Quy hoạch sân bay thứ hai tại Hà Nội

14/12/2020 17:13 PM | Xã hội

Cục Hàng không mới đây đã hoàn thiện và lấy ý kiến các đơn vị về Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, Cục Hàng không bổ sung thêm 2 sân bay tại vùng thủ đô Hà Nội và Cao Bằng. Như vậy, đến năm 2050, cả nước sẽ có 30 sân bay.

Cục Hàng không chưa xác định vị trí xây dựng sân bay thứ hai của Hà Nội mà chỉ khẳng định công trình này sẽ có trong quy hoạch. Cụ thể, phải sau năm 2040 mới có thể nghiên cứu vị trí của sân bay này bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng vị trí sân bay trong tầm nhìn 30 năm.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng bổ sung sân bay Cao Bằng vào quy hoạch. Trước đó, lãnh đạo tỉnh cho biết, hạ tầng giao thông của địa phương rất hạn chế, không có đường sắt, cao tốc và sân bay. Dự kiến sân bay Cao Bằng sẽ phục vụ chính sách dân tộc, du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng biên giới phía Bắc.

Dự thảo quy hoạch lần này khác so với quy hoạch năm 2018 ở việc kéo giãn thời gian thực hiện. Khác với quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như dự thảo trước đó, Cục Hàng không đã đưa ra quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050. Như vậy, cả nước sẽ có 26 sân bay vào năm 2030, bao gồm 22 sân bay hiện hữu và 4 sân bay được xây mới (Long Thành, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết).

Sau đó, đến năm 2050 sẽ có thêm 4 sân bay được triển khai bao gồm: Cao Bằng, Nà Sản, Lai Châu và sân bay vùng thủ đô Hà Nội. Dự thảo lần này không có sân bay Hà Tĩnh, Thành Sơn như đề xuất của địa phương trước đó.

Bên cạnh quy hoạch một số sân bay mới, Cục Hàng không đã đưa ra kế hoạch nâng cấp, mở rộng một số sân bay hiện hữu điển hình như: Cam Ranh, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Nội Bài...

Cục Hàng không ước tính, với 8 sân bay xây mới và một loạt sân bay sẽ được nâng cấp, chi phí đầu tư giai đoạn 2020-2030 đạt khoảng 365.100 tỷ đồng, giai đoạn 2030-2050 khoảng 866.360 tỷ đồng. Nguồn vốn sẽ được huy động từ các nguồn khác nhau bao gồm: vay ODA, vốn ngân sách, vốn vay thương mại từ các tổ chức tài chính, vốn từ xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP.

Hiện nay, cả nước có 22 sân bay đang hoạt động, bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Theo quy hoạch phát triển sân bay tới năm 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, đến năm 2030 sẽ có 28 sân bay. Ngoài các sân bay hiện có, các sân bay như Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết sẽ đầu tư thêm.

Hà Trần

Cùng chuyên mục
XEM