Rải tiền khắp nơi không ngừng nghỉ, Shark Hưng vừa cùng một nhóm nhà đầu tư đổ 12 triệu USD vào nhà máy phụ kiện cửa nhôm kính SADO

13/12/2019 09:09 AM | Kinh doanh

SADO là một cái tên nổi bật trong thị trường nhôm kính cao cấp B2B khi là đối tác lâu năm của Vinhomes, Đại Quang Minh, Sun Group… Nhưng giờ họ không muốn chỉ bán sỉ mà còn muốn bán lẻ, không chỉ muốn bán nhôm kính mà còn muốn bán thêm phụ kiện trong ngành này.

Mặc dù đã hoạt động tại thị trường Việt Nam được khoảng 9 năm, nhưng rất ít người biết đến cái tên SADO Germany Window hay SADO Group. Nguyên do không phải bởi sản phẩm họ quá tệ hay công ty quá nhỏ, mà bởi họ chủ yếu hoạt động trong mảng B2B.

"Chúng tôi đang là doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực nhôm kính cao cấp B2B" là lời khẳng định  của ông Nguyễn Công Chính - Tổng giám đốc SADO Germany Window.

Tự tin như vậy là bởi Sado là đơn vị thi công nhôm kính của nhiều công trình quy mô như: khách sạn Novotel - Phú Quốc, Hoa Dã Quỳ (Quảng Trường Đà Lạt), khu nghỉ dưỡng Premier - Phú Quốc, khu biệt thự 6 sao của Sun Group - Phú Quốc (Premier Village, Sebel Bãi Khem, ga đi Hòn Thơm), Vinhomes Central Park (tòa C2), khu phức hợp IIA khu đô thị Sala Đại Quang Minh, nhà ga T2 - sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Cam Ranh, sân bay quốc tế Vân Đồn…

Rải tiền khắp nơi không ngừng nghỉ, Shark Hưng vừa cùng một nhóm nhà đầu tư đổ 12 triệu USD vào nhà máy phụ kiện cửa nhôm kính SADO - Ảnh 1.

Một vài công trình tiêu biểu mà SADO đã thi công.

Để được các ông lớn trong ngành bất động sản như Vinhomes, Đại Quang Minh hay Sun Group tin dùng, SADO đã đầu tư bài bản 2.000 tỷ đồng để xây dựng 2 nhà máy nhôm và kính tại Đồng Nai từ năm 2010.

Toàn bộ các sản phẩm của SADO được gia công sản xuất trên dây chuyền máy móc thiết bị được nhập từ Đức và các nước châu Âu. Hầu hết các bước sản xuất ở đây đều được tự động hóa, thông qua hệ thống phần mềm quản lý nhà máy chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ 4.0 theo tiêu chuẩn sản xuất của châu Âu nhằm đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật chính xác và sự nhất quán của chất lượng.

Vài năm gần đây, nhận thấy thương hiệu đã bắt đầu có chỗ đứng trong mảng B2B cũng như phần nào đó thấu hiểu thị trường Việt nam, SADO bắt đầu manh nha ý định tấn công sang thị trường bán lẻ cũng như mở rộng danh mục sản phẩm. Sau rất nhiều năm tháng chuẩn bị, vừa qua SADO đã chính thức công bố chiến lược tấn công vào thị trường bán lẻ - B2C của mình cũng như kế hoạch xây dựng nhà máy phụ kiện 20 triệu USD, trong đó nhóm nhà đầu tư bao gồm Shark Hưng đầu tư 12 triệu USD.

SADO đặt tham vọng muốn thâu tóm toàn bộ thị trường nhôm kính của Việt Nam, không chỉ muốn là số 1 trong mảng bán sỉ mà cả bán lẻ, không chỉ số 1 trong mảng nhôm kính xây dựng mà cả số 1 trong mảng phụ kiện của ngành nhôm kính.

Ký kết hợp tác với một loạt đại lý độc quyền trong nước và cả ở Đông Nam Á

Nằm trong chiến lược kinh doanh của SADO trong thời gian 5 năm tới, doanh nghiệp này đã chính thức ký kết hợp đồng độc quyền với hàng loạt đại lý quốc tế và trong nước để phát triển hệ thống phân phối sản phẩm kính và nhôm kính của Sado Germany Window, mở rộng thị trường trong nước và trên thế giới.

Rải tiền khắp nơi không ngừng nghỉ, Shark Hưng vừa cùng một nhóm nhà đầu tư đổ 12 triệu USD vào nhà máy phụ kiện cửa nhôm kính SADO - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Công Chính đang biểu diễn thử sản phẩm kính chịu lực của SADO.

Bước đầu trong quá trình phát triển hệ thống phân phối là sự cam kết với các đại lý độc quyền tại các tỉnh thành như: TP. HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Đà Nẵng, Quảng Bình và hệ thống mạng lưới phân phối tại Lào, Thái Lan, Campuchia.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Công Chính chia sẻ: "Sau gần 10 năm chinh phục thị trường Việt Nam, SADO GROUP đã gầy dựng được sự tin cậy từ các đối tác đồng hành theo hướng đồng bộ hóa để cung cấp cho thị trường các sản phẩm từ trung bình, cao cấp cho đến rất cao cấp với chất lượng cao mang tiêu chuẩn quốc tế từ các tòa cao ốc văn phòng, khách sạn 5 sao, sân bay…. Chúng tôi tin rằng, SADO Germany Window không chỉ có thể ghi dấu ấn trong các công trình tiêu biểu của Việt Nam, mà còn có thể làm thế trong ngôi nhà của mỗi gia đình Việt".

