Vua tôm Minh Phú muốn huỷ niêm yết: Vận mệnh thuộc về ai?

03/05/2013 19:17 PM | Quản trị

Với cơ cấu cổ đông hiện tại, vận mệnh MPC vẫn đang nằm trong tay ban lãnh đạo lâu năm của công ty.

Thông tin vua tôm Minh Phú (MPC) tính chuyện huỷ niêm yết nhanh chóng khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn: Sao lại huỷ niêm yết khi doanh nghiệp này lâu nay vẫn được lòng cổ đông bởi lãi hàng năm luôn ở mức cao so với thị trường. EPS tầm 3-4 nghìn đồng/CP suốt nhiều năm ròng.

Áp lực bởi cổ đông ngoại?

Sau thông tin muốn huỷ niêm yết được đưa ra, nhiều nhà đầu tư cho rằng MPC chiều lòng cổ đông ngoại. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của cổ đông ngoại đã đủ lớn? Theo báo cáo thường niên phát hành hồi tháng 4 năm nay, MPC có 2 cổ đông ngoại là cổ đông lớn gồm: Red river holding và Vietnam Investment Fund. 2 cổ đông này cũng chỉ mới nắm giữ tổng cộng hơn 16% vốn điều lệ công ty.



2 cổ đông lớn nhất đồng thời cũng thuộc ban lãnh đạo của công ty là Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang và Thành viên HĐQT Chu Thị Bình (cũng là vợ ông Quang) hiện nắm giữ gần 48% vốn của MPC. 

Nói gọn lại, với cơ cấu cổ đông hiện hành, đề xuất huỷ niêm yết nếu muốn được ĐHCĐ thông qua thì ít nhất cũng phải được sự đồng thuận của những lãnh đạo đồng thời là những cổ đông lớn của công ty. Lãnh đạo MPC vẫn nắm thế chủ động trước mọi quyết định liên quan đến vận mệnh MPC.

Trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Toán là người công bố thông tin của công ty cho biết: có đề xuất của một cổ đông lớn về việc huỷ niêm yết và công ty đồng ý đưa nội dung này vào đệ trình ĐHCĐ. Còn, tỷ lệ đồng thuận thì không thể đoán được. Có người cũng muốn rút niêm yết, có người không...

Do thanh khoản?

Ông Toán cũng đề cập đến câu chuyện thanh khoản cổ phiếu MPC: "Với thanh khoản như hiện tại, một cổ đông của chúng tôi cảm thấy không đủ hấp dẫn. Hơn nữa, thị giá thấp không phản ánh đúng giá trị thực của MPC". 

Bởi, trước thềm ĐHCĐ và khá vội vàng chuẩn bị hồ sơ và tiếp đoàn thẩm tra của bộ thương mại Mỹ (DOC) trong vụ kiện chống bán phá giá của Liên minh tôm miền Nam (Mỹ) với các công ty xuất khẩu tôm của Việt Nam, ông Toán không chia sẻ được nhiều hơn. Tuy nhiên, với thanh khoản mỗi ngày của MPC có phiên chỉ vài trăm cổ phiếu, phiên nhiều thì 100 nghìn cổ phiếu tức chỉ khoảng 0,1-0,2% vốn điều lệ thì chuyện huỷ niêm yết bởi thanh khoản thấp cũng không phải không có nguyên do.

Cần tiền cho những kế hoạch dài hơi

BCTC năm 2012 cho thấy, dòng tiền của MPC vẫn khoẻ với hơn 1.260 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tương đương nhau.

Một trong những kế hoạch dài hơi của Minh Phú là tăng vốn công ty con Minh Phú – Hậu Giang từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng bằng cách tăng thêm thành viên mới, kế hoạch thành lập viện nghiên cứu tôm với vốn ban đầu 1 triệu USD trích từ quỹ nghiên cứu phát triển cũng sẽ được HĐQT trình ĐHCĐ sắp tới.


Nhìn bản triển vọng và kế hoạch trong tương lai, tờ trình phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu của công ty trở nên dễ hiểu hơn. Và nếu, việc phát hành này dành cho cổ đông ngoại thì chuyện chiều lòng cổ đông ngoại để hợp tác phát triển dài hạn là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, với sức khoẻ tài chính đến nay vẫn tốt, nội bộ nắm giữ nhiều cổ phiếu, vận mệnh của MPC vẫn thuộc về quyền quyết định của những lãnh đạo đã theo MPC nhiều năm ròng.

Theo Thanh Hiên

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM