Rút hết tiền khỏi chứng khoán vì lạm phát, thế hệ thiên niên kỷ và Gen Z sẽ phải nuối tiếc?

23/09/2022 17:30 PM | Xã hội

Việc rút hết tiền trong tài khoản đầu tư có thể khiến mọi người phải nuối tiếc, đặc biệt là với thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z (Gen Z) ít kinh nghiệm.

Đây là một năm khó khăn với thị trường chứng khoán. Theo một khảo sát mới đây của công ty Ally Financial, một số người tiêu dùng đang đóng tài khoản đầu tư của họ vì mối lo lạm phát và bất ổn.

Khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lạm phát vẫn đang dao động quanh mức cao nhất trong 40 năm qua và chỉ số S&P 500 giảm gần 20% từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, gần 1/5 người tiêu dùng đang đóng tài khoản đầu tư, tài khoản giao dịch hoặc môi giới của họ trong vòng 12 tháng qua. Theo kết quả khảo sát do Ally thực hiện với 900 nhà đầu tư, phần lớn những người đóng tài khoản (21%) thuộc thế hệ thiên niên kỷ (người sinh trong khoảng 1981-1995) và Gen Z (người sinh trong khoảng cuối 1990-2010).

Báo cáo cho thấy gần 40% những người tham gia khảo sát bán một phần hoặc tất cả khoản đầu tư của họ vì lạm phát. 31% nhà đầu tư bán tài sản do lo sợ sẽ mất tiền giữa những biến động của thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư có thể sẽ nuối tiếc nếu “bán sạch”

Kyle Newell, nhà hoạch định tài chính được chứng nhận và là chủ sở hữu Newell Wealth Management, cho biết nếu không có đủ quỹ khẩn cấp, một số nhà đầu tư có thể bán tài sản để trang trải cho mức sinh hoạt phí leo thang.

Những người khác có thể hành động cảm tính do biến động của thị trường chứng khoán, đặc biệt là những nhà đầu tư trẻ tuổi với ít kinh nghiệm hơn.

Newell nói: “Tin tức đôi khi đáng sợ, vì vậy không có gì lạ khi mọi người lo lắng và bán sạch cổ phiếu”.

Nhưng việc rút hết tiền trong tài khoản đầu tư có thể khiến họ phải nuối tiếc.

Theo nghiên cứu mới đây của MagnifyMoney, nhiều người thuộc thế hệ thiên niên kỷ và Gen Z đầu tư trong năm qua đã phải hối hận. Theo khảo sát, khoảng 23% thế hệ thiên niên kỷ và 15% Gen Z từng ước rằng họ đầu tư nhiều hơn. Khoảng 15% trong mỗi nhóm này hối hận vì họ đã bán đi một khoản đầu tư.

Newell cho biết lạm phát cao, thị trường chứng khoán biến động và xung đột địa chính trị đều đã từng xảy ra trước đây. Ông nói rằng mọi người không nên để những yếu tố này ngăn cản hoạt động đầu tư của mình. Nếu bán ra khi thị trường đi xuống thì bạn sẽ mãi thua lỗ và không thể theo đuổi mục tiêu tài chính dài hạn.

Đầu tư là công cụ

Sean Michael Pearson, nhà hoạch định tài chính được chứng nhận và là Phó chủ tịch của Ameriprise Financial tại Pennsylvania, giải thích rằng quyết định đầu tư vào tài khoản môi giới có thể phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi người.

Ông nói: “Đầu tư là công cụ. Chúng hoạt động tốt nhất khi bạn quyết định những gì bạn cần làm và sau đó đi mua các công cụ”.

Pearson nói thêm rằng nếu bạn đã tiết kiệm và đầu tư để theo đuổi mục tiêu, việc bán tài sản trong tài khoản môi giới không hẳn là điều xấu. Một khi bạn sẵn sàng để tài trợ cho mục tiêu đó thì bạn nên bán.

Ngoài ra, nếu bạn đã quyết định một khoản đầu tư cụ thể không phù hợp với mục tiêu của mình, việc bán ra cũng hợp lý. Sau đó, bạn có thể tìm các tài sản khác để phù hợp với nhu cầu của mình hơn.

Theo CNBC

Theo Thiên Di

Cùng chuyên mục
XEM