Bên cạnh đó, cũng theo chia sẻ của ông Chính, nguyên nhân thúc đẩy SADO lấn sân sang mảng bán lẻ là bởi họ muốn nhà máy của mình không lãng phí và có thể chạy hết công suất đang có.

Để khuyến khích các đại lý bán sản phẩm của SADO, doanh nghiệp này đã đưa ra những đãi ngộ khá hấp dẫn. Ông Chính ví dụ: ngày trước SADO bán 100 triệu đồng thì lời 20 triệu, nhưng bây giờ, nếu bán 100 triệu họ chỉ lấy 5 triệu, tức là chỉ 5% tiền lời còn 15 triệu còn lại là của đại lý. Trước đây, SADO bán giá bán 2,9 triệu đồng/m2 cửa sổ thì giờ họ sẽ bán 2,4 triệu đồng/m2, sau đó đại lý có quyền nâng lên 2,9 triệu/m2.

Giá mà doanh nghiệp này đưa ra không phải để cạnh tranh với các đối thủ khác mà để vừa túi tiền của người tiêu dùng Việt. Điều duy nhất mà công ty hạn chế các đại lý là đại lý không được phép tăng giá lên quá 20%.


Xây dựng nhà máy phụ kiện nhôm kính trị giá 20 triệu USD, trong đó có nhóm các nhà đầu tư được đại diện bởi Shark Hưng đầu tư 12 triệu USD

Hàng Trung Quốc không chỉ tung hoành ở thị trường nhôm kính mà cả ở thị trường phụ kiện nhôm kính cũng thế. Với suy nghĩ nếu đã quyết đấu với người Trung Quốc ở thị trường nhôm kính cớ sao lại không đấu tiếp với họ ở thị trường phụ kiện, nên SADO đã lên kế hoạch thành lập nhà máy phụ kiện, dự kiến tổng mức đầu tư vào khoảng 20 triệu USD.

Rải tiền khắp nơi không ngừng nghỉ, Shark Hưng vừa cùng một nhóm nhà đầu tư đổ 12 triệu USD vào nhà máy phụ kiện cửa nhôm kính SADO - Ảnh 3.

Trong quá trình tìm nhà đầu tư cho chiến lược phát triển mới, ông Chính đã gặp Shark Phạm Thanh Hưng. Nhận thấy tiềm năng của thị trường rất lớn và tin vào năng lực của ông Nguyễn Công Chính cùng SADO, doanh nhân này cùng một nhóm nhà đầu tư đã góp vào nhà máy 12 triệu USD. Đây là số tiền cần thiết để đầu tư cho giai đoạn 1, tương đương với 60% số vốn cần thiết.

Khi được một số phóng viên hỏi về mức đầu tư cụ thể của mình, Shark Hưng đã trả lời đó là "bí mật". Dường như, ngay cả SADO lẫn nhóm nhà đầu tư nói trên đều có ý định để Shark Hưng đại diện cho số tiền đầu tư 12 triệu USD đó.

"Tôi thấy ngành nhôm kính có thị trường thực sự tiềm năng. Việt Nam là đất nước có tài nguyên liên quan đến nhôm kính rất lớn, nhưng cho đến lúc này, chúng ta chưa sản xuất được sản phẩm xứng tầm với tiềm năng mà chúng ta có. Trong một lần gặp gỡ, anh Chính đã chia sẻ ý tưởng muốn mở rộng quy mô sản xuất, từ sản xuất nhôm kính xây dựng – nội thất sang các mảng khác trong ngành nhôm kính, trước mắt là sản xuất ra nguyên liệu, phụ kiện dành cho ngành nhôm kính như bản lề, khóa...

Chúng ta có thể thấy cái hay hỏng nhất của một cái cửa nhôm kính không phải kính mà là phụ kiện của kính như bản lề, chốt, khóa, tay cầm… Chỉ một phụ kiện rất bé có vấn đề thôi sẽ làm cho cửa của chúng ta bị hỏng. Tiếng đóng không êm, không nhẹ cũng làm cho trải nghiệm dùng sản phẩm bị ảnh hưởng.

Nên khi tôi nghe ý tưởng của anh Chính tôi thấy nó rất tuyệt vời. Ngoài ra, việc sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam để sản xuất nên các phụ kiện, thành phẩm về khung nhôm là ước ao của anh Chính và SADO. Kế hoạch tiếp theo là sản xuất phôi kính. 

SADO có thể trở thành tập đoàn cung cấp các nguyên liệu, giải pháp gia công và sản phẩm hoàn chỉnh về nhôm kính cho toàn thị trường Việt Nam. Tôi tin khát vọng này không chỉ đưa chúng ta đứng đầu Việt Nam mà còn đứng đầu Đông Nam Á trong thời gian ngắn", Shark Hưng giải thích lý do vì sao ông đầu tư vào SADO.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM