tuyến khổng lồ, xoay chuyển toàn bộ tổng quan ngành truyền thông ra sao.

Nói đúng hơn thì đây là cuốn sách về quản lý, thuộc dòng sách "viết bởi người nổi tiếng", giống như mấy đầu sách bán chạy đình đám gần đây của Sheryl Sandberg đến từ Facebook, Tony Hsieh của Zappos và kha khá những cái tên khác.

Đây cũng là tựa sách thứ hai của Schmidt trong hai năm nay, ra sau cuốn “The New Digital Age: Transforming Nations, Businesses, and Our Lives" (Kỷ nguyên số mới: Cuộc sống của chúng ta, kinh doanh và các dân tộc đang chuyển mình). Cuốn sách này trả lời cho một câu hỏi tầm vóc về việc công nghệ đang thay đổi cách thức các dân tộc kết nối bên trong và bên ngoài như thế nào. Còn cuốn "How Google Works" thì lại giải quyết một vấn đề hẹp hơn: "Bạn quản lý một công ty toàn những nhân viên IQ cao và cực kỳ độc lập trong kỷ nguyên công nghệ đầy biến động này ra sao?"

"Quản lý kiểu thế kỷ 20 là sai lầm"

Schmidt và Rosenberg Rosenberg được tuyển về để giám sát công ty trong những ngày đầu còn hỗn loạn, họ kiến tạo nên một môi trường làm việc phóng túng, phá bỏ mọi quan niệm trước đó về điều hành doanh nghiệp. Nhân viên Google coi công việc là bước mở rộng cho sự nghiệp học thuật của mình và coi nhẹ những lý thuyết quản lý thông thường. Hai tác giả viết: "Hồi đó, điều duy nhất chúng tôi có thể nói chắc như đinh đóng cột là rất nhiều những thứ hai chúng tôi học được trong thế kỷ 20 là sai lầm, và đã đến lúc để làm lại từ đầu".

Thế là họ phải nghĩ ra cái gì mới. Trọng tâm khung quản lý của họ chính là "các nhà sáng tạo thông minh", đó là những nhân viên thông minh hơn người, năng động, gánh trách nhiệm cho ra đời những thứ lớn lao. Các công ty phải tuyển được và giữ được những người này!

Nhưng các nhà sáng tạo thông minh đâu bị hấp dẫn bởi lương cao và vị trí ngồi đẹp trong văn phòng, mà cái họ kiếm tìm là ý nghĩa trong công việc, cách họ đến với sự nghiệp là lửa nhiệt tình rừng rực khiến ngay cả các nhà viết kịch bản bộ phim "Thung Lũng Silicon" trên HBO cũng phải đổ xô đi mua notebook của họ.

Công ty muốn thành công thì phải suy tính về văn hóa và phong cách ngay từ đầu, nghĩ ra những khẩu hiệu ngập tràn cảm hứng (ví dụ như "Don't be evil" của Google, tạm dịch là "Đừng xấu tính"), nghe thì có vẻ hơi "điêu" so với người ngoài nhưng thực tế lại khích lệ nhân viên nhiều vô kể.

Hầu hết những bài học này đã càng khẳng định thêm những hiểu biết thường tình và chẳng có gì là lạ đối với những ai đã bước chân vào Thung Lũng Silicon: tin tưởng kỹ sư và nói có với họ càng nhiều càng tốt, luôn lên kế hoạch linh hoạt, quyền lực phải xuất phát từ phẩm chất và tầm nhìn, chứ không phải sở hữu hay tiền lương, tiến hành nhanh chóng, làm đi làm lại và không sợ thất bại, vân vân.

Tuyển dụng kiểu của Google: Cũng có cái hay

Trong các chương viết về chiến lược, tuyển dụng, ra quyết định và sáng tạo, cũng có nhiều quan điểm mang lại những ví dụ quý giá cho các nhà lãnh đạo. Mọi dự án ở Google đều được bắt đầu với một tầm nhìn kỹ thuật mới.

Ví dụ như Gmail được khởi xướng khi kỹ sư Google Paul Buchheit nhận ra rằng mạng Internet đã phát triển tới một mức độ mà anh ta có thể xây dựng một công cụ email trên trang web phong phú và phức tạp không khác gì nhiều chương trình phần mềm tải được khác. Và thiết kế sản phẩm nên phản ánh nhu cầu người dùng chứ không phải của công ty. "Bạn không bao giờ có thể dùng phương pháp kỹ nghệ đảo ngược để tách sơ đồ tổ chức công ty khỏi quy trình thiết kế sản phẩm", tác giả viết, trích dẫn một ví dụ kinh khủng đó là cái điều khiển ti vi.

Có một chương viết về quy trình tuyển dụng có một không hai của Google, tác giả nhấn mạnh rằng đây là công tác quan trọng nhất ở mọi doanh nghiệp. Các công ty phải săn lùng những "con vật biết học" uyên bác, có đam mê cá nhân là cống hiến và tự hào. Việc tuyển dụng và đề bạt tại Google mang tính đồng đẳng, được hội đồng nhân viên quyết định chứ không phải các quản lý tuyển dụng cá nhân.

Cuốn sách cũng có một lời khuyên khá hay về việc phỏng vấn ngắn gọn, đó là đi thẳng vào vấn đề và phải mang tính bộc lộ, cho dù đây không phải là lời giải thích trọn vẹn về việc công ty đã không còn dùng điểm SAT để làm căn cứ tuyển dụng nữa.

Còn lại thì toàn những thứ 'ai chẳng biết'

Những bài học còn lại trong cuốn sách quá ư tầm thường. Có một chương khuyên nhà quản lý nên mở đầu câu chuyện bằng cách đưa nhân viên đi xem phim, khai mạc cuộc họp bằng báo cáo công tác của đồng nghiệp. Các bài học khác thì gần như sáo rỗng hết, nào là "bạn phải tập trung vào cốt lõi doanh nghiệp", "bạn phải yêu quý nó". Ai chẳng biết!

Cuốn sách còn chi chít chú thích với những lời nói ngoài lề xa vời, ví dụ như "Buster chơi ở vị trí bắt bóng cho đội bóng chày San Francisco Giants". Nhiều bài học còn chẳng hề hấp dẫn. "Hãy tìm cho tôi một học giả Rhodes đồng thời là nhà vật lý thiên văn!" - Schmidt đã từng nói vậy trong một lần tìm người quản lý nhân sự. Chẳng hiểu việc đặt ra những tiêu chuẩn "trên giời" như vậy sẽ giúp một chủ doanh nghiệp nhỏ ở Cleveland tìm ra được lời khuyên trong cuốn sách này kiểu gì.

Tuy nhiên, cái đáng chê nhất của cuốn sách này là nó chỉ tô vẽ thực tế hoặc lờ đi không nói tới rất nhiều những điều đang gây tranh cãi thực sự diễn ra bên trong công ty này. Cả Schmidt lẫn Rosenberg  đều không còn phải gánh vác Google khi Lary Page lên nắm quyền vào năm 2011 và khẳng định sẽ đẩy nhanh tốc độ đổi mới. Họ có bị đẩy sang một bên? Họ đã phạm sai lầm và bây giờ hối hận? Trong cuốn sách không hề thấy nói đến điều đó.

Tỉ như khi bà Hillary Clinton viết cuốn hồi ký “Hard Choices" (Sự lựa chọn khó khăn) về những năm tháng làm việc trong Bộ Ngoại Giao, độc giả muốn tìm thấy một lời giải thích trung thực xoay quanh các tổ chức quan trọng nhất nước Mỹ, họ phản ứng gay gắt với những điệu bộ thận trọng về chính trị, nhất là khi mà họ đang phải bỏ tiền ra mua sách.

Gần cuối sách, nội dung đã nhanh chóng trở nên dàn trải, lỏng lẻo. Nhóm tác giả viết về tầm quan trọng của những người tự khởi nghiệp - những người đưa ra sáng kiến giải quyết vấn đề. Ví dụ kinh điển mà cuốn sách đưa ra chính là cựu phó chủ tịch cấp cao Vic Gundotra của công ty. Năm 2010, thấy Google đang bị Facebook qua mặt, anh đã nỗ lực triển khai mạng xã hội Google Plus. Nhưng các tác giả bỏ ngang câu chuyện bởi Google Plus không được đón nhận còn Gundotra thì rời bỏ công ty trong tháng 4.

Gundotra đã đưa ra những câu hỏi hóc búa nhất, bao gồm điều gì sẽ xảy ra với Google trong vài năm tới nếu mạng Internet bị bao phủ bởi các mối liên kết xã hội. Tài tháo vát của Gundotra thì đúng là rất đáng ngưỡng mộ, nhưng khen ngợi một người thất bại trong công việc vào phút cuối ư? Khó mà tin được Google lại hoạt động theo kiểu đó.

>> [Sách hay] The Power of Habit: Sức mạnh kỳ diệu của thói quen

Thùy An

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM