Rajio Taiso - Bài thể dục Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mời hàng trăm vị khách tập giữa cuộc họp có gì đặc biệt?

21/02/2019 10:15 AM | Sống

Giữa buổi họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã mời các vị khách đứng dậy tập một bài thể dục nổi tiếng của Nhật Bản với những động tác đơn giản.

Sáng 20/2, tại buổi khai mạc “Những ngày phim y tế Việt Nam”, video quay lại Bộ trưởng Bộ Y tế cùng hàng trăm vị khách đã đứng dậy tập một thể dục đơn giản trong giờ giải lao đã khiến cho CĐM cảm thấy thích thú. Bài tập này có tên là Rajio Taiso xuất xứ ở Nhật và có tuổi đời hơn 90 năm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tập thể dục giữa giờ làm việc giúp thay đổi tư thế, đỡ mệt mỏi và tăng năng suất lao động cũng như cải thiện sức khỏe. Bà từng chia sẻ rằng bà "thấy rất thích" khi tập.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhiều người do tính chất công việc phải ngồi nhiều, ít vận động thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như đau người, mỏi mắt... Bên cạnh đó là việc hút thuốc, uống rượu bia nhiều làm gia tăng gánh nặng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư…

Đây không phải là lần đầu có hoạt động này. Từ đầu năm 2019, tại bất cứ một cuộc họp nào có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế tại các phòng họp cơ quan Bộ, các đại biểu, cán bộ tham dự họp đều được yêu cầu tập thể dục giữa giờ hoặc cuối giờ.

Bộ Y tế là cơ quan công sở đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu tiến hành tập thể dục tập thể giữa giờ họp. Bài thể dục kéo dài khoảng 3 phút, theo hướng dẫn.

Theo Japan Times, Rajio Taiso ra đời năm 1928, lấy ý tưởng từ quảng cáo của hãng bảo hiểm nhân thọ Metropolitan Life Insurance Co. (Mỹ). Thời điểm đó, người Nhật trung bình chỉ sống đến tuổi 40. Rất nhiều người tử vong vì lao và các bệnh truyền nhiễm khiến việc kinh doanh bảo hiểm vô cùng bất ổn. Để tìm cách cải thiện sức khỏe quốc gia, hai nhân viên công ty bảo hiểm Kampo đã tới Mỹ tham quan rồi mang về ý tưởng một bài thể dục bất cứ ai cũng tập được.

Từ khi ra đời đến nay, Rajio Taiso được đài quốc gia NHK phát sóng trong khung giờ từ 6h30-6h40 hoặc từ khung giờ 8h40 đến 8h50 hàng ngày để người dân có thể lựa chọn và sắp xếp thời gian tập theo nhạc. Bài tập này phổ biến từ trong nhà tới trường học, từ trẻ em đến người già, trên đường phố hay công viên, người dân Nhật vẫn hăng say tập luyện.

Rajio Taiso gồm 2 phần, mỗi phần gồm 13 động tác, chủ yếu là vận động đơn giản như những bài tập thể dục nhịp điệu, vươn vai, cử động tay chân và các bộ phận khác trên cơ thể. Tác dụng của bài tập thể dục này là giúp cơ thể nâng cao khả năng vận hành của mạch máu, tăng tuần hoàn máu, cải thiện sự linh hoạt của các bộ phận trên cơ thể.

Bài tập Rajio Taiso ở Nhật.

Ngày 27/2 sắp tới, Bộ Y tế sẽ phát động một chương trình có tên Sức khỏe Việt Nam, nhằm kêu gọi người dân tích cực tập luyện thể dục thể thao và giữ gìn sức khỏe.

P.V (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM