Reuters: Người tiêu dùng Trung Quốc trở lại mua sắm khi dịch Covid-19 đã qua đỉnh
Thậm chí một số quan chức địa phương đã yêu cầu công chức làm gương, đến chi tiêu ăn uống mua sắm, đồng thời kêu gọi mọi người học tập để thúc đẩy thị trường tiêu dùng. Nhiều tỉnh đã phát phiếu mua sắm cho người dân để thúc đẩy mọi người chi tiêu cho thực phẩm, sách vở...
Trong khi hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa khắp Châu Âu và Mỹ, người tiêu dùng Trung Quốc lại đang dần quay trở lại các nhà hàng, quán ăn do dịch Covid-19 dần được khống chế.
Việc chính quyền Bắc Kinh nới lỏng lệnh cách ly khi số người nhiễm mới giảm mạnh đã kích thích mọi người quay trở lại tiêu dùng sau nhiều ngày bị kìm kẹp trong nhà. Nhiều nhà hàng bị buộc phải đóng cửa thì nay đã được cho phép hoạt động trở lại một phần. Trong khi đó, phần lớn các cửa hiệu đã được mở trở lại, tuy nhiên nhiều thương hiệu lớn như IKEA hay Apple vẫn bị hạn chế ở các khu đông đúc.
Cô Chen Jiayi, một sinh viên 21 tuổi tại Thượng Hải cho biết đã thở phào nhẹ nhõm khi được dỡ bỏ cách ly để đi mua sắm.
"Có khá nhiều đám đông ở trung tâm thành phố, một khung cảnh khác hoàn toàn so với sự vắng lặng của cuối tháng 2/2020. Thậm chí tôi còn thấy mọi người xếp hàng chờ trước cửa hàng trà sữa và bánh ngọt", cô Chen nói.
Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 80.000 người Trung Quốc nhiễm bệnh và khiến hơn 3.200 người tử vong. Căn bệnh này cũng khiến hàng trăm triệu người dân bị mắc kẹt trong nhà từ cuối tháng 1/2020 do lệnh cách ly. Doanh số bán lẻ của nền kinh tế thứ 2 thế giới đã giảm 1/5 trong 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước đó.
May mắn thay, số ca nhiễm mới tại đây đã giảm mạnh. Từ ngày 6/3/2020, số người nhiễm mới mỗi ngày tại Trung Quốc đã giảm xuống dưới 100 và liên tục đi xuống, cho thấy chính sách cách ly hiệu quả của chính phủ.
Ngay lập tức, mục tiêu đưa người tiêu dùng trở lại thói quen mua sắm trở thành mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách khi rất nhiều hộ gia đình có thu nhập phụ thuộc vào ngành bán kẻ, dịch vụ, ăn uống...
Hiện nay, ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế lớn mở cửa trở lại tại Trung Quốc. Tại Thượng Hải, hàng trăm người đã xếp hàng trước 2 chi nhánh lớn của Apple trong những ngày cuối tuần. Hãng IKEA cũng mở 3 cơ sở mới tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 8/3/2020 và hiện đang có khá đông lượng khách hàng đến xem. Tất nhiên điều này cũng khiến hàng dài người phải xếp hàng trước quy định mỗi thang máy chỉ được phép chở 4 người.
Giới truyền thông cũng đưa tin nhiều quán xá cũng đã mở cửa trở lại. Một số nhà hàng nổi tiếng tại thành phố Chongqing đã không còn trống bàn khi mở cửa trở lại, thậm chí thời gian đợi bàn kéo dài đến 6-8 tiếng do qua đông.
Yêu cầu quan chức chi tiêu làm gương
Tất nhiên, rủi ro Covid-19 vẫn còn và lượng khách hàng vẫn chưa thể bùng nổ như thời cao điểm, nhiều cửa hàng vẫn phải đóng cửa do chưa hết lệnh cách ly.
Hiện khá nhiều người Trung Quốc vẫn còn lo lắng về rủi ro bùng nổ đợt dịch thứ 2 khi ngày càng nhiều lao động quay lại sản xuất, đi kèm với đó là nỗi lo thất nghiệp, cắt giảm lương, kinh tế suy thoái và phải tiết kiệm.
Nhằm kích thích tiêu dùng, một số ngành kinh doanh đã thực hiện giảm giá, khuyến mãi hay tặng quà cho khách hàng khi mở cửa trở lại. Chuỗi nhà hàng Haidilao đã tặng khách túi súp và đồ ăn vặt miễn phí cho thực khách đến dùng bữa tại quán khi mở cửa trở lại.
Thậm chí một số quan chức địa phương đã yêu cầu công chức làm gương, đến chi tiêu ăn uống mua sắm, đồng thời kêu gọi mọi người học tập để thúc đẩy thị trường tiêu dùng. Nhiều tỉnh đã phát phiếu mua sắm cho người dân để thúc đẩy mọi người chi tiêu cho thực phẩm, sách vở...
Một số dự đoán cho rằng thị trường tiêu dùng Trung Quốc sẽ hồi phục nhanh chóng tương tự đại dịch Sars năm 2003. Chi tiêu cho ăn uống và mỹ phẩm tại nước này đã nhanh chóng tăng mạnh sau khi dịch Sars được kiềm chế, trong khi nhu cầu mua sắm quần áo thậm chí còn tăng vượt mức so với thời kỳ trước dịch.
Tuy vậy, khi nào thị trường tiêu dùng Trung Quốc hồi phục được hoàn toàn vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
"Tâm lý người tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ lo sợ trở về bình thường", Chuyên gia Derek Deng của hãng tư vấn Bain & Company nhận định.
Bên cạnh đó, thời gian Covid-19 kéo dài bao lâu cùng những ảnh hưởng từ thị trường thương mại điện tử cũng tác động đến mảng tiêu dùng truyền thống.
Cô Emma Wang, một nhà sản xuất phim tại Bắc Kinh cho biết mình hay dắt chó đi dạo nhưng chẳng có nhu cầu mua sắm trực tiếp trong bối cảnh đại dịch rối ren hiện nay. Mọi thứ cô cần có thể được đặt hàng trực tuyến và giao tới tận nhà.