Quy định mới từ tháng 11: Chủ sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki... phải cung cấp thông tin doanh thu người bán cho cơ quan thuế định kỳ hàng quý

01/11/2022 11:29 AM | Kinh doanh

Ngày 30/10 Chính Phủ đã ban hành Nghị định 91/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 126/2020 quy định chi tiết luật Quản lý thuế do Chính phủ ban hành.

Nghị định 91/2022 ra đời, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế. Một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định liên quan đến việc thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử, được bổ sung vào khoản 8 Điều 27(Nghị định 126) như sau:

"Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.

Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố ."

Quy định mới từ tháng 11: Chủ sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki,.. phải cung cấp thông tin doanh thu người bán cho cơ quan thuế định kỳ hàng quý - Ảnh 2.

Hình ảnh minh họa

Theo quy định này, sắp tới đây sẽ có nhiều thay đổi về hoạt động trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoạt động theo pháp luật Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki,..

Lấy ví dụ như sàn TMĐT Shopee. Shopee là nền tảng TMĐT hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore và trực thuộc Tập đoàn Sea - trước đây là Garena (chủ sở hữu các thương hiệu như: Gare, Foody, Now, Airpay).

Shopee ra đời từ năm 2015, hiện tại đã có mặt tại 7 nước khu vực châu Á gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Việt Nam và Philipines. Tại Việt Nam, sàn giao dịch TMĐT Shopee.vn do Công ty TNHH Shopee vận hành.

Theo công bố của iPrice Group, Shopee là trang TMĐT dẫn đầu tại Việt Nam với khoảng gần 89 triệu lượt truy cập trong quý 4/2021 (tăng 14% so với quý 3/2021) và được xếp hạng là trang TMĐT số một trên hai nền tảng di động iOS và Android.

Chủ sở hữu sàn TMĐT Shopee đóng vai trò là người cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua thực hiện giao dịch, cung cấp các dịch vụ về thanh toán và vận chuyển để tạo trải nghiệm mua sắm thuận tiện, dễ dàng cho người mua. Theo đó, doanh thu của chủ sở hữu sàn đến từ các khoản phí người bán phải trả, hoa hồng, tiền vận chuyển, tiền quảng cáo.

Người bán trên sàn Shopee bao gồm các thương nhân tạo lập gian hàng, đăng tin giới thiệu bán hàng hóa, dịch vụ. Dòng tiền thuần người bán nhận được bằng Tổng tiền sản phẩm bán được trừ đi Các loại phí.

Trong đó, các loại phí và chi phí người bán phải trả cho sàn bao gồm:

(1) Phí thanh toán là phí giao dịch áp dụng cho mỗi đơn hàng thành công trên sàn giao dịch TMĐT Shopee.

(2) Phí cố định là phí hoa hồng cố định đối với tất cả các giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ được thực hiện thành công của người bán là Shopee Mall (không áp dụng cho đơn hàng hủy/hoàn).

(3) Phí dịch vụ: áp dụng cho người bán sử dụng gói Voucher Hoàn Xu Xtra và/hoặc gói miễn phí vận chuyển Freeship Xtra.

(4) Chi phí phạt: được lập ra để áp dụng cho nhà bán không đáp ứng được các tiêu chí dịch vụ hoặc chất lượng hàng hóa đưa ra hoặc hơn nữa là thái độ phục vụ kém hoặc bị hủy đơn.

(5) Chi phí quảng cáo: hiện tại Shopee có 3 hình thức quảng cáo, cụ thể: đấu thầu từ khoá; quảng cáo Shop Ads; quảng cáo khám phá.

Quy định mới từ tháng 11: Chủ sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki,.. phải cung cấp thông tin doanh thu người bán cho cơ quan thuế định kỳ hàng quý - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa

Trước đây, khi tham gia bán hàng trên sàn, người bán không cần phải cung cấp mã số thuế mà chỉ cần phải cung cấp một số thông tin bắt buộc như: tên, số điện thoại, chứng minh nhân dân/căn cước công dân...

Tình trạng định danh cá nhân không chính xác, hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký kinh doanh trên sàn không phải hiếm gặp. Điều này khiến cơ quan thuế khó theo dõi, quản lý cũng như xác định đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, nhiều cá nhân thuộc diện quản lý thuế đã lập nhiều tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội... với mục đích giảm doanh thu mỗi tài khoản không quá 100 triệu đồng/năm, gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc thu thập thông tin nộp thuế.

Các chủ sở hữu sàn cũng không bị bắt buộc và vì lý do bảo mật thông tin khách hàng mà được quyền không cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 91 ra đời và có hiệu lực, tình trạng này sẽ chấm dứt, được kỳ vọng có thể giúp Cơ quan thuế tăng cường công tác quản lý thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM