Quy tắc vàng cần nằm lòng để mua nhà “an cư lạc nghiệp” mà không sợ vỡ nợ

02/12/2020 09:19 AM | Kinh doanh

Theo chuyên gia Sam Dogen, vay nợ nhiều để mua tài sản không phải là một ý tưởng tốt. Thay vào đó, nên có tính kỷ luật để đảm bảo an toàn tài chính.

Với quan niệm “an cư lạc nghiệp” đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, người Việt đến nay vẫn luôn cố gắng tích lũy để có thể sở hữu ít nhất một căn nhà, đảm bảo cuộc sống ổn định. Nhu cầu mua nhà thậm chí không hề giảm trong đại dịch mà còn được cho là cơ hội bắt đáy, mua được giá hời. 

Tuy nhiên, để tránh trường hợp người mua cố gắng mua bằng được nhà mà không có khả năng chi trả, chuyên gia tài chính, triệu phú Sam Dogen đã đưa ra quy tắc 30/30/3.

Quy tắc số 1: Chi tiêu không quá 30% tổng thu nhập của bạn cho khoản nợ + lãi hằng tháng

Khi lãi suất cho vay liên tục giảm, nhiều người có thể bị cám dỗ mà đi vay nợ quá giới hạn an toàn. Các chuyên gia cho rằng các khoản thế chấp hàng tháng không nên vượt quá 30% thu nhập của bạn.

Ví dụ: Nếu thu nhập của bạn đạt 1.000 USD/tháng (khoảng 22 triệu đồng) và dành 40% trong số đó cho việc trả nợ, tức 8,8 triệu đồng, mọi chuyện vẫn khá ổn vì bạn vẫn còn hơn 13 triệu đồng để phục vụ cho những khoản chi tiêu khác. 

Tuy nhiên, nếu áp dụng tỷ lệ thế chấp ở mức 40% trong khi thu nhập chỉ 500 USD/tháng (khoảng 11 triệu đồng), ngân sách 6,6 triệu đồng còn lại sẽ khiến bạn gặp khó khăn khi chi tiêu cho các nhu cầu cơ bản.

Quy tắc vàng cần nằm lòng để mua nhà “an cư lạc nghiệp” mà không sợ vỡ nợ - Ảnh 1.

Nói cách khác, thu nhập càng thấp thì càng nên trả lãi vay ít hơn để đảm bảo an toàn tài chính cá nhân.

Quy tắc số 2: Tiết kiệm 30% giá trị căn nhà bằng tiền mặt

Trước khi mua nhà, hãy tiết kiệm ít nhất 30% giá trị căn nhà bằng tiền mặt hoặc tài sản ít rủi ro. Trong đó, 20% cho khoản trả trước và 10% như một khoản tiền dự trù tài chính.

Tỷ lệ này tưởng chừng khá cao bởi hiện có rất nhiều dự án cho phép bạn chỉ cần trả một khoản đặt cọc nhỏ. Tuy nhiên, trong giai đoạn nhiều bất ổn và biến động, bạn nên có khoản dự trù tài chính lớn hơn.

Nếu có kế hoạch mua nhà trong vòng 6 tháng tới, tài khoản thanh toán của bạn nên đủ để trả ít nhất 20% giá trị căn nhà bằng tiền mặt. Đồng thời, sẽ rất rủi ro khi bạn dùng khoản tiền này đầu tư vào cổ phiếu hay các tài sản rủi ro khác nếu thời gian mua nhà quá ngắn.

Quy tắc số 3: Giá nhà của bạn không được cao hơn gấp 3 lần tổng thu nhập hàng năm 

Đây cách nhanh chóng giúp bạn sàng lọc các sản phẩm trên thị trường và chọn lọc những ngôi nhà trong phạm vi giá cả phải chăng với điều kiện tài chính cá nhân. Nó cũng giúp bạn tránh khỏi việc “vung tay quá trán” cũng như giảm gánh nặng trả nợ mỗi tháng.

Ví dụ, nếu vợ chồng bạn có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 600 triệu đồng/năm (chưa tính các khoản tiền thưởng), thì nên chọn mua các ngôi nhà có giá 1,8 tỷ đồng hoặc cao hơn không quá nhiều. Nếu thu nhập của hai vợ chồng là 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm, bạn có thể nghĩ đến những ngôi nhà có giá lên tới 3,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với việc lãi suất vay giảm, khả năng chi trả cho nhà ở đã tăng lên. Do đó, bạn có thể nới rộng quy tắc này và tăng giá trị căn nhà lên đến 5 lần thu nhập hộ gia đình hàng năm.

Quy tắc vàng cần nằm lòng để mua nhà “an cư lạc nghiệp” mà không sợ vỡ nợ - Ảnh 2.

Cách để tuân thủ quy tắc 30/30/3

Xem xét trong điều kiện lãi suất đang có xu hướng giảm hiện nay, nguyên tắc này dường như khá nghiêm ngặt, nhưng có rất nhiều người thậm chí còn đợi đến khi tiết kiệm đủ tiền mới mua nhà. Theo chuyên gia Sam Dogen, vay nợ nhiều để mua tài sản không phải là một ý tưởng tốt.

Để tuân thủ quy tắc trên, bạn nên rèn luyện sự kỷ luật trong tài chính nói chung cũng như việc mua nhà nói riêng. Mặc cho rất nhiều cám dỗ từ những lợi ích khi đầu tư vào bất động sản, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng quá mức tài chính của mình. Hãy nhớ rằng, ngoài tiền trả nợ, bạn cũng sẽ phải trả các khoản chi phí khác như bảo hiểm cho chủ nhà, thuế tài sản và phí bảo trì.

Tuy nhiên, nếu không muốn tuân thủ theo quy tắc 30/30/3, thì ít nhất hãy xem xét đến các phương án sau đây:

- Cho thuê một phòng hoặc một phần ngôi nhà

- Có thể dùng một phần căn nhà làm văn phòng để tiết kiệm chi phí đi thuê

- Tự đặt cho mình mục tiêu thăng tiến trong sự nghiệp, được tăng lương trong tương lai hoặc tìm công việc mới với mức thu nhập cao hơn.

- Phát triển các khoản thu nhập thụ động mới

- Nhận hỗ trợ từ cha mẹ, người thân.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM