"Quỷ Tasmania" có thể cứu người trong cuộc chiến chống nhờn kháng sinh

14/06/2017 20:07 PM | Xã hội

Sữa của Quỷ Tasmania, một loài thú ở Australia, có thể trở thành vũ khí hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng hoảng nhờn kháng sinh hiện nay.

Ít nhất 700.000 người tử vong mỗi năm vì viêm nhiễm do siêu vi khuẩn nhờn kháng sinh gây nên. Đó là lý do khiến các nhà khoa học của chính phủ Anh xếp nhờn kháng sinh vào danh sách những hiểm họa toàn cầu lớn nhất trong thế kỷ 21.

Siêu vi khuẩn là những chủng vi khuẩn có thể chống mọi loại thuốc kháng sinh mà con người đang sử dụng. Một nghiên cứu tại Anh chỉ ra rằng siêu vi khuẩn có thể gây tử vong cho 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050.

Giới khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm giải pháp ngăn chặn thảm họa nhờn kháng sinh. Mới đây các nhà khoa học của Đại học Sydney tại Australia nhận thấy sữa của Quỷ Tasmania có thể diệt những siêu vi khuẩn nhờn các kháng sinh mạnh như methicillin và vancomycin.

Quỷ Tasmania để con non trong "túi" khoảng 3 tháng để cơ thể chúng phát triển tới mức hoàn thiện. Hệ miễn dịch của con non còn yếu, nhưng chúng vẫn sinh trưởng bình thường trong túi của mẹ, vốn là môi trường đầy vi khuẩn.

Emma Peel, một nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Sydney, nói rằng những hợp chất peptide trong sữa mẹ giúp Quỷ Tasmania kháng khuẩn hiệu quả.

Peptide là những phân đoạn của protein. Về bản chất, chúng là những chuỗi axit amin dài. Trong cơ thể, peptide điều phối hoạt động của nhiều hệ thống bằng cách tương tác với các tế bào.

"Sữa của thú có túi chứa nhiều loại peptide hơn những động vật có vú khác. Chúng tôi thấy sữa của Quỷ Tasmania chứa 6 loại peptide, trong khi sữa người chỉ chứa một loại", Peel phát biểu. Cô nói thêm rằng sữa chuột túi Wallaby và chồn Opossum - 2 loài thú có túi khác - chứa lần lượt 8 và 12 loại peptide.

Bằng cách nghiên cứu hệ gene của Quỷ Tasmania, nhóm của Peel chế ra những hợp chất peptide chống vi khuẩn mang tên Cathelicidin.

"Cathelicidin có khả năng diệt các siêu khuẩn nhờn kháng sinh và những chủng vi khuẩn khác", Peel khẳng định.

Nhóm nghiên cứu hy vọng giới khoa học có thể sử dụng Quỷ Tasmania để chế những thuốc kháng sinh mạnh trong tương lai nhằm đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng nhờn kháng sinh.

Loài người đang rất cần những phương pháp mới để chống viêm nhiễm do vi khuẩn gây nên ở người.

Nhờn kháng sinh xảy ra khi thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt mầm bệnh hay vi khuẩn gây bệnh. Những vi khuẩn sống sót sẽ tạo ra thế hệ vi khuẩn mới, có khả năng kháng thuốc và các hóa chất điều trị nhiễm trùng.

Hồi tháng 1 năm nay, một phụ nữ ở bang Nevada, Mỹ tử vong bởi một siêu vi khuẩn có khả năng miễn nhiễm mọi loại thuốc kháng sinh đang tồn tại trên thị trường. Những trường hợp thương tâm như thế là lời nhắc nhở rằng nhờn kháng sinh sẽ đe dọa loài người trong tương lai gần.

Những chủng vi khuẩn nguy hiểm đang tiến hóa nhanh để chống những dòng thuốc kháng sinh mà con người chế ra để diệt chúng. Vì thế, chống nhờn kháng sinh là cuộc chiến không bao giờ kết thúc.

Tháng trước, bà Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo những siêu vi khuẩn giống như "sóng thần chậm" và tình trạng nhờn kháng sinh đang trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.

"Một trong những thách thức lớn nhất trong thời đại ngày nay là tìm ra những thuốc kháng sinh mới để trị siêu vi khuẩn. Phần lớn thuốc kháng sinh hiện nay có nguồn gốc từ thực vật và nấm mốc. Chúng đã tồn tại gần 100 năm qua. Vì thế chúng ta phải tìm kháng sinh ở những nguồn mới", Carolyn Hogg, một chuyên gia về di truyền của Đại học Sydney, nói với AFP.

Vi khuẩn chống thuốc kháng sinh thế nào?

Thuốc kháng sinh ra đời để chống vi khuẩn gây bệnh. Chúng là những sinh vật đơn bào có kích thước vài phần nghìn mm, sinh sống và gây viêm nhiễm trong cơ thể vật chủ. Khi vào cơ thể, kháng sinh sẽ tiếp cận và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh theo các cơ chế chính:

- Tấn công trực tiếp thành tế bào, khiến chúng mất khả năng tự vệ.

- Phá hoại quá trình trao đổi chất.

- Ngăn chặn sự tổng hợp RNA và DNA.

- Can thiệp vào quá trình tổng hợp protein.

Khi một vi khuẩn kháng thuốc, chúng có khả năng vô hiệu hóa một phần hoặc toàn bộ các cơ chế của kháng sinh theo các cách sau:

- Xây dựng hệ thống phòng vệ: Vi khuẩn thay đổi tính thẩm thấu của màng tế bào. Bằng cách này, chúng có thể ngăn chặn hoàn toàn hoặc hạn chế cho phép kháng sinh xâm nhập vào trong tế bào để phá hủy tổ chức của chúng.

Một chiến lược khác của vi khuẩn là cho phép kháng sinh vào bên trong, nhưng sẽ tạo ra một số phân tử có vai trò như vệ sĩ gác cửa. Chúng sẵn sàng đẩy kháng sinh ra khỏi tế bào ngay khi nó tiến vào. Một số vi khuẩn sử dụng các cơ chế như "máy bơm", lấy năng lượng ATP để bắn thuốc kháng sinh ra khỏi cơ thể chúng.

- Ngụy trang mục tiêu: Vi khuẩn thay đổi cấu trúc của các bộ phận để kháng sinh không còn nhận ra nó. Về cơ bản, dù cho kháng sinh vào được tế bào, nó vẫn trở nên vô dụng nếu không thể nhận dạng mục tiêu.

- Phản công kháng sinh: Thay vì chỉ sử dụng hệ thống phòng thủ và ngụy trang, vi khuẩn sản xuất một số loại enzyme để chiến đấu trực tiếp với kẻ thù. Chúng làm giảm hoặc mất hoàn toàn tính kháng khuẩn của thuốc. Ví dụ như enzyme beta-lactamse của một số vi khuẩn đã đánh bại hoàn toàn penicillin.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM