Quyền nghỉ ngày "đèn đỏ" của phụ nữ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và cuộc chiến giới tính trên thị trường lao động

23/11/2020 16:00 PM | Xã hội

Thậm chí các điều khoản trong luật lao động Hàn Quốc còn cho phép phụ nữ được nhận thêm tiền lương nếu từ chối nghỉ kinh nguyệt để đi làm.

Cô Sachimi Mochizuki đã làm việc tại Nhật Bản được 20 năm và chưa bao giờ xin nghỉ phép vì đến kỳ "đèn đỏ" dù đây là quyền cơ bản được chính phủ thừa nhận hơn 70 năm trước.

Nguyên nhân chính là cô Mochizuki cảm thấy khá ngại khi xin sếp nghỉ vì mình đến những ngày "khó nói" này.

"Đấy là chuyện riêng tư, nhất là ở Nhật Bản", cô Mochizuki thừa nhận.

Trên thực tế luật pháp Nhật Bản đã công nhận quyền phụ nữ được nghỉ phép khi đến chu kỳ kinh nguyệt từ cách đây hơn 70 năm trước. Không riêng gì Nhật bản, nhiều nước Châu Á cũng công nhận quyền này, ví dụ như Hàn Quốc vào năm 1953, Trung Quốc và Ấn Độ thì không ghi rõ nhưng đã mở rộng các trường hợp được xin nghỉ phép của phụ nữ.

Quyền nghỉ ngày đèn đỏ của phụ nữ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và cuộc chiến giới tính trên thị trường lao động - Ảnh 1.

Trái lại tại các nước Phương Tây, quyền nghỉ việc vào những ngày "dâu rụng" hầu như không được công nhận tại Mỹ, Anh hay Châu Âu. Dù nhiều lần được đề xuất nhưng chính phủ các nước Phương Tây đều không thông qua chính thức những quyền này. Những người phản đối cho rằng việc công nhận quyền nghỉ phép vào "kỳ dâu" sẽ khiến phụ nữ mất vị thế cạnh tranh với lao động nam và làm gia tăng phân biệt giới tính.


Bước đi tiên phong của Nhật Bản

Dù không phải nước tiên phong trong tiến trình bình đẳng giới nhưng Nhật Bản lại là một trong những nền kinh tế đi đầu khi công nhận quyền nghỉ phép kinh nguyệt vào năm 1947.

Trên thực tế ngay từ thập niên 1920, Nhật Bản đã rất coi trọng vấn đề nghỉ kinh nguyệt cho lao động nữ như phải đến năm 1947, vấn đề này mới được dựng thành luật và mang tính bắt buộc

Việc Nhật Bản thua trận trong Thế chiến II, thiếu lao động nam và cần khôi phục lại kinh tế đã thúc đẩy vị thế của nhân viên nữ. Bởi vậy cho đến tận năm 1965, Nhật Bản vẫn có khoảng 26% lao động nữ xin nghỉ phép kinh nguyệt theo từng tháng.

Thế nhưng với sự trở lại của lao động nam sau Thế chiến và nền kinh tế dần phục hồi, vị thế của nhân viên nữ dần biến mất và xu thế xin nghỉ phép kinh nguyệt không còn được như trước. Số liệu chính thức cho thấy chỉ có khoảng 0,9% lao động nữ tại Nhật còn sử dụng loại nghỉ phép này hàng tháng.

Tuy nhiên tại Hàn Quốc, việc xin nghỉ kinh nguyệt vẫn khá phổ biến dù có sự suy giảm. Khảo sát năm 2013 cho thấy 23,6% số lao động nữ tại Hàn Quốc dùng nghỉ phép kinh nguyệt. Đến năm 2017, con số này giảm xuống còn 19,7%.

Quyền nghỉ ngày đèn đỏ của phụ nữ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và cuộc chiến giới tính trên thị trường lao động - Ảnh 2.

Thậm chí các điều khoản trong luật lao động Hàn Quốc còn cho phép phụ nữ được nhận thêm tiền lương nếu từ chối nghỉ kinh nguyệt để đi làm.

Theo Giám đốc Yumiko Murakami của Trung tâm Tokyo Center thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), các doanh nghiệp thường không phổ biến quy định này và nhiều chị em cũng chẳng rõ họ được phép nghỉ kinh nguyệt hàng tháng theo luật định. Thế nhưng, cản trở lớn nhất với phụ nữ vẫn là định kiến xã hội.

Mặc dù công khai chống lại phân biệt giới tính nhưng văn hóa doanh nghiệp tại Nhật Bản hay Hàn Quốc vẫn trọng nam khinh nữ. Việc nghỉ đẻ hay bất cứ lý do nào của phụ nữ cũng sẽ trở thành vũ khí chống lại họ khi so sánh với các đồng nghiệp nam.

"Nếu ban xin phép sếp nghỉ kinh nguyệt, mọi người sẽ cho rằng bạn không đủ tốt bằng các lao động nam", cô Murakami cho biết.


Vấn đề gây tranh cãi

Hàng năm, vấn đề thừa nhận ngày nghỉ phép kinh nguyệt trong luật định đều được nêu ra và trở thành vấn đề gây tranh cãi tại các nước. Ví dụ như hãng giao đồ ăn nhanh Zomato tại Ấn Độ mới đây đã cố gắng thực hiện chính sách nghỉ phép kinh nguyệt và chống định kiến nhưng vấp phải vô số phản đối.

Tại một nước đặt nặng tôn giáo như Ấn Độ, phụ nữ đến "kỳ dâu" thường bị xa lánh hoặc không được phép giao tiếp, thậm chí là nấu nướng. Khảo sát của tổ chức Dasra cho thấy các bé gái Ấn Độ bỏ lỡ 20% thời gian đi học vì kinh nguyệt trong khi 70% số bà mẹ tại đây coi những ngày này là thứ gì đó "bẩn thỉu".

Quyền nghỉ ngày đèn đỏ của phụ nữ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và cuộc chiến giới tính trên thị trường lao động - Ảnh 3.

Ngay sau khi Zomato phát động phong trào vào tháng 8/2020, tờ Washington Post đã có bài phản bác, cho rằng việc nhấn mạnh nghỉ kinh nguyệt chỉ khiến lao động nữ thất thế hơn so với nam giới.

Tương tự vào năm 2017, sau khi tổ chức Victoria Women’s Trust thực hiện quy định nghỉ phép kinh nguyệt cho nhân viên, nhiều tờ báo tại Australia đã lên tiếng chỉ trích.

Một cuộc khảo sát tại Hà Lan cho thấy chỉ có 14% số phụ nữ dám xin nghỉ khi đến tháng và chỉ 20% trong số đó dám nói lý do thật, còn lại đều ghi chung là ốm bệnh. Khoảng 68% số phụ nữ được hỏi cho biết họ muốn được nghỉ vào ngày "đèn đỏ" để có thể làm việc hiệu quả hơn. Thế nhưng 81% lại cho biết họ vẫn sẽ đi làm dù được phép nghỉ bởi không muốn mọi người đánh giá thấp bản thân.

AB

Cùng chuyên mục
XEM