Quý I, người Indonesia mua lượng gạo Việt cao gấp 213 lần năm ngoái, đáng mừng hay đáng lo?

28/03/2016 15:10 PM | Kinh tế vĩ mô

Cả Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đều ồ ạt mua vào gạo Việt trong quý vừa qua. Sản lượng mùa vụ tới sẽ giảm, liệu chúng ta có còn gạo để xuất?

Thị trường lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đang diễn biến sôi động, lúa đông xuân tăng giá do Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam.

Cụ thể, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,59 triệu tấn và 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

3 thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Indonesia, Trung Quốc và Philippines (chiếm tổng cộng hơn 62% thị phần) đều nhập ồ ạt so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm, sản lượng nhập khẩu gạo Việt vào Indonesia tăng hơn 213 lần, Philippines tăng 11 lần, Malaysia tăng hơn 50% và Trung Quốc tăng 40% (so với cùng kỳ 2015).

Thực tế, 2 tháng đầu năm giá xuất không những không cao mà còn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 3, giá gạo rục rịch tăng càng kích thích nông dân bán ra với lượng nhiều hơn.

Đáng mừng hay đáng lo?

Trong khi xuất khẩu gạo 3 tháng qua tăng hơn 40% cả về lượng và giá trị, thì các địa phương vùng hạn nặng đang đề nghị Chính phủ cấp 10.000 tấn gạo , đồng thời Bộ NN&PTNT cũng đề xuất gói hỗ trợ 538 tỷ đồng cho người dân các vùng này.

ĐBSCL là vựa lúa chính của Việt Nam, chiếm đến 2/3 tổng diện tích với 70% sản lượng lúa gạo của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này cùng với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, rộng khắp và kéo dài.

Tính đến thời điểm hiện tại, tức cuối tháng 3, khu vực Nam Trung bộ đã phải ngừng gieo trồng 23.000 ha, riêng ở Ninh Thuận là 45% diện tích gieo trồng lúa, Bình Thuận là 35%. Đồng bằng sông Cửu Long có gần 1 triệu tấn lúa không gieo trồng được.

Những con số đáng lo ngại đó chắc chắn vẫn chưa dừng lại. Theo bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đỉnh điểm của đợt xâm nhập mặn là tháng 4, tháng 5. Tức là không chỉ mùa vụ đông xuân 2015-2016 này, mà vụ hè thu kế tiếp mới là thời điểm hạn hán và xâm nhập mặn cho thấy rõ tác động của nó lên sản lượng lúa gạo của khu vực ĐBSCL.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp tại khu vực ĐBSCL, nếu không được xem xét kỹ lưỡng cung-cầu thị trường, yếu tố giá và sản lượng trong các mùa vụ tới có lẽ là chưa khôn ngoan.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nhận định, xâm nhập mặn và khô hạn cũng có thể khiến GDP 2016 chỉ đạt 5,45%, so với kế hoạch 6,7% của Chính phủ.

Kiến Anh

Cùng chuyên mục
XEM