[Sách hay] Arsenal - Huyền thoại về khẩu thần công thành London

12/07/2013 16:00 PM |

Nhằm giúp quý vị độc giả có thể nắm bắt được nội dung cơ bản của cuốn sách, xin gửi đến 2 lời tựa của cuốn sách. Trong đó lời tựa đầu được viết cho lần xuất bản đầu tiên của cuốn sách, lời tựa thứ hai được viết cho lần tái bản cuốn sách năm 2011 của cuốn sách tại Anh.

Lời tựa

Năm 1996, năm Arsène Wenger có màn ra mắt đầu tiên, doanh thu của Arsenal là 21 triệu bảng. Năm 2007, cũng là mùa bóng thứ 11 của ông, con số đó đã vượt ngưỡng 200 triệu bảng. Dĩ nhiên, nền bóng đá đã trải qua nhiều thay đổi đáng kể trong thời kỳ chuyển giao.

Từ Giải Ngoại hạng, kênh truyền hình Sky, tiền bạc, nhịp độ trận đấu, thể chất cầu thủ, các siêu sao ngoại binh, tiền, các sân vận động, người hâm mộ, trang phục thi đấu, mua bán – sang nhượng, hoạt động quảng bá, thậm chí cả luật lệ rồi lại đến… tiền. Tuy nhiên, tại Arsenal mọi thứ còn xoay chuyển phức tạp hơn bất cứ đâu. Mọi thay đổi hầu hết chỉ là hệ quả từ tầm nhìn và triết lý của một cá nhân duy nhất. 

Cuốn Arsenal – Huyền thoại về khẩu thần công này sẽ thuật lại chi tiết quá trình biến đổi một ‘Arsenal nhàm chán, cực nhàm chán’ của ngày hôm qua trở thành một biểu tượng bóng đá, một siêu câu lạc bộ trong thời đại mới.

Hạt giống thành công đã được gieo cùng sự xuất hiện của David Dein trong phòng họp cấp cao năm 1983 và nhanh chóng được duy trì – những kỳ tích đáng kinh ngạc trên sân cỏ khi đó đã trở thành chất xúc tác cho những thay đổi sau này – và kéo dài đến hết nhiệm kỳ của ông vào năm 2007, ghi dấu bằng cả một quá trình phát triển vượt trội, cả về tầm cao lẫn tầm xa.

Mùa giải thứ hai trên sân vận động mới của thế kỷ XXI, đội bóng này đã có thể bắt kịp Manchester United cũng như phần còn lại của đấu trường châu Âu về tầm ảnh hưởng; đây cũng là mùa bóng ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng. Với một đội hình trẻ và chính sách tài khóa khắt khe, không ít người đã kỳ vọng Arsenal sẽ bùng nổ trong giai đoạn 2007-2008. Nhưng một lần nữa, Arsène Wenger đã thức tỉnh những kẻ ưa mơ mộng.

Công cuộc cải cách ở Arsenal vẫn có thể xem là một thắng lợi vẻ vang đáng biểu dương. Nhưng đồng thời, vẫn có một câu chuyện khác kể về những con người tận tụy cùng một nhân vật đặc biệt, những nhà tiên phong đã biến một học viện quý tộc thành một trong số ít các siêu câu lạc bộ đích thực trên thế giới.

Alex Fynn và Kevin Whitcher, Tháng 7 năm 2008

Lời tựa cho ấn bản năm 2011

Ngày 12 tháng Hai năm 2011, sau chiến thắng 2-0 trước Wolverhamton Wanderers, Alex Fynn đã xin phép ngắt lời Danny Fiszman, khi ông này đang có cuộc trò chuyện khá nghiêm túc với hai quý cô ngoài dãy phòng dành cho ban giám đốc Sân vận động Emirates. 

Với phong thái lịch lãm thường ngày, Fiszman đã bước lên chào hỏi trước, nhưng đã có người níu ông lại khi Fynn cũng tiến lên chạm má ông chúc mừng. Nhận thấy ông và người cùng đi đang chuẩn bị rời khỏi, Fynn quyết định rút lui.

Hai tháng sau – ngày 13 tháng Tư, Danny Fiszman đã qua đời sau khi bán 16,1% cổ phần cho người đồng sự – giám đốc Stan Kroenke, người cũng đã thâu tóm 15,9% cổ phần từ Lady Bracewell-Smith để nâng tổng số cổ phần sở hữu cá nhân lên 62%, và nghiễm nhiên trở thành ông chủ mới chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Arsenal.

Trong bài điếu văn thành kính gửi đến “người bạn thân thiết của chúng tôi”, chủ tịch Peter Hill-Wood đã ca ngợi Fiszman là người “nhìn xa trông rộng và góp công lớn đưa chúng ta đến sân vận động mới này.”

Nếu Arsène Wenger đã thành công khi xây dựng một đội hình toàn diện, thì Fiszman [cùng với đồng sự Ken Friar và người anh em Antony Spencer] đã mang lại một môi trường hoàn hảo nơi họ có thể thỏa sức phô diễn khả năng của mình, đồng thời để lại một di sản, một nền tảng vững chắc cho thế hệ tiếp nối.

Căn bệnh quái ác ập đến với Fiszman và sự ra đi của ông là một đòn nặng với Arsenal. Khi ra sân, họ luôn phải giữ vững hình ảnh một siêu câu lạc bộ; nhưng dẫu cho luôn kết thúc giải quốc nội trong top 4 để giành quyền vào chơi Champions League, thì những thất bại liên tiếp kể từ danh hiệu cuối cùng vào năm 2005 đã góp phần đẩy huấn luyện viên trưởng và đấu pháp của ông ngày càng lún sâu vào vòng xoáy chỉ trích cay độc của dư luận.

Giờ đây, những bước thay đổi đã thể hiện rõ. Nhà kiến thiết Wenger cùng các tiêu chuẩn xa vời của ông đã lâm vào bế tắc. Đường ra biển lớn đã mở, bỏ lại những câu hỏi không lời đáp theo dòng nước cuốn xa con tàu. Hiển nhiên sẽ có một chủ sở hữu mới, nhưng sẽ là kiểu sở hữu thế nào đây? Có thể đấu pháp mới cùng các nhu cầu kéo theo sự thay đổi sẽ được chấp thuận, nhưng rốt cuộc, liệu con báo đốm có thể thay đổi những đốm nâu trên lưng nó, và nó sẽ kiên nhẫn được đến bao lâu?

Được chỉnh sửa, mở rộng và cập nhật, bao gồm các phần mới về chính sách dành cho đội trẻ, về những điểm sáng trong lợi nhuận và sân vận động mới, Arsenal - Huyền thoại về khẩu thần công đã bổ sung thêm 5 chương, nhằm thuật lại trọn vẹn câu chuyện cho đến cuối mùa bóng 2010-2011. 

Chúng sẽ nhấn mạnh kết quả thi đấu, mức tăng trưởng kinh doanh và kết thúc với nhận xét sâu sắc về huấn luyện viên trưởng, về con người cũng như đấu pháp của ông. ‘Hãy phán xét tôi vào tháng Năm’ [khi mùa bóng kết thúc] đã trở thành điệp khúc của Arsène Wenger trong những năm gần đây – chúng tôi đã ghi lại chân thực từng lời nói và hành động của ông.

Alex Fynn & Kevin Whitcher, Tháng 7 năm 2011

Câu chuyện về một đội bóng, một doanh nghiệp, một con người

Trên thế giới, trong vài năm trở lại đây, ngôi vị giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh đang bị đe dọa bởi giải Tây Ban Nha và đặc biệt là Đức, nơi cũng có những trận đấu sôi nổi, quyết liệt và tốc độ cao như giải ngoại hạng Anh, và màu sắc, hình ảnh của đám đông cổ động viên thậm chí còn hấp dẫn hơn cả Premier League. Tuy vậy, điều đó gần như không ảnh hưởng đến quan niệm ở Việt Nam. 

Nơi đây, bóng đá Anh vẫn là số một không chỉ vì bản chất sôi động của nó mà còn vì nó là giải đấu bóng đá hàng đầu thế giới đầu tiên được phát sóng trực tiếp ở Việt Nam và diễn ra vào thời điểm dễ xem nhất. 

Trong những năm đầu tiên, có lẽ người Việt Nam xem bóng đá chỉ chia làm hai phe: phe Manchester United và phe Arsenal, và đây cũng là hai đội bóng huyền thoại của giải ngoại hạng Anh cho đến ngày nay.

Sau đây là một câu chuyện về Arsenal, chứa đựng cả những điều chưa từng kể hay đã bị lãng quên, một sợi chỉ xuyên suốt lịch sử đội bóng, đặc biệt người đọc sẽ thấy rõ những mâu thuẫn nội bộ bên trong cùng những bước ngoặt bên ngoài của giải bóng đá ngoại hạng Anh đã góp phần định hình nên một Arsenal ngày nay như thế nào.

Ngoài ra, cuốn sách còn là những ghi chép hết sức chân thực xoay quanh yếu tố cốt lõi của bất kỳ một tổ chức nào, đó là con người. Tỉ mỉ, chi tiết, tác giả đã đề cập đến mọi nhân vật xuất hiện và vai trò của họ trong lịch sử của đội bóng, từ các cổ động viên, ban lãnh đạo, hội đồng quản trị và cuối cùng là huấn luyện viên Arsene Wenger. 

Không biết tại sao tên ông lại được đặt gần giống tên câu lạc bộ nhưng dường như người đàn ông có biệt danh “Giáo sư” này (vì ông giống một giáo sư hơn một huấn luyện viên bóng đá) sinh ra là để dành cho Arsenal. 

Cũng như Sir Alex Ferguson của Manchester United, đối với Arsene Wenger, Arsenal là cuộc sống và cũng là công trình vĩ đại nhất đời ông. Trong cuốn sách này, độc giả sẽ thấy được vị trí độc tôn cũng như những triết lý bóng đá của Arsene Wenger được phản ánh trong những màn trình diễn, những chiến tích trên sân bóng, những cuộc đấu khẩu ngoài sân cỏ và những phi vụ chuyển nhượng đầy khôn ngoan như thế nào.

Arsenal không chỉ là một câu lạc bộ bóng đá mà còn là một doanh nghiệp rất thành công với triết lý huyền thoại “mua rẻ, bán đắt”. Cuốn sách cũng tràn đầy những bài học kinh doanh và tài chính xoay quanh các sự kiện như xây sân Emirates, thâu tóm câu lạc bộ, chuyển nhượng cầu thủ v.v... mà từ đó có thể áp dụng vào bất cứ doanh nghiệp nào. Qua đó, chúng ta sẽ thấy được Arsenal tuy trước đây phải chắt chiu từng đồng để trả nợ và xây sân vận động nhưng ngày nay không phải là không có tiền, vậy tại sao họ chỉ bán mà ít khi mua?

Mùa hè này sẽ là cột mốc với Arsenal. Những tin đồn Rooney rồi Higuain về Arsenal liệu có thành sự thực và liệu có đem lại thay đổi nào sau 8 năm trắng tay? Trong bối cảnh Manchester United ngày càng rực rỡ, Chelsea có sự trở lại của “Người đặc biệt” Mourinho, Manchester City và Tottenham mạnh lên trông thấy , cuộc chiến Big4 sẽ diễn ra như thế nào? Hãy đọc những trang sách này để có cảm nhận rõ hơn về điều đó.

Ngô Quang Tùng – Bình luận viên Bóng đá

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM