Quốc gia sắp trở thành 'xưởng thuốc của thế giới': Cung cấp hơn 201 triệu liều vaccine, sản xuất 80% số thuốc kháng HIV cho toàn thế giới

27/05/2022 14:47 PM | Xã hội

Hơn 80% số thuốc kháng HIV điều trị AIDS trên thế giới được sản xuất bởi các công ty Ấn Độ.

Theo hãng tin CNBC, Ấn Độ đang đặt mục tiêu đầy tham vọng là trở thành trung tâm sản xuất thuốc cho toàn thế giới, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc về nguyên liệu từ những quốc gia khác như Trung Quốc.

Hiện Ấn Độ đang là nhà sản xuất thuốc lớn thứ 3 trên thế giới về sản lượng do có chi phí khá rẻ. Khoảng 1/3 số thuốc được tiêu thụ tại Mỹ và ¼ tại Anh là được sản xuất tại Ấn Độ.

Xưởng thuốc trong mùa dịch

Ấn Độ đang phấn đấu để thúc đẩy tổng giá trị ngành dược trong nước từ 42 tỷ USD hiện nay lên 65 tỷ USD vào năm 2024 và 130 tỷ USD vào năm 2030.

Quốc gia sắp trở thành xưởng thuốc của thế giới: Cung cấp hơn 201 triệu liều vaccine, sản xuất 80% số thuốc kháng HIV cho toàn thế giới - Ảnh 1.

Trong đại dịch, Ấn Độ đóng vai trò cực kỳ quan trọng với ngành dược cũng như những nỗ lực chống dịch của thế giới. Báo cáo chính thức cho thấy quốc gia này đã xuất khẩu hơn 201 triệu liều vaccine tới 100 quốc gia trên toàn cầu tính đến ngày 9/5/2022.

Mặc dù trong khoảng tháng 4-10/2021, Ấn Độ đã phải tạm ngừng xuất khẩu vaccine vì bùng dịch trong nước nhưng đã nhanh chóng hồi phục lại đà sản xuất.

Không riêng gì đại dịch Covid-19, hiện hơn 80% số thuốc kháng HIV điều trị AIDS trên thế giới được sản xuất bởi các công ty Ấn Độ.

Tuy nhiên, ngành sản xuất thuốc trị giá 42 tỷ USD của Ấn Độ lại đang phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu nguyên liệu. Báo cáo của chính phủ cho thấy nước này phải mua tới 68% nguyên liệu làm thuốc từ Trung Quốc. Nguyên nhân chính là chi phí sản xuất những nguyên liệu này trong nước còn đắt hơn giá nhập khẩu.

Thậm chí, một nghiên cứu của Hội đồng kích thích thương mại (TPC) cho thấy tỷ lệ phụ thuộc nguyên liệu sản xuất dược phẩm của Ấn Độ vào Trung Quốc có thể lên đến 85%, với một số dòng kháng sinh chủ chốt thì con số này có thể lên đến gần 90%.

Với nguyên nhân đó, Ấn Độ đang thực hiện kế hoạch tăng cường tự chủ sản xuất nguyên liệu dược phẩm từ cách đây 2 năm. Khoảng 35 nguyên liệu làm thuốc đã bắt đầu được sản xuất tại 32 nhà máy kể từ tháng 3/2022 với những chính sách hỗ trợ từ chính phủ.

Giảm phụ thuộc

Trên thực tế, Ấn Độ trước đây không phụ thuộc vào nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu như hiện nay. Vào năm 1991, Ấn Độ chỉ nhập khẩu khoảng 1% nguyên liệu làm thuốc từ Trung Quốc.

Quốc gia sắp trở thành xưởng thuốc của thế giới: Cung cấp hơn 201 triệu liều vaccine, sản xuất 80% số thuốc kháng HIV cho toàn thế giới - Ảnh 2.

Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi từ khi Trung Quốc tăng cường phát triển ngành dược với 7.000 khu công nghiệp sản xuất thuốc, được trang bị đầy đủ hệ sinh thái từ điện nước đến cơ sở hạ tầng. Kể từ đó, giá nguyên liệu dược phẩm tại Trung Quốc ngày càng rẻ, dẫn đến các công ty dược Án Độ chuyển từ tự sản xuất sang nhập hàng từ nước ngoài.

Hiện nay, Ấn Độ đang đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc xuống còn 35% vào cuối thập niên này. Để làm được điều đó, Ấn Độ đã vạch ra khoản hỗ trợ trị giá 520 tỷ USD nhằm thúc đẩy ngành dược trong nước. Hơn 2 tỷ USD sẽ được đầu tư trước tiên cho các công ty dược tư nhân lẫn nước ngoài để sản xuất 53 loại nguyên liệu dược phẩm ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, nhà sáng lập Mayur Sirdesai của Somerset Indus Capital Pertners nhận định quá trình cai nghiện này sẽ cần thời gian và thay vì tăng cường số lượng, Ấn Độ nên tập trung vào những nguyên liệu dược chủ chốt trước.

"Chúng ta sẽ làm tốt hơn nếu giảm số lượng nguyên liệu dược định tự làm và tập trung trước tiên vào những thành phần hay được sử dụng", ông Sirdesai nhấn mạnh.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng phải có biện pháp nhằm hạ chi phí của cả ngành hóa chất trong chuỗi cung ứng dược phẩm, qua đó hạ giá thành được cho các nguyên liệu về dài hạn.

Bên cạnh nguyên liệu dược phẩm, Ấn Độ cũng đang nhập khẩu tới 1,5 tỷ USD thiết bị y tế từ Trung Quốc.

*Nguồn: CNBC

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM