Richard Branson và Virgin Orbit: Từ cuộc đua phóng vệ tinh với Elon Musk, Jeff Bezos thành 'cục nợ' sắp phá sản, vốn hóa bay 54 lần, đuổi việc gần hết nhân viên

02/04/2023 12:13 PM | Kinh doanh

Từ tổng giá trị gần 4 tỷ USD, Virgin Orbit hiện chỉ còn 74 triệu USD vốn hóa thị trường.

Richard Branson và Virgin Orbit: Từ cuộc đua phóng vệ tinh với Elon Musk, Jeff Bezos thành 'cục nợ' sắp phá sản, vốn hóa bay 54 lần, đuổi việc gần hết nhân viên - Ảnh 1.

Vào năm 2021, cả thế giới phải chú ý đến tỷ phú Richard Branson, nhà sáng lập hãng hàng không nổi tiếng Virgin Blue khi ông thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ bằng con tàu tên lửa có cánh của riêng mình, đưa ngành du lịch vũ trụ tiến gần hơn với thực tế.

Cùng năm đó, Virgin Orbit của Richard Branson lên sàn chứng khoán thành công với tổng giá trị gần 4 tỷ USD. Công ty này được kỳ vọng là sẽ cạnh tranh trong mảng phóng vệ tinh lên vũ trụ cùng với đế chế nhà Elon Musk hay Jeff Bezos.

Hai năm sau, dự án này của tỷ phú Branson từ cục cưng hóa cục nợ khi gần bên bờ phá sản và tổng mức vốn hóa thị trường chỉ còn 74 triệu USD, tương đương mức mất giá 54 lần kể từ khi lên sàn.

Richard Branson và Virgin Orbit: Từ cuộc đua phóng vệ tinh với Elon Musk, Jeff Bezos thành 'cục nợ' sắp phá sản, vốn hóa bay 54 lần, đuổi việc gần hết nhân viên - Ảnh 2.

Ngày 30/3/2023, phía Virgin Orbit tuyên bố sa thải 85% nhân viên, tương đương 675 người và chỉ giữ lại 100 lao động, đồng thời tạm dừng các hoạt động kinh doanh.

“Chúng tôi không còn biện pháp nào khác ngoài việc thực hiện những thay đổi lập tức một cách mạnh mẽ và đau xót”, CEO Dan Hart của Virgin Orbit thừa nhận.

Thậm chí nhà sáng lập Richard Branson, cổ đông lớn nhất của Virgin Orbit cũng chẳng muốn đổ thêm tiền để cứu dự án này nữa. Hãng tin CNBC cho biết vị tỷ phú này hiện chỉ đang cố gắng phòng ngừa rủi ro khi chiếm quyền ưu tiên hưởng lợi thanh lý tài sản nếu Orbit phá sản.

Vậy tại sao từ một dự án cục cưng của Branson trong cuộc đua vũ trụ với Elon Musk và Jeff Bezos, Virgin Orbit lại đến bên bờ vực phá sản?

Cách mạng cần có tiền

Theo hãng tin CNBC, những dự án công nghệ mang tính đột phá có sức thu hút rất lớn với các nhà đầu tư, thế nhưng chưa chắc chúng đã đem lại lợi nhuận.

Hãng Virgin Orbit được Richard Branson sáng lập vào năm 2017, là doanh nghiệp anh em với hãng hàng không Virgin Galactic đã đưa vị tỷ phú này lên không gian năm 2021. Nhiệm vụ của Orbit chủ yếu nhắm đến mảng kinh doanh phóng vệ tinh cỡ nhỏ.

Richard Branson và Virgin Orbit: Từ cuộc đua phóng vệ tinh với Elon Musk, Jeff Bezos thành 'cục nợ' sắp phá sản, vốn hóa bay 54 lần, đuổi việc gần hết nhân viên - Ảnh 3.

Tuy nhiên dù đã phóng thành công nhiều dự án nhưng lại không thể đạt mức phòng đủ để bù các chi phí trong bối cảnh vật giá lên cao.

Hãng tin CNBC nhận định mảng kỹ thuật của Virgin Orbit không có vấn đề gì nhưng chính sự quản lý tài chính yếu kém của các nhà lãnh đạo đã khiến startup tiền năng này đi đến tình cảnh bết bát như hiện nay.

Hiện Virgin Orbit là một trong số ít những công ty tư nhân phóng thành công tên lửa với mục đích đưa vệ tinh lên vũ trụ. Kể từ năm 2020 đến nay, hãng đã phóng thành công 4 lượt và thất bại 2 lần.

Với những bước tiến như vậy, đáng lẽ Orbit có thể trở thành một doanh nghiệp tiên phong trong ngành vũ trụ. Thế nhưng tại thời điểm cuối năm 2021, Orbit đã lỗ đến 821 triệu USD vì những đợt phóng thử nghiệm thất bại cùng chi phí vận hành dần tăng cao.

Không chịu từ bỏ, công ty dự kiến đốt 50 triệu USD mỗi quý và đạt lợi nhuận với khoảng 7 lượt phóng thành công trong năm 2022, thế nhưng cuối cùng hãng chỉ phóng thành công 2 lượt.

Nguồn tin của CNBC tiết lộ các lãnh đạo Orbit không có sự chặt chẽ trong quản lý tài chính. Ví dụ công ty mua nhiều nguyên vật liệu đắt tiền để chế tạo hàng tá tên lửa, nhưng cuối cùng lại chỉ xây dựng thành công 2 chiếc, qua đó bỏ phí hàng triệu USD nguyên liệu thô.

Thế rồi sự thiếu phối hợp giữa các bộ phận, không thống nhất về chi tiêu dẫn đến gián đoạn trong kế hoạch phóng tên lửa.

Những nhân viên trong công ty cho biết sau khi dừng hoạt động, các cấp quản lý của Orbit đang hối hả chạy vạy khắp nơi để kiếm đủ tiền duy trì cho doanh nghiệp này tồn tại càng lâu càng tốt. Trong khi đó, nhiều lao động đã tính đến việc tìm cơ hội sự nghiệp khác.

Hãng tin CNBC cho biết Virgin Orbit hiện có tổng tài sản hữu hình vào khoảng 270 triệu USD.

*Nguồn: CNBC, Fortune, Washington Post

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM