Văn hoá cúi đầu nhận lỗi của lãnh đạo Nhật và những điều đáng suy ngẫm

30/06/2015 10:50 AM | Quản trị

Nhóm CEO, lãnh đạo các công ty tập đoàn lớn thường rất khó khăn trong việc thốt ra lời xin lỗi tới công chúng khi 1 vụ việc đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, một lời xin lỗi chân thành thực tế lại là phản ứng truyền thông khôn ngoan và ấn tượng.

Nội dung nổi bật:

- Khi một vụ việc đáng tiếc xảy ra, lãnh đạo các công ty thường lúng túng trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông.

- Tuy nhiên, với các lãnh đạo Nhật, hành động cúi đầu nhận lỗi trước công chúng được cho là phản ứng truyền thông "khôn ngoan và ấn tượng".


Theo một nghiên cứu gần đây của tờ New York Times, phụ nữ thường nói xin lỗi quá nhiều. Đối lập lại, một nhóm khác gồm CEO của các công ty, tập đoàn lớn lại rất khó khăn trong việc thốt ra lời xin lỗi khi có bất kỳ rắc rối nào xảy ra.

Cụ thể, vào tuần trước CEO của Takata – nhà sản xuất túi khí đến từ Nhật Bản đã đưa ra lời xin lỗi chính thức sau khi sản phẩm của công ty gây ra 8 trường hợp tử vong và hơn 100 người khác bị thương dẫn đến những vụ thu hồi xe lớn nhất trong lịch sử ngành ô tô.

“Tôi gửi lời xin lỗi từ đáy lòng đến những người đã chết và bị thương”, CEO Shigehisa Takada nói trong một buổi họp báo tại Tokyo. “Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm to lớn trong việc này”. Kèm với đó, để thể hiện sự hối hận của mình, Takada đã cúi đầu xin lỗi.

Điều đáng nói là dù công ty Takata đã gửi lời xin lỗi chính thức tới công chúng trong một mẩu quảng cáo in và bản thân CEO Takada cũng đã xin lỗi trước quốc hội về vấn đề này vào tháng 11/2014 nhưng đây là lần đầu tiên ông công khai cúi đầu nhận lỗi trước công chúng. Trong khi đó, vấn đề lỗi túi khí bắt đầu xảy ra từ năm 2008 khi Takada còn là chủ tịch công ty và nó càng trở nên tồi tệ hơn khi ông đảm nhận vị trí CEO và chủ tịch.

Lời xin lỗi của ông ấy quá muộn”, Sydney Finkelstein – một giáo sư tại trường kinh doanh Tuck, Dartmouth nói. “Vấn đề này đã diễn ra trong một khoảng thời gian và ông ấy không hề xuất hiện”.

Thực tế trường hợp giống như CEO Takada vốn rất phổ biến trong giới kinh doanh. Đa số các lãnh đạo ngân hàng đang tại nhiệm trong giai đoạn khủng hoảng tài chính diễn ra đỉnh điểm vào năm 2008, không có bất kỳ ai công khai bày tỏ sự tiếc nuối.

Cựu CEO Massey Energy chưa bao giờ đưa ra lời xin lỗi công khai khi một vụ nổ vào năm 2010 đã giết chết 29 thợ mỏ của công ty. Thay vào đó, ông này còn khẳng định rằng đó là một tai nạn không thể tránh được.

“Xin lỗi có nghĩa là bạn thừa nhận mình đã làm điều gì đó sai lầm. Điều này thật sự khó khăn với những vị CEO và các nhà quản lý”, Finkelstein – giáo viên lớp quản lý tại trường Tuck nói. “Khi một việc xảy ra, bạn cảm thấy sợ hãi và gặp phải một số lực cản để nói lời xin lỗi ngay cả khi bạn nhận thức được đó là hành động hoàn toàn đúng đắn”. Một vài CEO thì mang nỗi sợ hãi rằng tình huống có thể trở nên tồi tệ hơn khi thừa nhận việc mình đã làm sai.

Tuy nhiên, trái ngược với những gì nhiều người nghĩ. Một lời xin lỗi chân thành của lãnh đạo có thể mang lại hiệu quả bất ngờ. “Lời xin lỗi chính thống chất chứa sự chân thành có thể truyền tải sự đáng tin cậy. Rất nhiều người cho thấy đây là một phản ứng truyền thông khôn ngoan và ấn tượng”.

Ví dụ điển hình là McDonald’s Nhật Bản. Tháng 8/2014, một vị khách tại cửa hàng McDonald’s ở Osaka, Nhật Bản tá hoả khi nhìn thấy chiếc răng người trong phần khoai tây chiên được phục vụ. Điều đáng nói là một tháng trước đó, McDonald’s Nhật Bản cũng gặp phải bê bối cung cấp thực phẩm bẩn tại Trung Quốc.

Đến đầu tháng 1/2015, phía McDonald’s Nhật Bản chính thức mở một cuộc họp báo nhằm khẳng định lại mức độ an toàn của đồ ăn, cung cấp kết quả điều tra các sự việc và cuối cùng là gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.

Ngay khi bắt đầu, người phát ngôn của hãng là Takashi Hasega đã đứng lên thừa nhận tất cả các vụ việc. Sau đó vào cuối buổi họp, hình ảnh được báo chí lan truyền đi rộng rãi là cảnh Giám đốc Hidehito Hishinuma cúi đầu và gửi lời xin lỗi đến toàn thể người tiêu dùng ngay trong buổi họp báo.

Ông này cũng khẳng định, hãng đang tìm kiếm nhà cung cấp món gà nugget mới để đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn nhất cho khách hàng. Hành động này của McDonald’s được cho là khôn ngoan và lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng.

Quay trở lại với trường hợp của Takata, gần 34 triệu túi khí của công ty này được các hãng xe phổ biến như Honda, Toyota và những nhà sản xuất ô tô khác sử dụng đã bị thu hồi tại Mỹ. Mới đây nhất, Honda xác nhận một trường hợp tử vong khác liên quan đến vấn đề lỗi túi khí.

CEO Takada hiện 46 tuổi đã chịu sự chỉ trích nặng nề từ phía dư luận vì sự im lặng của ông trong suốt hơn 1 năm qua. Ông này còn được miêu tả là người “ẩn dật”.

Cho đến tận thứ 3 tuần trước, ông này mới chính thức gửi lời xin lỗi tới công chúng. “Tôi cho rằng việc ưu tiên hàng đầu của tôi lúc này là đảm bảo sản phẩm được sản xuất an toàn. Tôi rất tiếc vì chưa đưa ra đủ những lời giải thích cần thiết trong thời gian qua”.

Dẫu vậy, một lời xin lỗi chân thành từ lãnh đạo công ty là chưa đủ, nó còn phải đi kèm với những hành động và kế hoạch rõ ràng. Hiện phía Takata vẫn không nêu rõ nguyên nhân dẫn đến lỗi túi khí hàng loạt. Mặt khác, trong buổi họp báo vào thứ 3 vừa qua, CEO Takada có nhắc đến việc công ty đang cân nhắc mở quỹ hỗ trợ các nạn nhân nhưng lại không đưa ra kế hoạch cụ thể. Ông này cũng không nói sẽ từ chức.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM