‘DN Việt thành lập 30 năm không bằng DN Nhật mới ra đời 1 tháng’

17/12/2014 09:28 AM | Thương hiệu

“Doanh nghiệp Việt Nam thành lập 30 năm sang Nhật Bản người ta chẳng hiểu gì, trong khi doanh nghiệp Nhật Bản mới thành lập 1 tháng sang Việt Nam rất ‘oách’. Vì nói đến Nhật Bản, người ta hiểu rằng thương hiệu quốc gia này hơn hẳn Việt Nam” – Thứ trưởng Bộ Công thương.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã nhận định như trên tại buổi họp báo giới thiệu Lễ Công bố Chương trình Thương hiệu Quốc gia (Vietnam Value) 2014 diễn ra chiều 16/12.

Ông Hải cho biết: “Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm hơn các doanh nghiệp Nhật Bản nhưng vì thương hiệu quốc gia kém nên họ phải chấp nhận việc đã có thương hiệu ở quốc gia Việt Nam 30 năm nay nhưng vẫn kém một doanh nghiệp Nhật Bản mới thành lập 1 tháng. Việc này chúng ta phải xem lại”.

Thương hiệu chúng ta kém Nhật Bản, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận điều đó. Đấy là thiệt thòi của các doanh nghiệp Việt Nam”.

Tìm thương hiệu mang tên Việt Nam

Chương trình Thương hiệu Quốc gia, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, là chương trình duy nhất của Chính phủ để quảng bá thương hiệu quốc gia.

Danh sách các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2014 đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng có quyết định công nhận, gồm 63 doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, gồm các ngành cơ khí - máy móc - thiết bị, dệt may - da giầy, điện - điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông, ngân hàng, thủ công mỹ nghệ, dược phẩm – hóa mỹ phẩm...

Việc lựa chọn các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia được tiến hành 2 năm một lần, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ và theo đuổi các giá trị của chương trình.

Bộ tiêu chí của chương trình, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, phải đấu thầu quốc tế để lựa chọn. Bộ tiêu chí này gồm gần 30 tiêu chí bám trên 3 giá trị: Chất lượng, Đổi mới - Sáng tạo và Tiên phong, dẫn dắt thị trường.

Không chỉ đánh giá dựa trên doanh số, quy mô mà còn đánh giá qua nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp và nghĩa vụ về mặt xã hội như chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ cho người lao động, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng nói chung. Nói cách khác, là các yếu tố bền vững của doanh nghiệp thể hiện qua cách bảo vệ môi trường và nhiều yếu tố khác chứ không chỉ đơn thuần đánh giá dựa trên doanh thu, lợi nhuận”, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bùi Huy Sơn, Tổng Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia, cho biết.

Chỉ hỗ trợ thương hiệu cho doanh nghiệp lớn?

Việc công bố các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia chỉ là bước khởi đầu, sau nữa là việc phối kết hợp giữa các cơ quan, Chính phủ, phối kết hợp với tất cả các bộ ngành khác, với các địa phương để xây dựng các thương hiệu, trước hết là thương hiệu của chính các doanh nghiệp.

“Khi đã đạt được mức độ nhận biết trên thế giới, trước hết là trên thị trường Việt Nam, sẽ mang lại thương hiệu quốc gia, sự hiểu biết cũng như tiếng nói” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Tại sao doanh nghiệp Nhật mới thành lập 1 tháng đã được hưởng lợi ích của thương hiệu quốc gia Nhật Bản? Tại sao chúng ta 30 năm rồi không bằng một doanh nghiệp mới thành lập 1 tháng? Điều đó chúng ta phải hiểu được”.

Thứ trưởng Hải cũng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng thắc mắc là tại sao doanh nghiệp đăng ký không được, tại sao doanh nghiệp đã nhỏ lại không được chương trình hỗ trợ mà chương trình lại hỗ trợ các doanh nghiệp lớn.

Chúng tôi có rất nhiều chương trình như chương trình xúc tiến thương mại quốc gia dành cho doanh nghiêp nhỏ và vừa. Còn chương trình này hỗ trợ doanh nghiệp lớn. Không phải cứ doanh nghiệp lớn là chúng tôi hỗ trợ, mà khi hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ mang lại thương hiệu cho cả quốc gia Việt Nam, mang lại hiệu ứng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác và cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam” – Thứ trưởng Hải phân tích thêm.

Lễ công bố các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2014 sẽ được tổ chức vào 20h30 ngày 23/12/2014 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam.

Ngày 25/12, các doanh nghiệp được công nhận sẽ có buổi tiếp kiến báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về kết quả triển khai chương trình.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia là chương trình duy nhất của chính phủ để quảng bá thương hiệu quốc gia, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần kể từ năm 2008.

Số lượng các doanh nghiệp được lựa chọn trong chương trình đã tăng đáng kể qua các năm, từ 30 (2008), sau tăng dần lên 43 (2010), rồi 54 (2012) và giờ là 63. Trong số 63 doanh nghiệp được công nhận năm nay, có 48 doanh nghiệp đã đạt Thương hiệu Quốc gia và tiếp tục được lựa chọn (23 doanh nghiệp 4 lần liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia, 11 doanh nghiệp có 3 lần liên tiếp đạt, và 14 doanh nghiệp có 2 lần liên tiếp đạt danh hiệu này), 15 doanh nghiệp đăng ký mới đáp ứng đủ các tiêu chí lựa chọn.

>> Mô hình định vị thương hiệu cho start-up

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM