Rất nhiều người Việt đang trẻ khoẻ đã hỏng hai quả thận, hối hận vì thói quen ngại đi khám

21/11/2019 20:14 PM | Sống

Hiện nay, người Việt đang phải chịu hậu quả của lối sống và cách ăn uống thiếu khoa học dẫn tới các bệnh chuyển hoá trong đó có bệnh suy thận.

Thói quen ngại đi khám bệnh khiến nhiều người hối hận

Anh N.P.N (32 tuổi tại Quốc Oai, Hà Nội) vẫn đang đi làm công nhân tại một công ty gần nhà và thấy sức khỏe rất bình thường. Thời gian gần đây, khi đi làm anh N thường cảm thấy đau đầu, ăn uống đầy bụng và buồn nôn.

Thay vì đi khám anh N đã mua thuốc tự điều trị tại nhà, tuy nhiên triệu chứng ngày càng nặng hơn và xuất hiện phù chân. Anh N cho rằng, chức năng gan kém do gần đây uống quá nhiều bia rượu nên đã uống thuốc mát gan nhưng không đỡ. Khi các triệu chứng đau đầu, chán ăn xuất hiện thường xuyên hơn anh N mới quyết định đi khám.

Kết quả khám chức năng gan anh N bình thường, nhưng thận đã bị suy giai đoạn cuối. Các sĩ khuyên anh thu xếp công việc và tới bệnh viện chạy lọc máu chu kỳ sớm không sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Anh N cho biết thêm, từ trước đến nay anh không có thói quen đi khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chính vì thói quen này đã khiến cho anh N phải lọc máu chu kỳ do hỏng thận khi tuổi còn quá trẻ. Giờ anh N chỉ còn biết tự trách bản thân, giá như anh biết trân trọng sức khỏe đi khám định kỳ thì không phải ôm máy chạy thận quá sớm.

 Rất nhiều người Việt đang trẻ khoẻ đã hỏng hai quả thận, hối hận vì thói quen ngại đi khám - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ đã phải chạy thận do chủ quan.

Theo các chuyên gia suy thận ở giai đoạn đầu hoàn toàn có thể phát hiện được và có thể kiểm soát làm chậm lại quá trình tiến triển thành suy thận mãn. Trên thế giới rất nhiều bệnh nhân suy thận họ vẫn kiểm soát được cho tới lúc cuối đời mà không phải lọc thận.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì khác. Theo Ths.BS Nguyễn Đăng Quốc, Phó Trưởng khoa Thận Tiết niệu, Trưởng đơn vị đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn, đa phần các trường hợp suy thận tới khám và phát hiện đều ở giai đoạn cuối.

Các trường hợp suy thận mãn tính đang điều trị tại đơn vị phần lớn là đối tượng trung niên chịu hậu quả của bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.

Nguyên nhân các bệnh nhân trẻ phải tiến hành lọc thận sớm đều là do chủ quan không đi khám sức khỏe định kỳ. Theo bác sĩ Quốc các bệnh nhân thường chỉ tới khám khi có biểu hiện đau đầu hoặc tăng huyết áp. Khi bác sĩ chỉ định xét nghiệm thêm chức năng thận thì suy thận đã ở giai đoạn cuối.

Người trẻ bị hỏng thận sớm do cách ăn uống

Trước kia, những trường hợp bệnh nhân hỏng thận khi còn trẻ tuổi đều có liên quan tới các bệnh nhiễm trùng, viêm cầu thận. Còn hiện nay, người trẻ bị hỏng thận sớm do ăn uống không kiêng khem.

"Ví dụ, hiện nay một số người còn rất trẻ nhưng thường xuyên bia rượu nhiều. Kết hợp với ăn quá nhiều thức ăn giàu đạm, hạn chế vận động gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid (mỡ máu).

Khi người trẻ có rối loạn chuyển hóa mỡ máu sẽ gây ra tổn thương thành mạch máu do hình thành các mảng xơ vữa khiến cho huyết áp tăng lên và tổn thương cầu thận. Những tổn thương thận cơ năng kéo dài sẽ gây ra tổn thương thực thể và gây ra suy thận mãn", bác sĩ Quốc nói.

Bác sĩ Quốc cũng cảnh báo một số người dân có thói quen dùng thuốc giảm đau kéo dài để điều trị bệnh khớp kéo dài không theo chỉ định sẽ rất nguy hiểm. Các loại thuốc giảm đau này khi dùng kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ suy thận, suy gan.

Còn theo Ths.BS Nguyễn Đình Phú, Phó Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lối sống ăn uống dư thừa chất khiến cho chúng ta đang phải chịu hậu quả của bệnh thận sớm hơn. Việc ăn uống quá nhiều chất đạm, dầu mỡ, ít rau xanh tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, hậu quả là hỏng thận.

Hiện nay, người Việt Nam cũng đang chịu hậu quả của bệnh tăng huyết áp do chế độ ăn mặn dẫn đến biến chứng suy thận.

Để phát hiện suy thận sớm người dân lưu ý dù đang khỏe mạnh cũng nên đi khám sức khỏe và chức năng thận 6 tháng/lần. Việc khám sức khỏe định kỳ sẽ phát hiện ra suy thận sớm khi chưa có triệu chứng để điều trị bảo tồn tốt hơn.

Đối với những bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, khám chức năng thận định kỳ.

Phòng bệnh thận bằng chế độ ăn cân đối các chất dinh dưỡng và ăn nhạt, hạn chế lối sống thụ động, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM