Quảng Ninh: Doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhờ trồng na theo hướng VietGap

25/07/2019 20:25 PM | Xã hội

Chúng tôi không phải đi bán lẻ từng cân một mà có thương lái đến tận vườn thu mua từ đầu đến cuối vụ, giải quyết tốt khâu đầu ra bao tiêu sản phẩm nông sản.

Đó là chia sẻ của anh Đào Văn Dũng – thôn Đìa Sen, xã An Sinh, TX Đông Triều (Quảng Ninh) và đa phần người trồng na dai tại Đông Triều (Quảng Ninh).

Theo ông Hoàng Xuân Nam – Phó chủ tịch UBND xã An Sinh, hàng năm cây na cho thu nhập của xã trên 100 tỉ, đóng góp 1/3 tổng thu trên địa bàn từ sản phẩm nông nghiệp.

Là một trong những hộ đi đầu về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển cây na, gia đình anh Nguyễn Văn Tân ở thôn Đông Khê Thượng, xã Việt Dân hiện có trên 1 ha chuyên canh với gần 1.100 cây na các loại. Dự kiến năm nay sản lượng na của vườn nhà anh Tân đạt khoảng 30 tấn, sau khi trừ chi phí, với giá thu mua ổn định như hiện nay, anh Tân và gia đình cũng thu về trên dưới 300 triệu đồng.

Với 1,2 ha na dai, anh Đào Văn Dũng ở thôn Đìa Sen xã An Sinh, chuyển sang chăm sóc theo quy trình VietGap từ 2 năm nay. Thực hiện chương trình này, gia đình anh được địa phương hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, để đầu tư hệ thống tưới tự động và được tập huấn chương trình chăm sóc na đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện na đang vào vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày gia đình anh bán ra thị trường từ 4 - 5 tạ với giá bán 35 ngàn đồng/1kg.

Chúng tôi không có phải đi ra bán lẻ từng chợ, từng cân một mà có thương lái đến tận vườn thu mua từ đầu đến cuối vụ. Hiện, Đông Triều đang dần hình thành nên vùng sản xuất na của tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi hy vọng sản phẩm na dai Đông Triều trở thành thương hiệu nổi tiếng cả trong nước và một số quốc gia lân cận – ông Dũng chia sẻ.

Quảng Ninh: Doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhờ trồng na theo hướng VietGap - Ảnh 1.

Hiện Đông Triều đang tiếp tục vận động, hướng dẫn các hộ trồng na theo quy trình VietGap

Được biết, xã An Sinh hiện có hơn 480 ha trồng na dai, trong đó 450 ha đang cho thu hoạch, đến thời điểm này đã có trên 100 ha của 160 hộ đã chuyển sang chăm sóc theo quy trình VietGap, tập trung chủ yếu ở các thôn Đìa Sen, Đìa Mối, Tân Hồng và Mai Long.

Mỗi 1ha trồng và chăm sóc theo quy trình Vietgap sản lượng thu hoạch đạt trên 10 tấn, doanh thu trên 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn với gần 70 triệu đồng so với 1ha trồng na theo phương thức truyền thống. Từ ngày trồng na theo mô hình Vietgap chúng tôi thấy sản lượng tăng lên mà thuốc trừ sâu thì giảm đi, quả na ngon và sạch sẽ hơn nên thương lái mua cũng chấp nhận dù giá cao hơn – anh Nguyễn Tiến Bạn, thôn Đìa Sen xã An Sinh cho biết.

Nói về lợi ích của mô hình Vietgap được ứng dụng trong trồng na Đông Triều, chị Bùi Thị Nga thôn Đìa Mối xã An Sinh còn chia sẻ, khi mà có trương trình của VietGap thì na của xã An Sinh cũng được mở rộng thị trường, cũng tiêu thụ được thêm tại các tỉnh miền Trung và miền Nam nhiều hơn, có nhiều thương lái hơn về mua buôn.

Với tổng diện tích trồng na tập trung trên 900ha, dự kiến sản lượng na của các xã ở Đông Triều năm nay đạt khoảng gần 12 nghìn tấn. Với giá thu mua tại vườn từ 25 - 30 nghìn đồng/kg na loại 1, nhiều nhà vườn trồng na sẽ có thu nhập đến cả tỷ đồng từ tiền bán na. Trung bình giá trị kinh tế cây na mang lại cho nông dân Đông Triều đang dao động trong khoảng từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm.

Hiện Đông Triều đang tiếp tục vận động, hướng dẫn các hộ trồng na theo quy trình VietGap để xây dựng thương hiệu na dai Đông Triều. Cây na đang trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, giúp hơn 1000 hộ ở đây nâng cao thu nhập với hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo Lan Vũ

Cùng chuyên mục
XEM