Rất nhiều người trong chúng ta không sống với giấc mơ vì còn mải sống trong sợ hãi

25/06/2017 08:28 AM | Sống

Không có gì đe doạ sự tồn tại của chúng ta hơn là nỗi sợ. Tất cả mọi người đều phải sống chung với nó bằng cách này hay cách khác, điều quan trọng là phải làm gì để nó không ảnh hưởng đến cuộc sống và thái độ của chúng ta.

Khi còn bé, tôi muốn được làm cô giáo. Tầm tuổi đó thì đứa nào cũng mơ như vậy.

Lớn lên chút nữa, tôi thích trở thành nhà thiết kế thời trang. Vì mẹ tôi có một tiệm may luôn đông khách.

Cuối cấp 3 tôi định thi vào một trường kinh tế vì tôi phải lòng với kinh doanh. Những người hàng xóm quanh nhà tôi chỉ buôn bán tạp hoá nhỏ lẻ mà cũng rất giàu.

Học xong đại học tôi nghĩ mình sẽ nghỉ ngơi một năm để đi đây đi đó mở mang tầm mắt. Những đoạn clip, những bức ảnh về một vùng đất xa xôi khiến tôi mơ mộng.

Nhưng bạn thử đoán xem, tôi đã làm được điều gì trong bốn ước mơ trên kia?

Tôi học chuyên ngành Văn học nhưng không phải để làm cô giáo.

Tôi không nhạy cảm với thời trang nên không thể làm nhà thiết kế.

Tôi không thể kinh doanh vì tôi không có kiến thức nền, và chẳng ai trong đình ủng hộ.

Tôi cũng chưa đi đến đâu vì tốt nghiệp đại học là tôi đi làm luôn.

Tất cả những ước mơ của tôi chỉ mang tính chất "Ừ thì ra mình cũng có cái để mơ mộng như tất cả mọi người" chứ không phải để tôi thực hiện chúng. Les Brwon - nhà diễn thuyết nổi tiếng toàn nước Mỹ đã nói "" và tôi đành phải thẳng thắn thừa nhận, tôi chính là một trong số "rất nhiều" kia.

Ngay cả bây giờ bạn nói bạn chẳng mơ ước gì hết, thì tôi vẫn dám khẳng định rằng bạn đã từng là một kẻ mơ mộng chẳng thua kém ai. Làm sao chúng ta có thể sống mà không có ước mơ cơ chứ? Nhưng tại sao càng ngày ước mơ của chúng ta càng bé lại như vậy, rồi biến mất lúc nào không hay?

Tôi sợ mình không phải là một giáo viên tốt, sẽ chẳng đào tạo được ai. Thế là tôi thôi ước mơ đi theo ngành sư phạm.

Tôi sợ mình sẽ bị mọi người chê cười vì khiếu thẩm mỹ không giống người khác. Thế là tôi thôi ước mơ làm nhà thiết kế.

Tôi sợ mình không có duyên buôn bán, lỗ mất cả đống tiền. Thế là tôi thôi ước mơ kinh doanh.

Tôi sợ mình nếu cứ theo đuổi ước mơ du lịch trải nghiệm thì tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội giành được công việc mà nhiều người ao ước. Thế là tôi cứ ở nhà.

Dần dà tôi sợ đủ mọi thứ, và tôi chẳng ước mơ gì nữa.

Nỗi sợ đã chi phối cuộc đời tôi. Và cả các bạn nữa.

Thế hệ chúng ta có quá nhiều vấn đề phải đối mặt: chúng ta phải lựa chọn trường học, nghề nghiệp, nơi ở, đồng nghiệp… Đối với một số người còn phải xác định đánh đổi những ưu tiên cuộc sống, giữa tiền bạc và đam mê, giữa miếng cơm và cảm hứng. Chúng ta phải lập kế hoạch trang trải nợ nần, bắt đầu một gia đình mới, hoặc khởi động một công việc kinh doanh, mua nhà ở…

Đã bao giờ bạn mơ một giấc mơ mà bạn đứng ở bên này chiến tuyến, 7 tỷ người còn lại đứng ở bờ bên kia. Họ đáp những hòn đá mang tên "giỏi", "thành công", "xuất sắc", "hoàn hảo" sang phía bạn. Lúc đầu bạn còn cố gắng chống đỡ nhưng dần dần bạn thấy mình cứ chìm dần, chìm dần vào giữa những hòn đá áp lực đó. Cũng từ đấy, nỗi sợ hãi bắt đầu nổi lên. Ai cũng lo lắng mọi việc mình làm không được như kỳ vọng của gia đình và xã hội. Sợ rằng mình sẽ khiến những người tin tưởng phải thất vọng. Đôi khi, nỗi sợ người khác thất vọng về chúng ta còn lớn cả nỗi sợ về việc chúng ta sắp làm.

Tóm lại là những mối lo gom trong mấy chữ "cơm áo gạo tiền". Nỗi lo ấy nói chung là khi bạn chưa thể nuôi sống chính bản thân mình thì theo đuổi ước mơ sẽ luôn là một nhu cầu xa xỉ.

Không có gì đe doạ sự tồn tại của chúng ta hơn là nỗi sợ. Tất cả chúng ta đều phải sống chung với nó bằng cách này hay cách khác, điều quan trọng là chúng ta phải làm gì để nó không ảnh hưởng đến cuộc sống và thái độ của chúng ta. Ngay cả khi tôi trích dẫn lại câu nói nổi tiếng của Les Brown, và ai cũng lập tức hiểu rằng chúng ta nên ngừng ngay việc sợ hãi lại để bắt đầu sống vì những ước mơ, thì tôi biết chúng ta vẫn đang sợ hãi. Nói thì luôn dễ hơn làm mà, phải không?

Thế nhưng, mọi quy tắc được sinh ra là để phá vỡ, cũng như mọi nỗi sợ tồn tại là để vượt qua. Chẳng lẽ bạn định sống cả đời với những sợ hãi đó mà quên đi rằng mình vẫn còn ước mơ hay sao?

Có một tin tốt dành cho chúng ta, đấy là bạn và tôi không nhất thiết phải thay đổi mọi khía cạnh tiêu cực của cuộc sống để chống lại nỗi sợ hãi. Hãy bắt đầu từ những việc chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát.

Thói quen đặc biệt của bạn vào buổi sáng là gì?

Bữa ăn sáng có món gì mà bạn yêu thích không?

Trên đường đi làm bạn đã nghe bài hát thú vị như thế nào?

Buổi tối của bạn sẽ trôi qua ra sao?

Cuộc sống của chúng ta chỉ đơn giản là một chuỗi các khoảnh khắc như vậy. Điều đó cũng giống như việc bạn mắc kẹt trong nỗi sợ hãi thì mọi khoảnh khắc trong cuộc đời bạn đều bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ. Mở mắt ra đã bị những nỗi sợ bủa vây, lơ lửng trước mặt "Hôm nay sẽ thế nào đây? Đi làm có kẹt xe không? Sếp có trách mắng không? Phải làm gì để ký được hợp đồng đó? Mặc cái áo này có xấu quá không? Liệu có ai nhận xét đôi giày mới mua không?"...

Bạn không có khoảng trống nào để suy nghĩ và hành động, để tạo ra cuộc sống mà bạn thực sự muốn. Khi bạn bắt đầu tạo ra nhiều khoảnh khắc hơn, là khi đó bạn đã có một nền tảng để thực hiện mọi thay đổi mà bạn muốn.

Chẳng hạn như mỗi đêm Giao thừa chúng ta hay có thói quen liệt kê những việc mình cần làm và muốn làm trong năm mới. "Mình sẽ phải hoàn thành nó trước tháng 4", "Việc này sẽ xong sớm thôi"... thì bạn chỉ nên nghĩ đến việc làm sao để tạo ra được những khoảnh khắc trong suốt quá trình thực hiện mục tiêu, mà bạn có thể dựa vào đó để kiểm soát được nỗi sợ hãi của bản thân. Cố gắng gạt đi những suy nghĩ tiêu cực, bắt đầu từ những thứ bạn thấy hứng thú nhất. Chìa khoá ở đây là đừng lo thất bại sẽ dẫn bạn đi đến đâu, mà hãy nghĩ thành công sẽ đem tới những gì cho bạn. Khi việc đó đem lại kết quả tốt, nó sẽ là động lực thúc đẩy bạn thực hiện những giấc mơ tiếp theo.

Chúng ta sẽ không lựa chọn giữa "sống với giấc mơ" hay "sống trong sợ hãi" mà chúng ta học cách để tiêu diệt nỗi sợ, vượt qua nó và dành lấy giấc mơ. Cha đẻ của câu trích dẫn này - Les Brown đã từng có một quá khứ bị đánh giá thấp khi còn đi học, thậm chí ông phải quay lại học lớp 4 dù lúc đó đã lên lớp 5. Nhưng sau tất cả thì sao, cuối cùng Brown vẫn trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếng toàn nước Mỹ. Ông vẫn miệt mài truyền biết bao cảm hứng sống hết mình, sống vì tài năng đến với rất nhiều người.

Nếu như ngày còn là một cậu bé, Brown để cho nỗi sợ kiểm soát mình, thay vì cố gắng phát triển bản thân và học tập thật chăm chỉ thì liệu có nhà diễn thuyết Brown ngày hôm nay không?

Mọi người chỉ trích bạn sống thật nhàm chán nhưng không ai biết nỗi sợ bạn phải đối mặt. Mọi người vẫn nói bạn hãy sống hết mình cho ước mơ, nhưng lại chẳng có mấy người chỉ cho bạn biết phải làm sao để vượt qua những sợ hãi. Vậy nên, đừng ngại thẳng thắn đối diện với nó để biết những gì mình còn thiếu sót, tạo ra những khoảnh khắc tích cực để nhấn chìm nó, cuối cùng bạn sẽ được sống với giấc mơ.

Thế giới càng ngày càng phẳng, công dân toàn cầu trong đó thế hệ Y chiếm đại đa số đang sống với tinh thần YOLO đừng để cho nỗi sợ ghìm hãm những giấc mơ của mình. Chúng ta chỉ sống có một lần, sai thì sửa, ngã xuống thì lại đứng lên, thất bại không phải là lý do để chúng ta chùn bước. Nhớ lại ước mơ của bạn và bắt đầu thực hiện chúng thôi!

Theo Ngọc Vũ

Cùng chuyên mục
XEM