Quyền Bộ trưởng Y tế: Hà Nội, Hải Dương có thể ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới

18/08/2020 20:00 PM | Xã hội

Theo ông Long, về các ca nhiễm Covid-19 mới ở Hải Dương, kết quả giải trình tự gen cho thấy, chủng virus SARS-CoV-2 tương đồng với chủng virus đã xuất hiện tại Đà Nẵng trước đó.

Chủng virus SARS-CoV-2 ở Hải Dương tương đồng với chủng virus tại Đà Nẵng

Sáng 18/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 (BCĐ) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước, Ban Chỉ đạo cho hay các biện pháp ứng phó với ổ dịch ở Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát, số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây.

Những ngày gần đây nổi lên ổ dịch ở tỉnh Hải Dương, với ca nhiễm đầu tiên ghi nhận ở quán "Thế giới bò tươi". Theo ông Long, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán từ ngày 25-27/7, cùng chủng virus ở Đà Nẵng và từ đây lây lan ra cộng đồng. Hiện ghi nhận tổng số 11 trường hợp mắc Covid-19, những ngày tới có thể thêm ca mới.

Ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh tại Hải Dương, Bộ Y tế cử lực lượng hỗ trợ xét nghiệm, điều trị trên tinh thần "tập trung truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể". Theo ông Long, hôm nay có thêm các đoàn Trung ương hỗ trợ cho Hải Dương.

Về các ca nhiễm mới ở tỉnh này, kết quả giải trình tự gen cho thấy, chủng virus SARS-CoV-2 tương đồng với chủng xuất hiện tại Đà Nẵng trước đó.

 Quyền Bộ trưởng Y tế: Hà Nội, Hải Dương có thể ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp.

Hải Dương đã kịp thời áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội; phong tỏa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; tạm dừng các hoạt động không thiết yếu… nên các chuyên gia nhận định tình hình dịch bệnh bước đầu được kiểm soát.


"Tuy nhiên tập trung truy vết nhanh, khoanh vùng nhanh, lấy mẫu và xét nghiệm nhanh", song ông Long nhận định tới đây Hải Dương có thể thêm các ca nhiễm.

Tại Hà Nội từ 23/7 đến 17/8 ghi nhận 10 trường hợp mắc mới. Hầu hết các trường hợp liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ổ dịch tại Đà Nẵng, 1 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương.

Hà Nội đang khẩn trương triển khai lấy mẫu trên diện rộng. Bộ Y tế phối hợp với Hà Nội lấy 50.602/70.000 mẫu; xét nghiệm 28.478 mẫu. Ông Long cũng nhận định, vài ngày tới, Hà Nội có thể ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới.

Cảnh báo cả nước có thể xuất hiện thêm ổ dịch mới, rải rác trong cộng đồng, ông Long đề nghị: "Các địa phương luôn tăng cường và nâng cao ý thức cảnh giác nhằm phát hiện kịp thời ca nhiễm mới. Phát hiện càng sớm, việc khoanh vùng, dập dịch càng thuận lợi".

Tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh

Trước việc các ca lây nhiễm trong cộng đồng đã xuất hiện, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm làm chậm, hạn chế nguồn lây. Trước thông tin gần đây xuất hiện tình trạng cơ sở y tế tư nhân tổ chức dịch vụ xét nghiệm Covid-19, lãnh đạo Bộ nói đây là hoạt động không phép.

Về giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, các chuyên gia quan ngại khi các địa phương, cơ quan đang triển khai các biện pháp còn khác nhau.

BCĐ đề nghị có chỉ lệnh mới để triển khai các biện pháp thống nhất, nghiêm ngặt, siết chặt "hệ thống phòng thủ", không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan công quyền, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, các tuyến giao thông công cộng, các địa điểm xung yếu như bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, các cơ sở bảo trợ xã hội tập trung các nhóm yếu thế… đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, một trong những yếu tố quyết định thành công của giai đoạn 1 là chúng ta bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, từ chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, nêu gương cho đến xử phạt, đã huy động được mọi người dân vào cuộc chủ động phòng, chống dịch vì mình, vì người thân và toàn xã hội.

"Thời gian qua do thực tế chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt, dài ngày nên có tâm lý lơi lỏng. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất 1 năm nữa vaccine mới có thể đến với mọi người.

Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM